Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011: Thu tăng, bội chi giảm
- Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2013 | 2:23:07 PM
Tại phiên làm việc sáng ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011.
Quản lý tốt thu chi nên ngân sách Nhà nước năm 2011 đạt kết quả tốt.
|
Năm 2011 là năm thay đổi công tác điều hành, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành và triển khai quyết liệt Nghị quyết 11 nên kết quả thu ngân sách năm 2011 vượt kế hoạch 21,3%. Trong đó, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh vượt trên 30%.
“Đây là kết quả của nỗ lực rất lớn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Với những diễn biến thăng trầm kinh tế trong năm 2011, Việt Nam còn phải chịu khủng hoảng tài chính thế giới, trong điều kiện khó khăn đó với tinh thần chủ động thích ứng với tình hình, Chính phủ đã có nhiều cố gắng áp dụng nhiều biện pháp quản lý, nuôi dưỡng nguồn thu và xử lý các vi phạm nên công tác thu chi ngân sách trong thế chủ động”.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, năm 2011, tổng thu NSNN đạt 962.982 tỷ đồng, bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2010, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%) so với chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Trong đó, cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng so với dự toán được giao. Thu từ dầu thô tăng 40.905 tỷ đồng, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 35.812 tỷ đồng, thu cân đối từ xuất nhập khẩu tăng 17.065 tỷ đồng, thu về nhà đất tăng 25.918 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu từ yếu tố khách quan, nhất là do giá cả tăng (chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 18,13% so với năm 2010, giá dầu thô tăng 28 USD/thùng so với giá dự toán, tỷ giá tính thuế thực tế cao hơn tỷ giá khi xây dựng dự toán).
Bên cạnh đó, tăng thu còn nhờ việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và tăng thu các khoản về nhà đất. Thu từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu. Điều này phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực kinh tế và chưa thực sự vững chắc.
Về chi, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số chi 1.034.244 tỷ đồng. Còn theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, chi NSNN năm 2011 đã bảo đảm theo dự toán, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Công tác quản lý chi đã có tiến bộ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện khá tích cực. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, việc chi cho một số lĩnh vực quan trọng giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế... không đạt dự toán.
Chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 90,2% dự toán; chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 89,1% dự toán; chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 89,5% dự toán; chi sự nghiệp kinh tế đạt 91,5% dự toán
Bà Trương Thị Mai cho rằng đây là vấn đề về tiếp cận các chính sách, tiền đã bố trí đủ nhưng giải ngân không hết. Vì vậy, theo bà Mai, nếu cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh cần phải hoàn thiện để tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng thụ chương trình được tiếp cận sớm.
Về bội chi và quản lý nợ công, nhờ tăng thu NSNN nên đã giảm bội chi từ 5,3% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội xuống còn 4,4%, được các đại biểu đánh giá là một động thái tích cực.
Tuy nhiên, mặc dù giảm bội chi song các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng, thiếu hụt nguồn hoàn thuế đã làm cho kết quả giảm bội chi không có nhiều ý nghĩa về tài khoá.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào quyết toán năm 2011 với tổng số thu NSNN 962.982 tỷ đồng, tổng số chi NSNN 1.034.244 tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 112.034 tỷ đồng bằng 4,4% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Sáng 10/4, Báo Lào Cai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra số đầu tiên (10/4/1963- 10/4/2013).
YBĐT - Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến việc phải làm thế nào để kiểm soát được quyền lực Nhà nước. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, khắc phục sự tha hóa, đưa quyền lực Nhà nước về với đúng nghĩa của nó là quyền lực của nhân dân.
Việt Nam quan ngại sâu sắc về căng thẳng liên Triều, đề nghị Hàn Quốc cũng như Triều Tiên bảo đảm an toàn tính mạng cho công dân Việt Nam đang ở hai nước này.