Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2012 | 7:39:09 AM
Chiều 22-11, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã trả lời một số câu hỏi của các phóng viên liên quan đến một số vấn đề được báo giới và công chúng quan tâm.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị tại buổi họp báo chiều 22-11
|
Trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc bao gồm đường chín đoạn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nhấn mạnh:
“Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Israel và Palestin mới đây đã thông qua thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào lúc 19.00 GMT ngày 21-11-2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói:
“Việt Nam quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực nghiêm trọng giữa Israel và Palestin làm hàng trăm người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em bị thiệt mạng. Chúng tôi lên án mọi hành động tấn công quân sự gây tổn thất về tính mạng và tài sản của thường dân. Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực nhằm sớm đem lại hòa bình, ổn định cho khu vực, và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được.”
Trả lời báo Tuổi trẻ đề nghị khẳng định thông tin cho rằng, sau khi Hội nghị ASEAN 21 kết thúc, các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thuộc khối ASEAN sẽ có cuộc họp vào ngày 12-12-2012 tại Manila để thảo luận về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói:
“Chúng tôi đã được phía Philippines thông báo về vấn đề này và hiện đang chờ thư mời chính thức, trong đó sẽ thống nhất về cách thức tổ chức, nội dung và thời gian của cuộc gặp gỡ”.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói, “việc tham vấn giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông là việc làm bình thường và thường xuyên để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận và cam kết đã có như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và mới đây là Tuyên bố chung Cấp cao Kỷ niệm 10 năm DOC”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận việc Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định 20, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:
“Quy định việc biên tập, biên dịch kênh chương trình truyền hình nước ngoài trên truyền hình trả tiền đã được quy định trong các văn bản pháp luật trước đây, trong đó có Quyết định 79 ngày 18/6/2002 do Thủ tướng chính phủ ban hành. Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định 20 ngày 24/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ chỉ nhằm cụ thể hóa các yêu cầu biên tập, biên dịch đối với kênh truyền hình nước ngoài đã có trước đây, nhằm tạo điều kiện để người dân Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với nội dung các chương trình bằng tiếng nước ngoài.”
“Chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành truyền hình. Đến nay theo chúng tôi được biết đã có hơn 70 chương trình truyền hình nước ngoài đăng ký cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam. Việc có nhiều kênh truyền hình nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ khuyến khích và tạo điều kiện phát triển ngành truyền hình trả tiền ở Việt Nam, đồng thời giúp người dân Việt Nam được tiếp cận nhiều với thông tin từ bên ngoài”.
“Được biết, trong quá trình triển khai quy định này, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn tiếp tục tiếp thu và xem xét ý kiến của các bên liên quan".
(Theo NDĐT)
Các tin khác
YBĐT - Thảo luận tại hội trường sáng 22/11, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm- Đoàn đại biểu QH tỉnh Yên Bái phát biểu cho ý kiến bổ sung vào dự án Luật Hòa giải ở cơ sở (ảnh dưới).
YBĐT - Ngày 22/11, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 tại huyện Lục Yên.
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" được thành lập trái phép ở Biển Đông bao gồm các đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đã bắt đầu hoạt động "Tuần báo cáo quy hoạch" về các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đẩy nhanh bố trí, lắp đặt các thiết bị giao thông và quy hoạch xây dựng công trình dân sinh.
YBĐT - Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIII, sáng 21/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh & giảm nhẹ thiên tai. Trước đó, với đa số phiếu tán thành QH đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.