Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Mọi thành phần kinh tế bình đẳng
- Cập nhật: Thứ ba, 4/6/2013 | 3:31:22 PM
YBĐT - Ngày 4/6, theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành thời gian tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
|
Trong phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội tiếp tục khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi trong Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp với thực tế lịch sử, khách quan, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân nên cần được bảo vệ. Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận đó là: vai trò của các thành phần kinh tế và đề nghị giữ nguyên Điều 10 trong Hiến pháp là một điều tất yếu, khách quan và phát huy tính chất của Hiến pháp.
Cho ý kiến Khoản 1 Điều 54 hiến định về các thành phần kinh tế. Dự thảo đưa ra 3 phương án, các đại biểu cho rằng: nếu chọn 1 và 2 thì lấy kinh tế Nhà nước là chủ đạo, hoặc ưu tiên khuyến khích một thành phần kinh tế nào đó trong Hiến pháp là điều không phù hợp. Đa số các đại biểu nhất trí với phương án 3, Điều 54 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, qui định như vậy là đã đầy đủ, đảm bảo bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng: không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, như thế có thể là thiếu hoặc thừa. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng, đề cập nội dung như vậy là đủ, vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Không quy định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế Nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường… Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước không thể là bất biến. Từng thời kỳ, các chính sách sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển. Vì thế việc ưu tiên khuyến khích hay hạn chế chỉ nên luật định mà không nên hiến định.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo. Có đại biểu lại cho rằng: cần khẳng định tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước để thể hiện được rõ hơn bản chất kinh tế thị trường định hướng XHCN của nền kinh tế.
Về Điều 10, một số ý kiến cho rằng: Bản dự kiến tiếp thu, chính lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bỏ Điều 10 nói về công đoàn của Hiến pháp 1992 có phần hạ thấp vai trò của Công đoàn Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh và lãnh đạo hơn 80 năm qua. Do vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải giữ lại điều 10 của Hiến pháp năm 1992.
Nhiều đại biểu tán thành: “Việc khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp là một điều tất yếu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động vừa thể hiện tinh thần tiếp thu Hiến pháp 1992 mà không trái quy định của pháp luật. Công đoàn là tổ chức công hội đầu tiên, là nòng cốt hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẳng định điều 10 trong Hiến pháp là cần thiết, khách quan, phát huy tính chất của Hiến pháp. Đặc biệt đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ và đồng tình về việc hiến định vai trò của công đoàn và cho rằng thực tiễn đã chứng minh công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị xã hội khác. Vì vậy việc giữ lại Điều 10 quy định công đoàn Việt Nam như dự thảo đã công bố là để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tổ chức công đoàn là hoàn toàn đúng đắn.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã tham gia thảo luận, góp ý về nội dung trong Điều 57, 58 về công tác quản lý, thu hồi đất đai. Khoản 4, Điều 75, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, về Quốc hội quyết định ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, chính quyền địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Hội đồng Hiến pháp… Thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về các Điều, khoản ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sau kỳ họp này, Ủy ban Sửa đổi sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục tập hợp ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Mục tiêu là có một bản hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của nhân dân.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Trong thời gian qua, việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đạt chất lượng. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trên toàn tỉnh.
YBĐT - Thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND, ngày 4/6, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức họp với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm thống nhất dự kiến thời gian, nội dung, chương trình và các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVII.
Thảo luận toàn thể tại Hội trường, chiều 3/6, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc quy định mô hình chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sao cho đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
YBĐT - Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 3/6, dưới sự điều khiển phiên họp của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.