Kinh nghiệm chuẩn bị kỳ họp ở HĐND huyện Yên Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 3/1/2013 | 3:17:24 PM
YBĐT - Sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND huyện Yên Bình (Yên Bái) đều tổ chức họp với các ban, các tổ đại biểu, các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm việc chuẩn bị kỳ họp và thực hiện các nội dung trong thời gian diễn ra kỳ họp.
Cử tri xã Phúc An nêu ý kiến đề nghị nâng cấp đường Đông Hồ tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XIII. (Ảnh Quỳnh Nga)
|
Do đó, chất lượng các kỳ họp sau so với kỳ họp trước đều có sự đổi mới, hiệu quả, được đại biểu và cử tri đánh giá cao. Chuẩn bị chu đáo, kịp thời và điều hành không bị lúng túng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Làm tốt khâu này, trước kỳ họp ít nhất 40 ngày, Thường trực HĐND huyện đã chủ trì cuộc họp liên tịch với UBND huyện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, trưởng, phó các ban HĐND, tổ trưởng tổ đại biểu HĐND và các ngành có liên quan để bàn bạc, thống nhất dự kiến thời gian, chương trình, nội dung kỳ họp; phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết của HĐND.
Quy định các báo cáo trình kỳ họp sẽ in ấn gửi toàn văn cho đại biểu, còn khi trình bày tại kỳ họp chỉ báo cáo tóm tắt, dành nhiều thời gian cho thảo luận và chất vấn. Giới hạn thời gian chuẩn bị các nội dung tài liệu trình kỳ họp phải xong trước thời gian dự kiến diễn ra kỳ họp từ 15 đến 20 ngày.
Công việc này nếu tiến hành xong càng sớm càng thuận lợi vì sẽ có nhiều quỹ thời gian dành cho công tác thẩm tra và thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thực tế cho thấy, chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết chậm sẽ làm cho việc thẩm tra không đảm bảo chất lượng; in ấn văn bản muộn, không có thông tin gửi trước cho đại biểu để nghiên cứu cũng làm giảm chất lượng kỳ họp.
Để việc ban hành nghị quyết HĐND sát thực và có tính khả thi, trước mỗi kỳ họp từ 15 đến 20 ngày, các ban HĐND tiến hành khảo sát, giám sát tại một số cơ quan, đơn vị về những vấn đề liên quan đến nội dung của kỳ họp, sau đó tổng hợp báo cáo thẩm tra.
Chất lượng các báo cáo thẩm tra càng cao thì chất lượng, hiệu quả kỳ họp càng được nâng lên. Vì vậy, báo cáo thẩm tra của các ban đã có sự đầu tư, khảo sát thực tế; nội dung có tính phản biện và thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy trình thẩm tra theo quy định.
Căn cứ vào thông báo kết luận cuộc họp liên tịch về chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Văn phòng HĐND & UBND huyện thực hiện các công việc đã được phân công; tổ chức cuộc họp với các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND huyện và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện để trao đổi, làm rõ thêm vấn đề chuyên ngành và các vấn đề đại biểu quan tâm để có cơ sở HĐND quyết định chính xác.
Bên cạnh đó là xem xét báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo trả lời ý kiến cử tri của các cơ quan chuyên môn trước khi diễn ra kỳ họp. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND còn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các tổ đại biểu HĐND huyện xây dựng kế hoạch và hướng dẫn đại biểu HĐND huyện tiếp xúc cử tri.
Một mặt để đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến thời gian, chương trình nội dung kỳ họp HĐND; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện; kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước.
Mặt khác, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và tổng hợp báo cáo để phản ánh tại kỳ họp HĐND đảm bảo trước 10 ngày diễn ra kỳ họp. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri có sự chọn lọc, biên tập kỹ lưỡng, phân loại theo từng lĩnh vực và thẩm quyền giải quyết. Việc xây dựng chương trình làm việc phù hợp với nội dung của kỳ họp, quan tâm dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND huyện thống nhất với các ban HĐND huyện lựa chọn những nội dung, những vấn đề cử tri quan tâm nhất như: ô nhiễm môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đầu tư xây dựng và nâng cấp đường điện, thực hiện chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp… để chuẩn bị câu hỏi chất vấn của các cơ quan, đơn vị tại kỳ họp.
Cùng với ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND huyện và lựa chọn ý kiến, kiến nghị của cử tri để chất vấn, mỗi kỳ họp HĐND huyện có ít nhất từ 5 đến 6 ý kiến chất vấn gửi đến các cơ quan, cá nhân yêu cầu trả lời chất vấn đảm bảo ngắn gọn, đúng và trúng vấn đề.
Theo đó, Thường trực HĐND còn chuẩn bị lựa chọn nội dung trọng tâm phát biểu tại hội trường để các cơ quan chuẩn bị trước; chuẩn bị danh sách chia tổ thảo luận của tổ đại biểu HĐND huyện gắn với đại biểu là lãnh đạo cấp xã và đại biểu là huyện ủy viên, thủ trưởng cơ quan huyện phụ trách xã; chuẩn bị nội dung gợi ý thảo luận tổ.
Những việc làm này giúp cho đoàn chủ tọa thuận lợi khi điều hành kỳ họp, giúp cho buổi thảo luận diễn ra sôi nổi, tập trung đề xuất được các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và cũng giúp cho tổng hợp ý kiến thảo luận tại kỳ họp đầy đủ, chính xác, đảm bảo yêu cầu về thời gian trình chủ tọa kỳ họp.
Một vấn đề nữa được chuẩn bị chu đáo vì có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc họp đó là thành phần đại biểu dự họp và thời gian phát hành giấy mời họp. Có cuộc họp, kỳ họp do phát hành giấy mời họp muộn hoặc phát hành giấy mời sớm nhưng bởi lý do nào đó, nhiều đại biểu chưa nhận được giấy mời và do không kiểm tra, đôn đốc, đại biểu đến dự họp thiếu vắng thành phần. Vì vậy, việc phát hành giấy mời đến tay đại biểu nên trước khoảng 5 ngày trước khai mạc kỳ họp và phải kiểm tra xem đại biểu có nhận được giấy mời họp không.
Cũng trong thời gian này, Thường trực HĐND huyện phải tích cực kiểm tra, đôn đốc Văn phòng HĐND & UBND huyện phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện nội dung tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp; việc phục vụ kỳ họp, nhất là công tác hậu cần, trang trí khánh tiết, phát hành tài liệu cho đại biểu trước khai mạc kỳ họp.
Với vai trò là người chủ trì các công việc chuẩn bị cho kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND huyện xác định trúng những nội dung và chuẩn bị tốt chương trình, nội dung thì kỳ họp HĐND sẽ có chất lượng, hiệu quả cao và đại biểu HĐND mới thực sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân.
Thùy Dương
Các tin khác
Ngày 3/1, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2012 của Quốc hội về việc tổ chức, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm chủ trì Hội nghị.
Bộ Chính trị vừa quyết định thành lập Ban Nội chính trung ương và Ban Kinh tế trung ương, đồng thời phân công ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, giữ chức trưởng Ban Nội chính trung ương.
Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
YBĐT - Xác định năm 2013 đất nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng và Chính phủ đề ra 6 vấn đề trọng tâm cần xử lý nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.