Lấy rừng nuôi rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 10:23:47 AM
YBĐT - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức chi trả giữa các lưu vực và việc “nợ tiền” phí DVMTR của các đơn vị được hưởng lợi đang cản trở chính sách này.
Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái.
|
DVMTR là chính sách mới được triển khai tại Yên Bái. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng. Tại tỉnh Yên Bái, các đối tượng sử dụng DVMTR hoạt động năm 2012-2013 gồm các cơ sở sản xuất thủy điện gồm 13 nhà máy với tổng công suất 4.628,8 Mw và 3 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch với tổng công suất 16.500m3/ngày đêm.
Chính sách chi trả phí DVMTR được coi là bước đột phá trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng.
Huyện Mù Cang Chải có trên 65.000 ha rừng nằm trong diện tích rừng được chi trả phí DVMTR với đơn giá chi trả tại lưu vực sông đà là 318.859,0 đồng/ha (trong đó chi trả trực tiếp cho hộ nhận khoán là 286.973 đồng/ha); lưu vực sông hồng là 33.816 đồng/ha, tổng số tiền chi trả DVMTR được quỹ bảo vệ phát triển rừng cấp trong năm 2012 là 15 tỷ đồng.
Ông Lý A Sử, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: “Sau khi rà soát cả xã có 5.636 ha được chi trả phí, với diện tích này các hộ nhóm hộ sẽ được nhận trên 1,135 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng”.
Ông Giàng Nhà Trử, Trưởng bản Háng Cơ Bua phấn khởi cho biết: “Khi biết được nhận tiền chi trả phí DVMTR, bà con trong thôn ai cũng háo hức, phấn khởi. Ước cả thôn sẽ nhận được 97 triệu đồng tiền phí này, tạo điều kiện giúp bà con giữ rừng tốt hơn”. Xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải có 3.297 ha rừng được chi trả phí DVMTR diện tích này thuộc lưu vực sông Đà sẽ nhận được trên 1 tỷ đồng.
Theo ông Giàng A Hà, Phó chủ tịch UBND xã: “Đa số người dân sống bằng nghề nông-lâm nghiệp nên việc được nhận tiền phí chi trả DVMTR là động lực trong việc bảo vệ và phát triển rừng do đó việc tuyên truyền bảo vệ rừng sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Bà con có thêm thu nhập từ rừng, nên chắc chắn sẽ giữ rừng tốt hơn”.
Hiện nay, huyện Mù Cang Chải đang áp dụng mức chi trả giao khoán bảo vệ rừng với đơn giá 200.000đồng/ha (áp dụng cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ). Với chính sách chi trả DVMTR thì người dân được hưởng lợi khi mức giao khoán bảo vệ rừng ở lưu vực sông đà lên trên 318.000 đồng/ha, tỉnh sẽ tiết kiệm được số tiền lớn hàng năm chi trả cho các hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng bằng nguồn kinh phí Nhà nước.
Ông Háng A Sa, Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: “Việc được nhận phí chi trả DVMTR bà con rất phấn khởi. Nhưng chúng tôi không khỏi lo lắng khi mà mức tiền hỗ trợ chênh lệch ở hai lưu vực sông Hồng và sông Đà là quá lớn. Trên địa bàn xã có 3 thôn: Làng Giàng, Lùng Cúng, Phình Ngài với tổng diện tích rừng trên 1.907ha không được chi trả, nếu không tuyên truyền tốt rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã”.
Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: “Tổng diện tích rừng chúng tôi quản lý được chi trả 38.837 ha. Trong đó có 2 xã Nậm Có và Cao Phạ nằm trong lưu vực sông Hồng nên mức chi trả là 30.434 đồng/ha. Tuy nhiên, bà con được cộng thêm mức chi trả giao khoán bảo vệ rừng với đơn giá 200.000đồng/ha(áp dụng cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) nên vẫn đảm bảo trên 220.000 đồng/ha. Mức phí này còn tăng khi các nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động nên chúng tôi tuyên truyền người dân sẽ hiểu”.
Tại Hội nghị triển khai chính sách chi trả DVMTR mới diễn ra tại huyện Mù Cang Chải, nhiều xã đã đề nghị cho phép huyện Mù Cang Chải được điều chỉnh đơn giá chi trả DVMTR theo phương án lấy tổng số tiền được chi trả tiền DVMTR năm 2012 chia đều cho tổng diện tích rừng hiện có của huyện đang quản lý bảo vệ, để đơn giá chi trả cho 1 ha rừng bình quân là như nhau với mức giá bình quân là 244.294, 8 đồng/ha.
Theo báo cáo của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng thì hiện nay còn một số đơn vị chưa chi trả phí DVMTR gồm các nhà máy thủy điện: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nậm Đông 3, Nậm Đông 4, Hưng Khánh, Mường Kim, Hồ Bốn trong đó có Nhà máy thủy điện Hưng Khánh, Nậm Tục 2, Ngòi Hút 1 đã kí hợp đồng, còn các đơn vị trên chưa ký hợp đồng và chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả phí DVMTR với tổng số tiền nợ lên tới gần 5 tỷ đồng. Điều đáng nói là số tiền này các đơn vị đã được tính vào đơn giá bán điện với mức 20 đồng/kw điện.
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết: “Việc các đơn vị nợ tiền đã làm ảnh hưởng đến chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn, khi họ chậm nộp tiền thì cũng đồng nghĩa với việc Quỹ chậm chi trả cho người dân, Quỹ không có nguồn nào để ứng cho người bảo vệ rừng được mà đều phải dựa vào nguồn quỹ các đơn vị phải đóng, do vậy Quỹ vẫn chưa thể chi trả được”.
Chỉ tính riêng huyện Mù Cang Chải, trong tổng số tiền phải chi trả cho các chủ rừng là 15 tỷ đồng, Quỹ mới tạm ứng được 10,4 tỷ đồng trong đó Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải là 6,4 tỷ đồng và Ban quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh 4 tỷ đồng. Việc các đơn vị chây ỳ không thực hiện chi trả đã ảnh hưởng đến tiến độ của chính sách.
Thiết nghĩ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, hãy thực hiện nghiêm việc chi trả phí DVMTR theo quy định để Quỹ bảo vệ và phát triển rừng sớm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân!
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Bám sát 3 vấn đề theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ngay sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình của tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, nhiều việc làm đã được xã Thanh Lương (Văn Chấn) triển khai thực hiện ngay và đạt kết quả bước đầu.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng sáng 4/2, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức công bố nhân sự Ban Chỉ đạo, gồm 5 Phó Trưởng Ban, 10 ủy viên.
YBĐT - Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra tình hình lo cho nhân dân đón tết và tặng quà các hộ gia đình chính sách, người cao tuổi và các đơn vị tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn và huyện Yên Bình.
YBĐT - Ngày 4/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII.