Tích cực đóng góp những ý kiến sâu, tâm huyết
- Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2013 | 9:26:58 AM
YBĐT - Tỉnh Yên Bái đang triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Vinh - Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái xung quanh việc triển khai, cách thực hiện và những điểm mới của Dự thảo này.
Phóng viên: Xin ông cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được triển khai thực hiện như thế nào trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Ông Trần Quang Vinh: Ngày 11/1/2013, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 01/KH-HĐND tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ngày 21/1/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 108/UBND-NC về việc thành lập tổ giúp việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Riêng đối với cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo với các thành phần là đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đại diện các đơn vị cấp huyện và cấp xã, các chuyên gia, cán bộ làm công tác thực tiễn và một số cử tri.
Nội dung và hình thức lấy ý kiến rất phong phú và đa dạng, có thể tham gia ý kiến về toàn bộ Dự thảo hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình. Việc lấy ý kiến được thực hiện theo nhiều hình thức như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tổ chức các cuộc họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh…
Về tiến độ thực hiện lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được ấn định đối với cấp xã trước ngày 5/2/2013 gửi báo cáo tổng hợp của thường trực hội đồng nhân dân cấp xã về thường trực hội đồng nhân dân cấp huyện để tổng hợp; trước ngày 20/2/2013, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và báo cáo tổng hợp của thường trực hội đồng nhân dân cấp huyện gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và báo cáo tổng hợp của Sở Tư pháp gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước ngày 5/3/2013. Đối với hội nghị của tỉnh và các cuộc họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 2 và đầu tháng 3/2013.
Việc tổng hợp và xây dựng dự thảo báo cáo giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh được giao cho tổ giúp việc giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân, thành phần gồm Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, trong đó Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối.
- Xin ông cho biết thêm, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có những điểm mới gì so với Hiến pháp hiện hành?
Ông Trần Quang Vinh: Dự thảo có rất nhiều quy định mới so với Hiến pháp hiện hành, mới cả về kỹ thuật hiến định, cả về các thiết chế hiến định. Tôi xin đề cập một số các thiết chế hiến định mới cơ bản nhất.
Thứ nhất, về chế độ kinh tế, Dự thảo đã bỏ quy định “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Theo một số chuyên gia đánh giá, những năm qua, kinh tế Nhà nước dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đã và đang phát triển mạnh đóng góp lớn cho nền kinh tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Vì vậy, việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo những chuyển biến tốt hơn cho đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Do đó, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21, 25 của Hiến pháp năm 1992 thành Điều 54 với quy định là: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Thứ hai, về quyền con người, tại Chương II, Dự thảo đã bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người và các quyền này trước đây quy định rải rác trong các chương, nay đưa về một chương, điều đó cho thấy tính chất quyền lực Nhà nước tối cao thuộc về nhân dân. Đặc biệt, có một số điều có nội dung mới bổ sung như: Điều 22 bổ sung về quyền hiến các bộ phận cơ thể cho y học; Điều 23 bổ sung về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình… mà Hiến pháp 1992 không có các quy định này.
Vấn đề thứ ba đó là việc bảo vệ Hiến pháp, Dự thảo lần này đã quy định tại Chương X về Hội đồng Hiến pháp. Đây là quy định hết sức mới so với Hiến pháp hiện hành. Trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 cho thấy, việc bảo vệ Hiến pháp được giao phân tán cho nhiều cơ quan, do đó chức năng “bảo hiến” hay còn gọi là chức năng bảo vệ Hiến pháp không cụ thể, rõ ràng.
Do đó, Dự thảo đã bổ sung mới trong việc giao chức năng này cho Hội đồng Hiến pháp. Hội đồng này có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
Đây là vấn đề rất mới đối với Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bởi trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, các hành vi vi hiến đều có thể xảy ra.
- Xin cảm ơn ông!
Q.N (Thực hiện)
Các tin khác
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 17/2, cũng là chương trình đầu tiên sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra một ví dụ cụ thể cho thấy vai trò quan trọng của công tác ngoại giao.
Đón chào Xuân mới Quý Tỵ - 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên mọi miền của Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn thư chúc Tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
YBĐT - Một mùa xuân mới đang về, sức xuân phơi phới trên chồi non lộc biếc, trong lộng lẫy sắc thắm hoa đào, sắc vàng của hoa mai, trong niềm vui tràn ngập đất trời và trong lòng mỗi chúng ta.
YBĐT - Nhân dịp đón xuân Quý Tỵ 2013, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái gửi thư chúc mừng năm mới tới toàn thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. YBĐT xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.