Sống mãi thời hoa lửa
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 10:49:53 AM
YBĐT - Đọc những dòng chữ viết vội trong cuốn nhật ký hành quân của nhà văn Hà Lâm Kỳ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, từng là lính của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B - 1972, tôi hiểu thêm phần nào về sự khốc liệt của chiến tranh; càng thêm tự hào về một thời hoa lửa hào hùng, lãng mạn nhưng đầy gian khổ, hy sinh của lớp cha anh đi trước.
Những người lính thuộc tiểu đoàn 4 trong ngày hội ngộ.
|
Nhật ký có đoạn viết: “… Ngày 20/2/1973, 5h sáng có lệnh hành quân. Chặng đường đi Trạm 33 khá xa. Suốt từ Trạm 32 trở đi, cây cối xác xơ, chết vì chất độc hóa học của Mỹ. Đây rồi! Đường 9 - Nam Lào lịch sử, nơi diễn ra trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa quân ta và địch mùa khô năm 1971. Những thân cây chết đứng, xơ xác… Chao ôi, chiến tranh. Phải tiêu diệt chiến tranh…”.
Gần 40 năm chiến tranh đi qua, chứng kiến cuộc hội ngộ của những người lính thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B và nhập ngũ năm 1972, tôi không khỏi xúc động. Đồng đội gặp nhau mái đầu đã bạc. Có người đôi chân thịt da thay bằng chiếc nạng gỗ; những cánh tay còn – mất, vết thương in hằn trên thịt da… nhưng lửa nhiệt thành cách mạng vẫn ngời lên trong ánh mắt, lấp lánh Huy hiệu Bác Hồ trên ngực áo.
Quen nhau vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc và vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, trong bom rơi đạn nổ, trong gian nan thử thách khắc nghiệt của chiến trường mà kết nên tình đồng đội, nghĩa anh em, duyên tri kỷ bạc đầu. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Hà Lâm Kỳ - Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B - 1972 hào hứng kể: “Khi ấy tôi đang là sinh viên Đại học Sư phạm miền Bắc.
Lệnh Tổng động viên năm 1972 và lời kêu gọi của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, trong số những chiến sỹ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn ngày ấy có anh đang là giáo viên đứng trên bục giảng; cũng có không ít người là thanh niên nông thôn tay cuốc tay cày hoặc là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Gác lại những ước mơ, chúng tôi hăm hở đi B, chỉ với một quyết tâm là được xông pha ra tuyến lửa, thề quyết tử cho Tổ quốc, với sức trẻ phơi phới của tuổi 20 và niềm tin kiêu hãnh vào chiến thắng chính nghĩa của dân tộc”.
Cũng như bao chàng lính trẻ, ông Đỗ Hải Nam, thương binh 3/4 ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cũng mang trong mình khí phách của người trai thời đất nước loạn lạc chiến tranh. Ông bảo: “Mỗi người một quê nhưng anh em chúng tôi ra trận khí thế, quyết tâm lắm, không ai có tư tưởng không hoàn thành nhiệm vụ, trốn lính hay đảo ngũ. Tất cả tình nguyện, vô tư đi không cần biết mình sống hay sẽ chết mà chỉ nghĩ là đi có lâu không? Chiến tranh có dài không? Những đêm luyện tập trên đồi sim, một, hai giờ sáng, nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời đầy sao, nhớ nhà vô cùng. Chuẩn bị đi chiến trường đến nơi rồi. Nghĩ nhà giờ này có còn ai thức? Nhìn lên ngôi sao sáng nhất để được gặp nhau trên đó…”.
Với ông và nhiều đồng đội thì cuộc đời lính chiến ngắn ngủi ấy thực sự là quãng thời gian ý nghĩa nhất, bởi trên tất cả là Tổ quốc thiêng liêng, chẳng có ai sống riêng cho mình mà tất thảy hy sinh, tất thảy cống hiến máu xương mình cho dân tộc, vì dân tộc. Chiến tranh là đổ máu, là hy sinh. Với thương binh 1/4 Nguyễn Văn Soạn thì đó còn là môi trường khắc nghiệt để thử thách lòng quả cảm, kiên trung cũng như tình đồng chí đồng đội sắt son của những người lính.
Ông kể: “Tôi nhớ năm 1974 chiến sự rất ác liệt. Có những thời gian, cả một tháng trời chúng tôi chỉ ăn độc có măng le và rau tàu bay, gạo rất thiếu vì hậu cầm của quân ta không thể chuyển được lương thực vào trận địa được. Khi ấy chỉ biết cầm cự chiến đấu một mất một còn… Tôi bị thương nằm tại chỗ, đến đêm thứ 2 đồng đội mới tìm thấy. Mọi người không nghĩ tôi còn có thể sống. Tôi được anh Đỗ Bá Tỵ, giờ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cõng ra ngoài, rồi được anh em cáng lên phẫu tiểu đoàn…”.
Ông Hà Lâm Kỳ, tâm sự: “Chúng tôi luôn cảm thấy mình may mắn bởi lớp lính trẻ của tiểu đoàn ra đi ngày ấy còn rất nhiều đồng đội quả cảm đã anh dũng hy sinh nằm lại nơi chiến trường mà người thân hôm nay vẫn khắc khoải kiếm tìm. Gần 40 năm chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã tìm gặp lại nhau không chỉ là để gắn kết tình đồng chí đồng đội giữa những người đang sống mà Ban liên lạc và nhiều anh em đang nỗ lực tìm kiếm đồng đội đã hy sinh trong chiến trường với tất cả tình cảm, trách nhiệm của người lính mong trả ơn cho những người đã khất”.
Trong số 600 người ra đi chỉ còn hơn 100 chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B - 1972 trở về. Gần 40 năm chiến tranh đã đi qua, mái đầu xanh của những chiến sỹ Tiểu đoàn 4 năm xưa giờ đã nhuốm màu sương khói. Quán nước trà xanh của thương binh 1/4 Nguyễn Văn Soạn ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình vẫn giúp ông tìm được niềm vui sống để nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành.
Xưởng sửa chữa ô tô của thương binh hạng 3/4 Đỗ Hải Nam vẫn đang đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, tạo được việc làm ổn định cho 2 – 3 lao động, đóng góp chút công sức nhỏ bé cho ngân sách địa phương. Hay trở về với nghề dạy học và là một trong những nhà giáo thành đạt trên cương vị quản lý như nhà văn Hà Lâm Kỳ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái…
Tất cả họ, những người lính ấy vẫn đã và đang là những người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, lao động sản xuất của địa phương, bởi họ đã nguyện một lòng sống cho sao xứng đáng với những đồng đội đã khuất, xứng đáng với một thời không thể nào quên.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Lấy kinh nghiệm từ công tác triển khai nhiệm vụ hàng tuần, hàng tháng của Công an huyện, UBND huyện Lục Yên (Yên Bái) đã áp dụng hình thức triển khai nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn bằng phiếu giao việc
YBĐT - Từ tháng 2/1968 đến tháng 6/1968, tỉnh liên tiếp thành lập các tiểu đoàn Yên Ninh II, III, IV để kịp thời chi viện cho chiến trường tại Long An, Thừa Thiên - Huế và miền Đông.
Vàng trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng, xăng tăng nhanh giảm chậm, hàng chục nghìn tỷ đồng bơm cho bất động sản... là những mối lo cử tri TP HCM chia sẻ với Chủ tịch Trương Tấn Sang chiều 25/4.
Chiều 25/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei.