Thể chế hóa việc nhân dân giám sát chính quyền để phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí
- Cập nhật: Thứ ba, 19/3/2013 | 8:49:24 AM
YBĐT - Trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo, quản lý đất nước bởi công cụ chủ yếu là chính quyền thì càng cần thể chế hóa quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Có như thế mới hạn chế, khắc phục được những yếu kém.
|
Nghiên cứu bản Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) vừa được Quốc hội công bố, tôi thấy mấy điểm đáng chú ý thể hiện quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, yếu kém để luôn xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân của Đảng và Nhà nước ta. Tại mục 2, Điều 4 ghi: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng bàn luận nhiều về việc có người nói nên bỏ Điều 4 trong Hiến pháp thì đây không phải là chuyện mới mà từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân ta bằng chiêu bài dân chủ, đa nguyên, đa đảng hòng giành lấy chính quyền từ nghị trường - cái mà chúng đã không thể giành được trên chiến trường.
Vì vậy, luận điệu cho rằng “Bỏ Điều 4 trong Hiến pháp để xóa bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh sẽ chống được quan liêu, tham nhũng” chỉ là lừa bịp vì thực tế, ngay ở các nước mà các đảng tư sản cầm quyền cũng vẫn thường xuyên xảy ra tham nhũng, thậm chí còn trầm trọng hơn ở các nước đảng cầm quyền là Đảng cộng sản. Thực ra, câu chuyện tham nhũng không phải là mới và không phải không khắc phục được trong điều kiện Đảng độc quyền lãnh đạo. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, chúng ta đã phát hiện việc tham nhũng.
Biết được căn bệnh tham nhũng luôn gắn với chức quyền và là một nguy cơ của đảng cầm quyền, Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng thông qua các cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhờ đó mà tuyệt đại đa số đảng viên vẫn gương mẫu, hy sinh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin theo. Bởi vậy, Đảng ta mới lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công và tiến hành công cuộc đổi mới, giành thắng lợi to lớn trong những năm qua.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, không ai có thể thay thế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tính chất giai cấp là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 9, trang 579).
Nước ta là nước dân chủ, gốc rễ của dân chủ, thực chất của dân chủ là quyền lực của nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực. Để giữ vững quyền thiêng liêng ấy, nhân dân ta đã tốn biết bao xương máu mới giành được thì việc giữ nguyên Điều 4 như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều không cần tranh cãi.
Tuy nhiên, để thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta cần thường xuyên đấu tranh tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, khắc phục yếu kém mới đủ khả năng lãnh đạo chính quyền và đất nước. Trong tác phẩm “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào Cộng sản” xuất bản năm 1920, Lê-nin đã viết: “Hầu hết mọi người đều thấy rằng, những người Bôn-sê-vích sẽ không giữ được chính quyền, tôi không nói tới hai năm rưỡi mà ngay cả hai tháng rưỡi cũng không được nữa nếu Đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thật sự, không được sự ủng hộ đầy đủ nhất và hết lòng của quảng đại quần chúng nhân dân…” (Lê-nin toàn tập, NXB HCQG, H.2006, t41, tr6).
Như vậy, việc Đảng luôn tự chỉnh đốn để giữ vững bản chất cách mạng là một qui luật tất yếu và là yêu cầu bắt buộc để giữ vững quyền lãnh đạo đối với đất nước, giữ vững thành quả cách mạng của nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo, quản lý đất nước bởi công cụ chủ yếu là chính quyền thì càng cần thể chế hóa quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Có như thế mới hạn chế, khắc phục được những yếu kém như: tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Không ít quyết định của chính quyền mang tính chủ quan, tùy tiện, áp đặt.
Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc nặng về hình thức; cơ chế tiếp thu, sửa chữa, trách nhiệm pháp lý của cơ quan, cán bộ nhận những ý kiến phản biện chưa rõ ràng. Nay Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Điều 9 bổ sung cho Mặt trận Tổ quốc quyền “giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”.
Tuy nhiên, muốn cho nhân dân và Mặt trận giám sát, phản biện được thì mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước và công chức, viên chức phải công khai, minh bạch. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “Để dân biết phải thật sự công khai hóa mọi vấn đề cần thiết. Để dân tích cực bàn phải dân chủ lắng nghe tiếng nói của họ và tiếp thu những ý kiến đúng. Để dân tự giác làm, tạo thành phong trào cách mạng thật sự phải tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của dân.
Để nhân dân hăng hái kiểm tra thì những phát hiện của dân phải được xử lý kịp thời, thưởng phạt nghiêm minh, chống trù dập dân dưới mọi hình thức” (Đảng Cộng sản Việt Nam 80 năm xây dựng và trưởng thành, NXB CTQG, H.2010, tr 396). Bởi vậy, để nhân dân và Mặt trận Tổ quốc có thể giám sát và phản biện, tôi đề nghị Điều 8 về Nhà nước trong Hiến pháp cần thêm một ý sau: “Ngoại trừ những việc phải giữ bí mật vì lợi ích quốc gia, dân tộc, mọi hoạt động của chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, doanh nghiệp có vốn Nhà nước… phải công khai, minh bạch; công chức, viên chức, lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn Nhà nước công khai hoạt động, thu nhập và tài sản”.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có qui định: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo qui định của Đảng và Nhà nước. Kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và cư trú” (Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, NXB CTQG, tr31).
Đó là một chủ trương đúng đắn để phòng chống tham nhũng nhưng tại Điều 23, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…”; “Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Qui định như vậy là quá tốt để bảo vệ quyền công dân nhưng liệu việc yêu cầu kê khai tài sản của công chức, viên chức có trái với Hiến pháp không? Bởi vậy nên chăng cũng cần có điều gợi mở cho phù hợp để việc kê khai tài sản theo Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện lâu dài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nguyện vọng của nhân dân.
Ông Lê Văn Đàm, 78 tuổi, cán bộ hưu trí thôn Ninh Thuận, xã Nga Quán (Trấn Yên):
Điều 13, khoản 3, Chương I Dự thảo nêu: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”. Trên thực tế, do bài hát “Tiến quân ca” có hai lời và quốc ca chỉ sử dụng lời một nên Hiến pháp cần ghi rõ là: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời một của bài “Tiến quân ca”.
Khoản 3, Điều 4 Chương I nêu: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đề nghị bỏ cụm từ “trong khuôn khổ” thay bằng cụm từ “tuân thủ”, hoàn chỉnh là: “Trong hoạt động, các tổ chức của Đảng và đảng viên phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Ngọc Tú (thực hiện) |
Nguyễn Thanh Vân (Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
"Cơ quan soạn thảo tính giảm thuế 1% thì giảm thu 6.000 tỷ đồng nhưng chưa tính có thêm bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn được sẽ đóng thuế thêm. Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ giảm thuế xuống 20%”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói về thuế thu nhập doanh nghiệp.
YBĐT - Dù những kết quả đạt được mới là bước đầu nhưng Nghị quyết Trung ương 4 đã tạo luồng sinh khí mới để Đảng bộ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng địa phương nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo.
YBĐT - Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái làm việc với xã Tuy Lộc về việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2012; Nhật Bản chính thức tham gia đàm phán TPP; gỡ vướng mắc cho xe không chính chủ... là những thông tin đáng chú ý diễn ra những ngày qua.