Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất cần đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân
- Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2013 | 4:48:06 PM
YBĐT - Ngày 17/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dành trọn một ngày thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm, góp ý của đông đảo đại biểu Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) tham gia thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường.
|
Các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung những quy định nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong Luật Đất đai hiện hành về các vấn đề quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư… Dự thảo luật sửa đổi theo hướng lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo tương xứng, nguồn lực về đất đai được phát huy để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến muốn giữ nguyên 4 cấp lập quy hoạch sử dụng đất là cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã như trong luật hiện hành.
Vấn đề định giá đất, nhiều đại biểu cho rằng: cần phải tính toán lại để đảm bảo đời sống cho người dân. Đặc biệt với đất nông nghiệp, vì khi thu hồi quyền sử dụng đất thì người dân không còn đất sản xuất, trong khi đất đai là tư liệu sản xuất chính với người nông dân. Hiện nay, do không còn quỹ đất nên việc thu hồi chỉ được trả bằng tiền, do vậy Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải quy định việc định giá đất rõ ràng, để có bồi thường thỏa đáng cho nông dân, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Giá đất hiện nay nhiều bất hợp lý. Thực tế, đa số vụ khiếu kiện về đất đai cũng chỉ vì giá. Do vậy, nên hướng tới thu đất nông nghiệp giá phải tương đối sát giá thị trường, gần với giá của trồng cây lâu năm. Giá cả thu hồi đất hiện nay nhiều vấn đề phải tính, Vì nếu không tính được, không nghĩ được thì đời sống của dân sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế hiện nay đang diễn ra một nghịch lý là trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất thì nhiều dự án thu hồi đất lại bỏ hoang hoặc chậm triển khai, gây bức xúc trong nhân dân. Việc chậm đưa vào sử dụng diện tích đất đã thu hồi gây ra tình trạng lãng phí. Nhiều đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định cả việc thu hồi đất với những dự án chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất. Luật Đất đai lần này phải quy định rõ khi thu hồi quyền sử dụng đất của người dân giao cho các doanh nghiệp thì phải có thời điểm rõ ràng.
Đất đai là sở hữu toàn dân, điều này đã được khẳng định trong Luật Đất đai sửa đổi và Hiến pháp. Băn khoăn của các đại biểu và cử tri là quản lý đất đai như thế nào để tránh rơi vào tình trạng lợi ích của một nhóm người nào đó. Việc thu hồi đất, đa số cử tri mong muốn Quốc hội chỉ nên thông qua các dự án theo hướng chỉ những dự án mang tính quốc gia, quốc phòng, an ninh và thực sự phục vụ kinh tế xã hội ở cấp quốc gia thì Quốc hội mới thu hồi, còn lại nên có sự thỏa thuận với dân.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi và thu hút sự quan tâm của dư luận là việc đền bù, bồi thường, giá cả đền bù... cho người có đất bị thu hồi. Có ý kiến đề nghị đưa vào dự thảo luật các quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Có ý kiến đề nghị tách bạch quy định về bồi thường và quy định về hỗ trợ. Có ý kiến đề nghị việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, kịp thời và đúng pháp luật, người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi Nhà nước thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để khắc phục bất cập trong việc chậm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đồng thời với quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về thời hạn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; xử lý đối với trường hợp bồi thường chậm do lỗi của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra như đã nêu ở trên nhằm bảo đảm quyền lợi của người có đất khi Nhà nước thu hồi.
Một nội dung nữa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa vào dự thảo luật đó là trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất đã thu hồi thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất; trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở. Quy định nêu trên nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc thực hiện các hình thức bồi thường, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người có đất ở khi Nhà nước thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở, đồng thời tạo sự chủ động cho địa phương trong triển khai thực hiện và tạo sự chủ động cho người sử dụng đất ở khi Nhà nước thu hồi trong việc tự lo chỗ ở cho phù hợp.
Sau phiên thảo luận này, dự kiến trình Quốc hội biểu quyết, thông qua vào ngày 21/6. Các đại biểu đề nghị Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2013, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý sử dụng đất hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Trong phiên thảo luận đại biểu tham gia ý kiến thảo luận về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại Hội trường ngày 17/6, đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã cho ý kiến liên quan đến một số vấn đề như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn gặp khó khăn bất cập, chưa bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng phục vụ chung cho hoạt động tại cộng đồng dân cư như: nhà văn hóa ở các thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, sân chơi thể thao, giả trí cho trẻ em còn nhiều khó khăn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Công Bình đề nghị: bổ sung vào Khoản 7, điều 35 về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần ghi rõ: Ngoài việc ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, thì khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải ưu tiên, bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ chung cho hoạt động của cộng đồng dân cư. Liên quan đến việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Công Bình cho rằng: Thu hồi đất là vấn đề lớn, vì có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sử dụng đất, do đó việc thu hồi đất phải được quy hoạch cụ thể và được quy định trong Luật. Cụ thể tại khoản 4 điều 61, về các trường hợp thu hồi đất. Khi thu hồi đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi… thì thực tế để xảy ra, là có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, ngoài diện tích đất thu hồi. Đơn cử như xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai ở nhiều hộ gia đình, khi thu hồi đất đã bị ảnh hưởng kết cấu nhà hoặc bị lấp sâu hơn so với nền đường. Nhiều diện tích lúa bị nhập úng không thể gieo cấy gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thì phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình bị ảnh hưởng để hỗ trợ cho người dân. Cũng trong khoản này, còn một trường hợp chưa rõ ràng là: thu hồi đất để xây dựng các công trình khác theo quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Công Bình đề nghị: không đưa nội dung này vào khoản 4, ddiều 61, vì các dự án đầu tư, xây dựng theo pháp luật là rất rộng, nếu đưa vào nội dung Luật cần ghi rõ: Các công trình khác là những công trình nào? Và theo văn bản nào? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét và xử lý. Bên cạnh đó, những ý kiến liên quan đến công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở được quy định tại điều 78, đại biểu Nguyễn Công Bình cũng đề nghị bổ sung thêm vào khoản 1, điều này là trường hợp bồi thường, khi giá đất quá thấp mà chi phí đầu tư trên đất quá cao, như đối với các địa phương vùng cao, giá đất ở đây thấp trong khi đó chi phí cho san tạo mặt bằng lại rất cao… Vì vậy trong Luật nên quy định phân cấp cho UBND tỉnh xem xét những trường hợp có chi phí cao để bồi thường, hỗ trợ, giảm bớt thiệt thòi cho người dân.
Đức Toàn
Các tin khác
Những thông tin về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII; Hội nghị lần thứ 23 các nước thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển được tổ chức tại Mỹ; Chính phủ Mỹ tuyên bố quân đội của Tổng thống Syria sử dụng vũ khí hoá học chống lại lực lượng đối lập, Cử tri nước Cộng hoà Hồi giáo Iran đi bỏ phiếu bầu Tổng thống thứ 7... sẽ là những thông tin chúng tôi gửi tới quý vị và các bạn.
Ngày 15-6, Bộ Y tế tổ chức hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo sửa đổi Luật Dược) và xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dược.
YBĐT - Sau hơn hai ngày thực hiện các nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ bao gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ - TB &XH), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và một số bộ, ngành liên quan đã trả lời chất vấn và giải trình các nội dung mà đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn.
YBĐT - Đảng bộ phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ) có 260 đảng viên, sinh hoạt tại 26 chi bộ. Những năm qua, nền kinh tế của phường liên tục giữ mức tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được tăng cường.