Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:

Một số ý kiến của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/3/2013 | 9:19:01 AM

YBĐT - Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã triển khai việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới toàn thể cán bộ, công chức, kiểm sát viên các đơn vị trong ngành. YBĐT xin giới thiệu một số ý kiến góp ý cho Dự thảo của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái.

Nhiều ý kiến đóng góp sâu vào những vấn đề quan trọng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân cũng như những vấn đề mới đang được nhân dân và các ngành, các cấp quan tâm.

Chu Thị Minh Châu - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh:

Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, có 3 điều đều là điều mới. Điều 120 Dự thảo:

1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên.

2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định”.

Đây là một quy định hoàn toàn đúng đắn bởi trên thực tế, hệ thống pháp luật nước ta còn bộc lộ một số bất cập, chồng chéo nhất định, trong khi đó chức năng của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa được xác định một cách rạch ròi, đúng bản chất.

Thực tế, Hiến pháp năm 1992 hiện hành cũng chưa có quy định chung về giám sát Hiến pháp nhưng lại có khá nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền đảm bảo thi hành Hiến pháp, kiểm tra giám sát, xử lý pháp luật trái Hiến pháp, trong đó quyền giám sát tối cao là Quốc hội. Thực tế cho thấy, cơ chế này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều thiết chế quan trọng trong việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp hầu như không được áp dụng trong xã hội; việc vận dụng pháp luật có lúc, có nơi còn tùy tiện, chủ quan, chưa đồng bộ và thống nhất tuyệt đối.

Tôi thống nhất với tên gọi Hội đồng Hiến pháp với vai trò cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng đề nghị cần xác định rõ, đây là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, không chỉ có quyền “kiến nghị, đề nghị, yêu cầu” mà còn cần phải có quyền quyết định, hủy bỏ văn bản vi hiến.

Ông Hà Quốc Đoàn - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Yên:

 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung về chế định Viện Kiểm sát đã được rút ngắn từ 4 điều Hiến pháp năm 1992 còn 3 điều như Dự thảo cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, ngoài những nội dung chính mang tính chất quy định chung về tổ chức bộ máy, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân thì Dự thảo còn bỏ ngỏ một vấn đề mà thiết nghĩ cũng cần phải được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất nhiên, từ đạo luật này sẽ có các văn bản luật, dưới luật thể chế các quy định của Hiến pháp nhưng cần phải được quy định trong đạo luật gốc thì mới có thể thể chế hóa thành luật.

Tại Điều 2 Dự thảo quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Viện Kiểm sát nhân dân với tư cách là một cơ quan Nhà nước nằm trong tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nói, Viện Kiểm sát là cơ quan tư pháp nhưng chưa có một văn bản pháp luật nào, kể cả Hiến pháp khẳng định điều này.

Do vậy, việc xác định rõ vị trí Viện Kiểm sát trong cơ cấu quyền lực Nhà nước thuộc nhánh quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp cần phải được quy định trong Hiến pháp - đạo luật quy định về tổ chức, nguyên tắc hoạt động của bộ máy Nhà nước. Xác định vị trí của Viện Kiểm sát trong bộ máy Nhà nước là vấn đề có ý nghĩa quan trọng bởi việc xác định chính xác thiết chế này đặt ở đâu trong cơ cấu quyền lực Nhà nước sẽ tạo cho thiết chế này có những chế độ pháp lý, nguyên tắc hoạt động phù hợp để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao…

Từ chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của Viện Kiểm sát hiện nay là cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật, kiểm sát viên là người trực tiếp thực thi bảo vệ pháp luật. Viện Kiểm sát và kiểm sát viên có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong hoạt động tố tụng tư pháp vốn là những hoạt động gắn liền với hoạt động tố tụng của Tòa án. Do vậy, Hiến pháp cần quy định Viện Kiểm sát nhân dân “thực hiện quyền tư pháp” cùng một nhánh quyền lực với cơ quan Tòa án.

Ông Trần Ngọc Quang - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Văn Chấn:

Điều 111, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Đề nghị thêm từ “và” nhưng bỏ cụm từ: “cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan” phía trước cụm từ: “phải nghiêm chỉnh chấp hành” để tránh lặp lại cụm từ, sửa thành: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Đề nghị bổ sung cụm từ “và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính” vào phần cuối của khoản 1 Điều 112. Bởi hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế - hành chính… là hoạt động có khả năng phát hiện vi phạm, tội phạm rất lớn; có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe tội phạm rất cao nên có tác động trực tiếp đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm.

Kết quả hoạt động kiểm sát là kênh thông tin quan trọng cho Viện Kiểm sát quyết định khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự của những người phạm tội, ngăn chặn hậu quả của tội phạm một cách kịp thời, tránh hành chính hóa hình sự.

Cần bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 112 như sau: “Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập Viện Kiểm sát đặc biệt” để thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử tại Tòa án đặc biệt.

Q.N (thực hiện

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Công Bình phát biểu kết luận buổi làm việc.

YBĐT - Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái do đồng chí Nguyễn Công Bình - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn tiếp tục chương trình giám sát thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chiều 12.3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có phiên họp thẩm tra nội dung chỉnh lý của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 7, chiều 12/3.

Chiều 12/3, tại Thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 7 (CLV 7).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev.

Phát biểu tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Việt Nam luôn làm hết sức mình để giữ gìn và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục