Phong trào cách mạng ở Yên Bái trước khi thành lập đảng bộ tỉnh
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/6/2013 | 9:00:31 AM
YBĐT - Ngay sau khi được thành lập, Đảng cộng sản Đông Dương đã chú trọng phát động phong trào cách mạng trong cả nước, điển hình là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Biết ơn cha anh.
Ảnh: H.N
|
Vào tháng 3/1930 tại thị xã Yên Bái đã xuất hiện nhóm đọc sách báo yêu nước, tiến bộ (Học sinh đoàn) gồm 17 học sinh của Trường Tiểu học Pháp - Việt và một số lính khố xanh. Nhóm này do Đỗ Văn Đức đứng đầu đã ra tập san “Học sinh báo” để tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, căm thù bọn đế quốc, nêu cao ý chí giải phóng dân tộc.
Ngày 1/5/1931, nhóm này đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở gần cổng Trường Tiểu học Pháp - Việt, rải truyền đơn nhiều nơi trong thị xã kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp khiến cho địch rất hoảng sợ. Ít lâu sau nhóm này bại lộ, 17 thành viên bị bắt giam và Đỗ Văn Đức đã bị tra tấn dã man, hy sinh trong ngục Sơn La năm 1932. Tuy tổ chức Học sinh đoàn tan rã nhưng cùng với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã tạo môi trường chính trị thuận lợi xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở Yên Bái.
Từ năm 1936 đến 1939, Đảng đã tập trung lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, chống phản động thuộc địa, tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình và hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp, kết hợp với hoạt động bí mật đã tập hợp mọi thành phần đứng lên đấu tranh tạo thế và lực mới cho phong trào cách mạng.
Nhiều tờ báo công khai như: Tin Tức, Lao Động, Thời Thế, Đời Mới… được chuyển lên lưu hành ở Yên Bái giúp cho thanh niên, giới công chức, tiểu thương, nhân dân được tiếp xúc với quan điểm, đường lối của Đảng và thúc đẩy phong trào đấu tranh giành quyền lợi. Trong đó, công nhân Đề-pô (xưởng sửa chữa xe lửa Yên Bái) lập Hội Ái hữu để đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, nông dân nhiều xã ở huyện Trấn Yên đấu tranh chống cướp ruộng và đòi giảm thuế điền, tiểu thương thị xã Yên Bái đấu tranh đòi giảm thuế chợ, thuế môn bài khiến bọn thống trị phải có nhiều nhượng bộ trong hai năm 1937 - 1938.
Tháng 9/1939, Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ và tháng 9/1940 quân Nhật tràn vào nước ta. Nhân dân Yên Bái và cả nước lúc này đã rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng” khiến cho lòng căm thù đế quốc càng được nhân lên. Thời điểm này cũng là lúc Đảng đẩy mạnh chủ trương xây dựng Đảng ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Ban cán sự Đảng khu D phụ trách 7 tỉnh: Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang đã cử đồng chí Hoàng Ngọc Chương lên Yên Bái hoạt động. Đồng chí đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở thị xã Yên Bái và vùng Ngòi Hóp, Mậu A (Trấn Yên).
Đến tháng 7/1940, đồng chí Hoàng Ngọc Chương bị bắt, nhiệm vụ được giao cho đồng chí Trần Thị Minh Châu đang hoạt động ở vùng Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp tục phát triển phong trào ở cả vùng Cẩm Khê, Hạ Hòa lên vùng hạ huyện Trấn Yên. Khu vực này đã hình thành được nhóm thanh niên phản đế và nhóm này đã tích cực tuyên truyền, rải truyền đơn ở chợ Vân Hội kêu gọi quần chúng đấu tranh. Vận động nhân dân làm đơn yêu cầu bọn cai trị cho mở trường tư để cán bộ của Đảng lên dạy học, tạo vỏ bọc để hoạt động cách mạng.
Ở huyện Yên Bình, đồng chí Vũ Dương cũng trong vỏ bọc của một thầy giáo đã đến gây dựng phong trào cách mạng ở các xã Ngọc Chấn, Cảm Nhân… Tuy nhiên, khi phong trào đang phát triển thì địch phát hiện được nguy cơ ở Yên Bái và khu vực nên chúng tập trung khủng bố gắt gao khiến phong trào tạm thời lắng xuống. Cho đến năm 1943, khi Chiến tranh Thế giới thứ II có bước ngoặt căn bản là quân đội Xô Viết đã đập tan quân phát xít Đức ở Cuốc-xcơ và Xtalingrat cho thấy sự thất bại của khối phát xít là không thể tránh khỏi. Qua đó, Đảng đã nhận định đây là cơ hội rất lớn cho cách mạng nước ta đang đến gần và đòi hỏi phải có những chính sách, biện pháp cụ thể, hiệu quả để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Ở Yên Bái lúc này Nhật đang ra sức tuyên truyền thuyết “Đại Đông Á”, tổ chức xây dựng các đảng phái phản động, bắt phu đi xây dựng các công trình quân sự, khai thác lâm thổ sản và cùng với quân Pháp bóc lột nhân dân đến cùng cực. Điều đó, khiến cho khát khao độc lập của mọi người dân lên tới đỉnh điểm. Trước tình hình đó, vào khoảng giữa năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã lên nắm tình hình ở khu vực Yên Bái,
Phú Thọ và nhận định khu vực giáp ranh giữa Yên Bái, Phú Thọ là nơi bọn Pháp - Nhật có nhiều sơ hở thuận lợi cho chiến tranh du kích và còn phát triển được lực lượng sang Sơn La, Nghĩa Lộ, lên Lào Cai. Từ đó, Trung ương đã quyết định phải xây dựng cho được phong trào cách mạng ở Yên Bái. Đến tháng 11/1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt lên kiểm tra tình hình ở vùng Vần - Hiền Lương lần thứ hai và tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân nhận rõ kẻ thù trực tiếp là quân Pháp và bộ mặt thật của phát xít Nhật. Do hoạt động tích cực của nhóm Việt Minh ở khu vực này nên đến tháng 5/1944, các làng: Linh Thông, Bảo Long, Hạ Bằng La đã lập được tổ chức Việt Minh.
Cùng thời điểm này, đồng chí Hoàng Quốc Việt quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Phú Thọ và cử đồng chí Bình Phương làm trưởng ban. Tiếp đó, vào tháng 10/1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục lên và giao nhiệm vụ cho đồng chí Bình Phương bắt liên lạc với Chi bộ nhà tù Sơn La để truyền đạt các chủ trương quan trọng của Đảng, móc nối, giải thoát, đón tiếp, bảo vệ các tù chính trị vượt ngục hoặc được địch thả tự do để chờ Trung ương phân công đi lãnh đạo cao trào cách mạng chống Nhật.
Ở thị xã Yên Bái, phong trào cách mạng cũng đang trên đà phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào đấu tranh của công nhân Đề-pô xe lửa đã giành nhiều thắng lợi. Sau đó tiểu thương cũng đấu tranh đòi giảm thuế môn bài; 400 phu xây dựng đồn Cao, 800 phu làm sân bay Đông Cuông cũng đấu tranh chống cai đánh đập và cải thiện cuộc sống… Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương và chỉ sau một ngày thì quân Pháp đầu hàng. Thời cơ cách mạng đã đến và khí thế cách mạng ở khu vực phía bắc tỉnh Phú Thọ và tỉnh Yên Bái đã phát triển rộng khắp.
Nhưng để phong trào phát triển mạnh hơn nữa trong điều kiện mới, tháng 5/1945 Xứ ủy đã cử đồng chí Ngô Minh Loan lên phụ trách xây dựng khu căn cứ cách mạng Vần-Hiền Lương. Với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ngô Minh Loan, một số hạt nhân của phong trào cách mạng ở thị xã Yên Bái đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương như đồng chí Nguyễn Hữu Minh (Minh Đăng), Nguyễn Văn Chí (Chí Dũng), Mai Văn Ty (Công) và thành lập Chi bộ Đảng vào ngày 7/5/1945. Hầu hết các làng đều lập được các đội cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Thân hào cứu quốc và có làng lập được đội tự vệ.
Nhiều chức sắc địa phương đã đi theo cách mạng. Tối 14/5/1945, Đội kích Âu Cơ được thành lập và 1 ngày sau đó thì hành quân vào xã Vân Hội (Trấn Yên). Đến ngày 19/6 đội du kích đã gọi hàng được đội lính bảo an do Tri phủ Trấn Yên kéo vào Vân Hội. Ngày 25/6, ta tiếp tục chặn đánh quân Nhật tại đèo Giang án ngữ Vân Hội ra Hiền Lương, tiêu diệt 4 tên, làm bị thương một số tên khác buộc chúng phải vượt sông sang Đoan Thượng lên tàu về xuôi.
Sáng 30/6, quân ta tổ chức lễ mừng chiến thắng tại đình Hiền Lương và đồng chí Ngô Minh Loan đã thông báo quyết định của Xứ uỷ Bắc Kỳ về việc thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái-Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng để Đảng bộ lãnh đạo nhân dân đứng lên thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; thực hiện nhiệm vụ độc lập dân tộc, bảo vệ, xây dựng đất nước.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Hồi ký “Đốm lửa phía trước” của đồng chí Ngô Minh Loan - nguyên Bí thư Ban Chấp hành liên tỉnh Phú Thọ -Yên Bái năm 1945, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1990, cho chúng ta thấy những quyết định sáng tạo của Chi bộ Đảng chiến khu Vần - Hiền Lương trong quyết định thành lập đội du kích Âu Cơ, chuẩn bị lực lượng vũ trang cho tổng khởi nghĩa, theo tinh thần chỉ thị của Trung ương Đảng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
YBĐT - Ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2013.
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, khi dư âm kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh được QH bầu và phê chuẩn chưa kịp lắng xuống thì nhân dân và cử tri các dân tộc huyện Văn Chấn lại nóng lòng hướng về kỳ họp HĐND các cấp. Bởi đây cũng là kỳ họp đầu tiên HĐND các cấp sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê duyệt theo Nghị quyết số 35 QH khóa XIII.
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, sáng 27/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm tỉnh Nakhon Phanom, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, giáo dục.