Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2012 | 2:01:42 PM

Sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức vụ.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

Đã có quy định nhưng chưa được thực hiện

Lấy phiếu tín nhiệm được hiểu là việc làm định kỳ hằng năm, nhằm đánh giá sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc thực hiện công tác cán bộ

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện thái độ tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ  do mình bầu ra hoặc phê chuẩn trong những trường hợp do luật quy định (hình thức này gần với bỏ phiếu bất tín nhiệm ở một số quốc gia khác).

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đúng các Nghị quyết của Đảng. Đây cũng là một bước cụ thể hóa các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay.

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết trung ương 4) đã đặt ra yêu cầu cần “hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”.

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Quốc hội "bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn".

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một trong số  các nguyên nhân được Thường vụ Quốc hội chỉ ra là do pháp luật chưa quy định rõ các căn cứ, cơ sở để các chủ thể có quyền có thể đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm, chưa làm rõ mối liên hệ giữa việc đánh giá tín nhiệm cán bộ với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; chưa tạo nên sự gắn kết giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm và phân biệt rõ tầm quan trọng của hai quy trình này.

Phạm vi lấy phiếu tín nhiệm tương đối rộng

Căn cứ vào yêu cầu của Nghị quyết trung ương 4, các quy định của Hiến pháp và luật, đồng thời để bảo đảm tính khả thi của việc lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tương đối rộng.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 người, bao gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 380 người, bao gồm các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên của Hội đồng, Uỷ ban.

Ở địa phương, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân (2-3 người), Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân (2-4 người); Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân (3-13 người).

Các Ban của Hội  đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban (gồm từ 2 đến 4 ban, mỗi ban có từ 5-15 người).

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân được sử dụng làm căn cứ để tiếp tục tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định phân cấp về thẩm quyền thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Hội đồng nhân dân sẽ góp phần nâng cao tính khả thi của quy định này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy phiếu tín nhiệm được tập trung và sát hơn đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý như bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, dự thảo Nghị quyết cũng quy định người mà năng lực, trình độ chưa tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được giao cũng như không đạt sự tín nhiệm của đại biểu thì có thể tự nguyện từ chức. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đồng tình cao với phạm vi lấy phiếu tín nhiệm theo đề xuất của Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức.

Ý kiến này đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, như Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.

Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân.

Theo chương trình của kỳ họp, nội dung của Dự thảo Nghị quyết sẽ được các đại biểu thảo luận ở tổ vào chiều ngày 29/10 tới đây.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Đồng bào Mông Mù Cang Chải thu hoạch lúa mùa.

YBĐT - Để thực hiện toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện đề ra, ngay từ đầu năm, HĐND huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với UBND huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cùng các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết.

Các đại biểu QH tỉnh Yên Bái dự phiên khai mạc kỳ họp.

YBĐT - Sáng 22/10, Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Thủ đô Hà Nội.

YBĐT - Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái; nhiều hoạt động kỷ niệm nhân ngày 20/10; kỳ họp 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt – Nga khai mạc; bế mạc Hội nghị thượng đỉnh châu Á lần thứ nhất... là những tin tức nổi bật đã diễn ra trong những ngày qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.

Thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục