Đẩy mạnh tuyên truyền làm rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 9:32:38 AM
YBĐT - Cần làm rõ “vai trò chủ thể của người dân” vì có làm rõ mệnh đề này, các cơ quan báo chí mới tuyên truyền “đúng” và “trúng”.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về công tác tuyên truyền với các nhà báo trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ thi công Nhà máy Giấy Yên Bái tại xã Minh Quân (Trấn Yên). (Ảnh: Hà Linh)
|
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông thôn và nông dân. Cùng cả nước, Yên Bái cũng đang mạnh mẽ triển khai chương trình và sau hai năm triển khai đến nay đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Điều này được thể hiện qua việc xây dựng bộ máy chỉ đạo, ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, hoàn thành xây dựng quy hoạch cho 152 xã đảm bảo theo kế hoạch và lộ trình. Việc huy động nguồn lực xây dựng NTM thông qua lồng ghép các chương trình, dự án được làm tốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm, Yên Bái đã huy động khoảng 600 tỷ đồng để thực hiện cứng hóa 62km kênh mương nội đồng, xây dựng 63 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao, tổ chức 72 điểm thu gom rác thải…
Có thể nói, sau hai năm triển khai thực hiện, trên địa bàn các xã đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là tại các xã được lựa chọn xây dựng điểm và xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí từ 87,5% giảm xuống còn 67,76%; các xã cơ bản đều tăng được từ 3 - 4 tiêu chí/năm, trong đó có xã đạt chuẩn từ 14 - 18 tiêu chí.
Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tin, tuyên truyền. Trong thời gian qua, với nội dung “Chung sức xây dựng NTM”, với trách nhiệm của mình, công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM trên Báo Yên Bái đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú. Từ đó đã giúp cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là người dân từng bước nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò của mình, nhằm có hành động thiết thực để tham gia vào chương trình xây dựng NTM.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn nhận lại cho thấy cũng như nhiều địa phương trong cả nước, chương trình xây dựng NTM vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều tồn tại cần khắc phục. Cụ thể là việc thực hiện xây dựng theo Bộ tiêu chí ở một số xã vẫn còn rất chậm, chủ yếu là những tiêu chí dễ thực hiện và có dự án, có nhiều xã gần như không thay đổi so với thời điểm rà soát, đó là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Những khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân quan trọng không thể không nói đến là công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa sát thực tiễn, dẫn đến nhận thức của cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ. Trên thực tế, tại nhiều địa phương ở Yên Bái (kể cả các địa phương đang làm điểm xây dựng NTM) cho thấy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhiều địa phương coi chương trình xây dựng NTM là cơ hội để có được nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng mà coi nhẹ vai trò chủ thể là người nông dân. Từ đó chỉ quan tâm đến "vẽ" quy hoạch, vẽ “đề án” xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường trạm... “hoành tráng” nhưng tính khả thi và hiệu quả thực tế thấp.
Còn đối với người nông dân là chủ thể mà chưa được biết hoặc hiểu chưa rõ về chương trình này. Họ luôn coi rằng, đây là chương trình đầu tư của Nhà nước cho địa phương mình, là việc của "cấp trên" chứ không phải việc của mình. Họ không hiểu rằng cùng việc tham gia góp tiền, công sức, ý kiến vào các hoạt động xây dựng thì việc tự đầu tư, việc tăng thu nhập trong các hoạt động kinh tế gia đình, giữ gìn nếp sống văn hóa, chỉnh trang nhà cửa, giữ ngõ xóm sạch đẹp và đóng góp, tham gia vào các hoạt động chung của thôn, xã, giữ vững an ninh trật tự… chính là nội dung xây dựng NTM.
Từ đó dẫn đến tình trạng thụ động chờ đợi. Đây là nguyên nhân vì sao tại nhiều nơi, người nông dân không tham gia ý kiến vào đề án và bản đồ án quy hoạch NTM ở xã; không tham gia vào việc lựa chọn những công việc cần làm trước, làm sau của địa phương mình. Do vậy, việc tuyên truyền làm rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan báo chí.
Thứ nhất, cần làm rõ “vai trò chủ thể của người dân” vì có làm rõ mệnh đề này, các cơ quan báo chí mới tuyên truyền “đúng” và “trúng”.
Nói nông dân là “chủ thể” bởi mục tiêu của chương trình xây dựng NTM là “Vì người dân, hướng đến nông dân”. Nói cách khác, nông dân tham gia xây dựng NTM trước tiên là để cho mình, vì cuộc sống của bản thân và gia đình mình, tất cả cộng hưởng lại mọi người đều được hưởng và toàn xã hội được hưởng thành quả đó.
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người nông dân nhưng phần lớn các chủ trương, chính sách đó đều chỉ hướng vào một lĩnh vực cụ thể như: xóa đói giảm nghèo, xóa nhà ở dột nát, hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề... Còn xây dựng NTM lần này là quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Điều này được thể hiện rõ qua Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí chung với 39 chỉ tiêu cụ thể bao quát hầu hết các lĩnh vực gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, môi trường... Nếu một xã khi hoàn thiện các tiêu chí theo quy định sẽ hình thành diện mạo NTM có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hóa - xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh, trật tự được đảm bảo...
Vì vậy, với trách nhiệm của mình, các cơ quan báo chí bên cạnh tăng cường nội dung cũng như dung lượng về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu của chương trình xây dựng NTM cần tuyên truyền để làm rõ hơn vai trò chủ thể của người nông dân. Để làm được điều đó, các cơ quan báo chí cần phát hiện những điển hình cụ thể tại các địa phương và vai trò đóng góp của người nông dân trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, để làm rõ vai trò “chủ thể” của người dân, cần tuyên truyền khơi dậy được ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM, trong đó chú ý tuyên truyền mạnh việc phát huy dân chủ tại cơ sở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" để chỉ rõ vai trò cũng như sức mạnh của quần chúng nhân dân. Và điều này đã được minh chứng qua lịch sử các cuộc đấu tranh bảo vệ, giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Trong xây dựng NTM hiện nay cũng vậy, sức mạnh đóng góp của nhân dân là nhân tố chính tạo lên thành công của chương trình.
Xây dựng NTM là một chương trình rất lớn vì nó hướng tới bộ phận chiếm đa số trong xã hội. Vì vậy, để xây dựng thành công chương trình là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp. Sự khó khăn, phức tạp thể hiện ở chỗ khối lượng công việc lớn, lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, một số tiêu chí có thể rút ngắn tiến độ nhưng có tiêu chí cần phải có thời gian, không thể chủ quan, nóng vội.
Bên cạnh đó, đây hoàn toàn không phải một dự án đầu tư lớn do Nhà nước cấp vốn để thực hiện mà là một chương trình phát triển tổng hợp về tất cả mọi mặt, lấy nội lực cộng đồng là chính và nông dân là chủ thể thực hiện. Vì vậy, cùng sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, phối hợp tham gia của các đoàn thể chính trị thì phải có sự tham gia tích cực của nông dân.
Với vai trò của mình, góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng NTM, các cơ quan báo chí cần tuyên truyền để các địa phương phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, đó là việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực tế tại một số địa phương ở Yên Bái, mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống người dân không khó khăn và có khả năng đóng góp, tuy nhiên việc xây dựng cơ sở hạ tầng không thành công. Điều này cho thấy, dù chủ trương huy động sức dân để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng là đúng nhưng phương pháp triển khai chưa đúng. Khi người dân chưa thông suốt, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cấp ủy, chính quyền nơi đó vẫn cứ áp đặt thực hiện là dẫn đến thất bại.
Vì vậy, trong thực hiện, chúng ta cần phải công khai, minh bạch các công việc, các kế hoạch, các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể cũng như các cơ quan, đơn vị. Người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Ví dụ như trường hợp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, người dân phải biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình này vì muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.
Để làm được điều đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước có vai trò đóng góp rất lớn của cộng đồng dân cư, đó là sức dân. Do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ kỹ thuật, vật liệu… với mức 40%, 60% hay 90% giá trị công trình, còn lại người dân phải đóng góp tiền, giải phóng mặt bằng và công lao động... Nếu người dân hiểu kỹ vấn đề sẽ xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại để sẵn sàng, vui vẻ đóng góp.
Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, do làm tốt công tác tuyên truyền, người dân hiểu nên phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng, cụ thể là “đường ta làm ta đi” đã thu hút được sự tham gia đóng góp rất lớn của nhân dân.
Phóng viên Báo Yên Bái điện tử tác nghiệp tại xã Y Can (Trấn Yên). (Ảnh: Quyết Thắng)
Quá trình xây dựng NTM tại nhiều địa phương cho thấy, tại nhiều nơi, khi được bàn bạc, người dân đều đưa ra những ý kiến, kế sách hay. Đây chính là gợi ý cho các phóng viên của cơ quan báo chí trong quá trình tuyên truyền. Trước tiên, khi người dân có quyền bàn bạc, họ sẽ lựa chọn những công trình thiết thực với họ trước, sau đó mới bàn đến quá trình đóng góp.
Về đóng góp, có địa phương, người dân bàn bạc cách thu đóng góp theo nhân khẩu, có địa phương lại thu theo hộ, có nơi lại thu theo diện tích đất được hưởng lợi... Dù phương pháp này hay phương pháp khác, kinh nghiệm cho thấy, nếu người dân được bàn bạc, được đóng góp ý kiến của mình sẽ tạo ra sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Là công trình phục vụ ngay chính người dân, người dân cần được thụ hưởng trong quá trình khi công trình đưa vào sử dụng mà cả trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên thực tế, tại nhiều nơi, do đời sống người dân khó khăn nên nhiều hộ dân chỉ có thể hiến đất, đóng góp vật liệu mà không có khả năng đóng góp bằng tiền. Vì vậy, những nơi triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cần tính toán để người dân có thể tham gia làm với mức hết sức có thể. Tại nhiều địa phương cho thấy, cùng việc đồng áng, nhiều người có thể tham gia làm thợ nề, thợ đổ bê tông, thợ mộc… Tuy nhiên, những phần việc như đào đất, đắp rãnh hay trộn, đổ bê tông, xây cất... nên để người dân thực hiện thì lại thuê mướn ở bên ngoài, gây bức xúc không đáng có. Đó là chưa nói đến việc, làm để phục vụ cho bản thân và cộng đồng, người dân tham gia sẽ có ý thức hơn.
Không chỉ được “biết”, được “bàn”, được “làm” mà nhân dân còn phải được“kiểm tra”, đây là biểu hiện cao nhất của tinh thần dân chủ cơ sở. Trên thực tế, khi người dân đã đóng góp tiền của, công sức thì đều muốn được biết số tiền của, công sức đó của mình được sử dụng như thế nào. Tìm hiểu tại nhiều nơi có phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng ở Yên Bái, với việc giám sát của ban giám sát nhân dân do nhân dân trực tiếp bầu ra là người có uy tín, trình độ đã tạo niềm tin cho người dân cũng như nâng cao chất lượng công trình.
Vấn đề thứ ba là các cơ quan báo chí cần tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, làm rõ: Chương trình xây dựng NTM là một chương trình rất lớn, thể hiện ở chỗ khối lượng công việc lớn, lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, một số tiêu chí phải có thời gian, không thể chủ quan, nóng vội. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM cần có lộ trình và có kế hoạch từng giai đoạn, cái gì dễ làm trước, không được “đốt cháy” giai đoạn làm theo kiểu thành tích… Có như vậy, người dân hiểu, thấy tính thiết thực của chương trình để tiếp tục đóng góp xây dựng.
Một vấn đề cuối trong công tác tuyên truyền đó là việc tuyên truyền xây dựng NTM cần quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như sắc thái của nông thôn. Trong đó không chỉ trong đời sống văn hóa mà trong tất cả mọi mặt đời sống sinh hoạt. Bởi mục tiêu để chúng ta hướng tới là nông thôn hiện đại, đời sống người nông dân được nâng cao nhưng vẫn phải giữ được bản sắc từng vùng quê, nhất là những bản sắc văn hóa. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng NTM không phải là “đô thị hóa nông thôn” dẫn đến việc đâu đâu cũng “bê tông hóa”, hay “prô xi măng hóa”.
Nếu tất cả đều như vậy sẽ mất đi đặc thù của nông thôn, mất đi môi trường sinh thái đặc thù từng vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Ví dụ, trong làm đường giao thông nông thôn không nên phá hết những hàng rào ven đường bằng các loại cây đã gắn bó từ lâu đời thân thiết với người dân như: râm bụt, ô rô, chè leo… để sau đó thay bằng những bức tường bê tông kín mít. Hay tại một bản văn hóa của người dân tộc lại xây nhà theo kiểu người Kinh thì sẽ không còn là nông thôn hay bản sắc riêng nữa...
Tóm lại, với một chương trình lớn như chương trình xây dựng NTM, việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng. Đó cũng là trách nhiệm của những người làm báo với Đảng, với dân để xây dựng cuộc sống của người nông dân văn minh, hạnh phúc.
Bùi Anh Túy -Tổng biên tập Báo Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo Yên Bái
Các tin khác
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang.
YBĐT – Chiều ngày 20/6, UBND tỉnh Yên Bái đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2013) và tổng kết trao Giải Báo chí tỉnh Yên Bái năm 2013.
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và biểu quyết thông qua 2 nghị quyết và 3 dự án Luật.
YBĐT - Sáng 20/6, đoàn công tác tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Xay Nha Bu Ly nước Cộng hòa DCND Lào đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Yên Bái để tổng kết đánh giá kết quả hợp tác năm 2012; thông qua dự kiến chương trình nội dung các hoạt động hợp tác năm 2013.