Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân
- Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 4:47:25 PM
YBĐT - Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Tiếp công dân/Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Tiếp công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân sáng 29/5 tại Quốc hội.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
|
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ Huynh Phong Tranh trình bày nêu rõ: Xác định tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều nơi đã thành lập trụ sở, ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nêu trên thì hiện nay, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị: Cần nghiên cứu, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, ban, ngành, trong việc tiếp công dân. Hiện nay, trách nhiệm hay thẩm quyền tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đang được quy định phân tán trong nhiều văn bản khác nhau. Các quy định này chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm tiếp công dân và chưa phân định cụ thể đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hay của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đó. Do vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể những ai có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, phân biệt rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân ngay trong Dự thảo Luật này.
Đóng góp vào Dự án Luật Tiếp công dân, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tiếp công dân. Các đơn vị, phòng, ban cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức này cũng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân theo phân công, điều hành của người đứng đầu. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ai tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân như thế nào.
Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn băn khoăn về việc quy định cứng về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Điều 10 của Dự thảo Luật.
Mặc dù Dự thảo Luật lần này đã chia ra nhiều mức quy định về thời gian định kỳ trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, song quy định này chưa xác định rõ mục đích tiếp công dân của người đứng đầu để trực tiếp giải quyết hay chỉ để nắm tình hình thực tế hoặc chỉ đơn thuần tiếp nhận, giải tỏa bức xúc của công dân như các hoạt động tiếp công dân thường xuyên.
Dự kiến, Luật Tiếp công dân sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 31/5, thảo luận tại Hội trường sáng 11/6. Sau đó, Dự thảo sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau.
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật giáo dục quốc phòng - an ninh và thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, sửa bổ một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 29/5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn I Dự án 600 Phó chủ tịch xã của Chính phủ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
YBĐT – Ngày 28/5, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga - thành viên Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Yên Bái và thành phố Yên Bái.
YBĐT - Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy...
Trong ngày làm việc thứ 8 kỳ họp thứ 5 (ngày 28/5), Quốc hội thảo luận 4 dự án luật, gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy, dự án Luật sửa đổi bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; nghe kết quả thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT.