Mù Cang Chải hôm nay - Một diện mạo mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/7/2013 | 8:52:07 AM

YBĐT - Cách đây vừa tròn 56 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 606/TTg thành lập châu Mù Cang Chải trong Khu tự trị Thái Mèo, gồm 13 xã của ba châu: Văn Chấn, Than Uyên, Mường La. Ngày 2/7/1957, Ban chấp hành Khu ủy Tây Bắc ra Quyết định số 47 thành lập Ban Phụ trách châu Mù Cang Chải; ngày 18/10/1957, bộ máy chính quyền được thành lập, chính thức đi vào hoạt động và là tiền thân của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải ngày nay.

Mù Cang Chải vào vụ mới. (Ảnh: Thanh Miền)
Mù Cang Chải vào vụ mới. (Ảnh: Thanh Miền)

Trong hơn nửa thế kỷ qua, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện các phong trào cách mạng, thực hiện phương châm "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc".

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã cùng với lực lượng vũ trang của tỉnh tích cực tiêu diệt bọn phỉ, ngụy, tay sai, đánh bại các cuộc càn quét của địch, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Tên tuổi của Đội du kích Khau Phạ, Lao Chải, Chế Tạo đã gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc, góp phần giải phóng quê hương khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Mù Cang Chải là một trong những địa bàn trọng điểm của tỉnh Nghĩa Lộ, các khu vực có cơ quan Nhà nước đang hoạt động và đường sá, cầu cống, các công trình công cộng thường xuyên bị máy bay Mĩ oanh tạc, ném bom, bắn phá. Song với tinh thần đoàn kết, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa kháng chiến, vững tay súng, chắc tay cày.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", toàn huyện đã dấy lên phong trào "Vì miền Nam ruột thịt", "Mỗi người làm việc bằng hai", "Hậu phương thi đua với tiền phương"... đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Huyện đã tổ chức 3 đoàn dân công trên 300 người tham gia phục vụ bên nước bạn Lào, 400 người phục vụ các chiến trường trong nước; cung cấp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ dân công hỏa tuyến. Trong cuộc kháng chiến này, đã có 340 người là con em của nhân dân các dân tộc lên đường nhập ngũ tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới phía Bắc, đã có 106 người con của Mù Cang Chải hy sinh anh dũng trên các chiến trường để bảo vệ quê hương, đất nước. Huyện đã có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại. Năm 1998, xã Cao Phạ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cùng sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đạt được những thành tựu to lớn. Năm 2000, huyện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới".

Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập huyện, ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Chu Nha được xếp hạng Danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia. Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập huyện, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ năm 1946 được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. 

56 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải có 34 chi, Đảng bộ, 171 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và 100% số thôn bản có chi bộ. Về phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - thương mại: tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 58% năm 2010 giảm xuống 48,5% năm 2013; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 15% năm 2005 tăng lên 23,5% năm 2013; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,05 triệu đồng năm 2010 lên 8,5 triệu đồng năm 2013; thu ngân sách có bước phát triển mạnh mẽ, năm 2010 đạt 5,6 tỷ đồng, năm 2013 ước đạt 22 tỷ đồng. Sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện có bước phát triển vượt bậc.

Từ tập quán sản xuất lạc hậu, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, đến nay, huyện đã có ổn định trên 2.580ha lúa nước; từ chỉ sản xuất một vụ thì hiện đã có trên 1.000ha sản xuất lúa hai vụ, năng suất lúa từ 38 tạ/ha năm 2010 tăng lên trên 48 tạ/ha năm 2013; tăng diện tích trồng ngô từ 2.400ha năm 2012 lên trên 3.500ha năm 2013, trong đó có trên 700ha ngô trồng thay thế diện tích lúa nương...

Tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp toàn huyện đạt trên 7.600ha năm 2010 tăng lên trên 9.100ha năm 2013; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 25.400 tấn năm 2013, tăng 6.400 tấn so với năm 2010; lương thực bình quân đầu người đạt 480kg; tổng đàn gia súc hàng năm tăng 4,7% - 5%, đàn gia cầm tăng 10%. Chăm sóc và bảo vệ tốt 68.581,2ha rừng, công tác giao đất, giao rừng được Đảng bộ huyện quan tâm chú trọng. Độ che phủ rừng không ngừng được nâng lên, năm 2010 đạt 52,2%, năm 2013 đạt 60% và phấn đấu đến năm 2015 đạt 63%.

 

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải kiểm tra tình hình sản xuất ở cơ sở.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15,4 tỷ đồng năm 2010, năm 2013 ước đạt 68 tỷ đồng. Các ngành nghề truyền thống như rèn, đúc, thêu, dệt thổ cẩm được tập trung bảo tồn và phát triển. Thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng khá từ 28 tỷ đồng năm 2010 lên 50 tỷ đồng năm 2013, vượt 66% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII. Cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm, hạ tầng giao thông nông thôn miền núi có bước thay da đổi thịt.

Đến nay, 100% thôn bản có đường giao thông đi được xe máy, trong đó trên 40% đi được trong mùa mưa, thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển; trên 65% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; có 11/14 trụ sở làm việc của xã được xây dựng khang trang; cơ bản các trạm y tế và 47% số lớp học được xây dựng kiên cố. Đã có 13/13 xã hoàn thành đồ án xây dựng nông thôn mới, trong đó nhiều xã đã hoàn thành từ 3 đến 7 chỉ tiêu theo tiêu chí.

Văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đều đến đầy đủ với người dân; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 5%/năm; hàng năm tạo việc làm mới cho trên 800 lao động. Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến về chất lượng dạy và học, quy mô mạng lưới trường, lớp học không ngừng được mở rộng, có 47% số phòng học, lớp học được kiên cố hóa; tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm đạt trên 98%, học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 98%.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng lên. Toàn huyện có 11/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hàng năm, có trên 30% số hộ gia đình, trên 60% số cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ dân được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đạt trên 95% và xem truyền hình đạt trên 80%. Nhiều nhà văn hóa thôn, bản được xây dựng làm nơi sinh hoạt cộng đồng...

Phong trào "Toàn dân tha gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát huy hiệu quả, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đời sống của nhân dân ổn định, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đứng trước thời cơ mới, vận hội mới, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ huyện là rất nặng nề. Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã nghiêm túc đánh giá kết quả sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội và xác định cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là: Rà soát lại các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội để tăng cường chỉ đạo đạt cao hơn như: sản xuất lương thực từ 23.400 tấn lên 26.000 tấn; thu cân đối ngân sách từ 15 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng; nâng giá trị bán lẻ hàng hóa từ 35 tỷ đồng lên 55 tỷ đồng... Phấn đấu tổng mức đầu tư đạt trên 2.200 tỷ đồng trong 5 năm.

Hai là: Tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra như: phát triển các cụm thủy điện đi đôi với quy hoạch dân cư; quản lý khai thác khoáng sản; giao đất, giao rừng, khoán rừng đến hộ nông dân và cộng đồng dân cư; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các điểm du lịch - thương mại trên tuyến quốc lộ 32; triển khai thực hiện sản xuất tập trung trên diện tích đất sản xuất hai vụ đã qui hoạch 1.762ha, chủ yếu là cây lúa và cây ngô, sản phẩm rau sạch địa phương. 

Ba là: Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên một số lĩnh vực mà chủ thể người dân có điều kiện làm trước như: triển khai từng hạng mục được đầu tư phải tôn trọng qui hoạch, trước mắt tập trung xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; xóa nhà dột nát cho hộ nghèo; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; đẩy mạnh thực hiện phong trào "3 xanh" ở mỗi gia đình, thôn bản; xây dựng qui định về trách nhiệm của các hộ dân khi sử dụng các công trình phúc lợi do Nhà nước và các tổ chức đầu tư...

Bốn là: Tập trung chỉ đạo sản xuất đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho nhân dân; chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng hóa một số mặt hàng có thế mạnh của địa phương như: sơn tra, mật ong, gà đen, rau sạch, hàng hóa truyền thống phục vụ khách du lịch...

Năm là: Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho giáo dục, trọng tâm là các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non, phân hiệu Trường Trung học phổ thông khu vực Ngã ba Kim, mở rộng qui hoạch Trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện, Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề... phục vụ phát triển nguồn nhân lực của địa phương.  

Sáu là: Tiếp tục thực hiện công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp, luân chuyển cán bộ cho phù hợp. Đồng thời căn cứ qui định của Điều lệ Đảng xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên ở cơ sở nhằm chống tư tưởng ỷ lại của một bộ phận đảng viên hiện nay ở nông thôn.

Với truyền thống đoàn kết, nỗ lực vươn lên khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ thời cơ cùng sự lãnh đạo sâu sát của tỉnh, sự giúp đỡ tận tình của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chắc chắn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải sẽ hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Ngô Thanh Giang - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải

Các tin khác
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội NDVN diễn ra trên tinh thần “Đoàn kết-Đổi mới-Chủ động-Hội nhập-Phát triển bền vững”.

Ðại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Ðoàn kết, đổi mới, chủ động, hội nhập, phát triển bền vững".

Hôm nay 1-7, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Theo ban tổ chức, 1.180 đại biểu đại diện hơn 12 triệu hội viên nông dân trong cả nước cùng các khách mời sẽ về tham dự đại hội.

YBĐT - Tôn vinh và khen thưởng những thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, biết vượt khó vươn lên trong học tập tỉnh Yên Bái lần thứ nhất năm 2013; Hội nghị đánh giá kết quả công tác tháng 6, triển khai nhiệm vụ tháng 7/2013 và bàn một số nội dung cụ thể chuẩn bị kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh; Hội nghị đánh giá, kết luận về công tác rà soát, quy mô, mạng lưới trường học, cơ sở vật chất, chế độ chính sách, biên chế và việc làm... là những nội dung chính được chúng tôi gửi đến quý vị và các bạn trong mục Điểm thời sự nổi bật những ngày qua.

6 tháng của năm 2013 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục