Nâng cao vị thế quế Văn Yên

Bài 3: Thơm - cay đất quế

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2013 | 8:49:18 AM

YBĐT - Hiệu quả kinh tế - xã hội mà cây quế đem lại cho người dân Văn Yên (Yên Bái)đã rõ ràng. Nhưng những ngày tìm hiểu thực tế tại nơi đây, chúng tôi cũng nhận thấy, bên cạnh niềm vui còn có rất nhiều nỗi niềm, nhiều trăn trở liên quan đến chất lượng vùng quế cũng như đời sống của người dân.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Văn Yên kiểm tra chất lượng sản phẩm quế vỏ. (Ảnh: Quang Hùng)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Văn Yên kiểm tra chất lượng sản phẩm quế vỏ. (Ảnh: Quang Hùng)

>>  Bài 1: Về miền xanh thắm

>> Bài 2: "Vàng xanh" miền sơn cước

Ông Trần Nhật Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã Viễn Sơn bày tỏ: “Hiện nay, do việc mua bán là thỏa thuận theo thị trường nên người dân thường xuyên bị tư thương ép giá. Vì vậy, người trồng quế chưa được hưởng thành quả xứng đáng”. Đồng tình với nhận định của ông Đoàn, ông Nguyễn Văn Tám - Chủ nhiệm Hợp tác xã Quế Sơn lý giải: “Do hầu hết sản phẩm từ quế của Văn Yên mới chỉ là sản phẩm nguyên liệu thô lại chưa có đơn vị nào tại địa phương xuất ra thị trường nước ngoài theo hình thức trực tiếp dẫn đến mức giá rẻ hơn so với giá trị thực. Đến như chúng tôi làm khâu sản xuất và tiêu thụ trung gian cũng không biết được giá trị thật của quế đến đâu thì nông dân chưa được hưởng đúng thành quả của mình cũng là điều dễ hiểu”.

Dù không chính xác nhưng theo thông tin mà ông Tám thu thập được, sau khi được doanh nghiệp dưới xuôi xuất khẩu, giá trị quế vỏ và tinh dầu mà người Văn Yên sản xuất ra tăng từ 30% đến 50% tùy theo sản phẩm. Tuy nhiên, giá trị đó còn cao đến đâu khi trở thành sản phẩm hàng hóa cuối cùng thì ông cũng không biết. Điều này có nghĩa, người sản xuất quế chỉ được hưởng một phần nhỏ trong chuỗi giá trị sản phẩm.

 

Kỹ sư Nguyễn Quang Huy: “Người dân chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quế. Đơn cử chỉ việc khai thác không đúng kỹ thuật, bảo quản không tốt lại gặp mưa nhiều, quế rất dễ làm mốc hay mục ải, dẫn đến mẫu mã kém, chất lượng giảm sút đồng nghĩa là giá trị kinh tế cũng xuống thấp”.

Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Yên thì đó là bởi các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu về năng lực tài chính, công nghệ và thị trường… nên không tạo ra được những sản phẩm hàng hóa đủ tiêu chuẩn để xuất sang những thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật, Mỹ... Trong khi đó, việc quảng bá sản phẩm, thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường… mặc dù đã được huyện và tỉnh quan tâm nhưng thật sự vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một thực tế đang đặt ra, dù sở hữu vùng quế có giá trị nhưng chất lượng quế là một vấn đề phải quan tâm.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn quế tại xã Đại Sơn, kỹ sư lâm nghiệp phụ trách khuyến nông xã Đại Sơn Nguyễn Quang Huy cho biết: “Mặc dù những năm gần đây, việc áp dụng kỹ thuật vào gieo trồng đã được bà con thực hiện nhưng nhìn chung vẫn theo kinh nghiệm là chính”.

Khâu chọn giống hiện nay, người dân thường tự chọn những cây có độ tuổi trên 15 năm, sinh trưởng ổn định, tán rộng cân đối, không bị sâu bệnh để lấy hạt làm giống. Nếu không tự làm giống được thì họ sẽ mua giống trong các vườn ươm tự phát của các hộ gia đình và những vườn ươm này chất lượng ra sao cũng chưa được kiểm nghiệm. Hiện nay, trên địa bàn Văn Yên tồn tại ba loại quế chính là loại lá to, lá thường và lá nhỏ. Trong đó, quế lá nhỏ cho chất lượng hàm lượng tinh dầu cao nhất. Tuy nhiên, theo điều tra, tỷ lệ quế lá nhỏ chỉ chiếm rất nhỏ trong các vườn (2% - 5%).

 

Vườn ươm quế giống đảm bảo chất lượng theo quy định ở Văn Yên không có nhiều.

Hiện đa số diện tích quế của Văn Yên chủ yếu là loại lá trung bình. Điều này rất ảnh hưởng vì cùng chu kỳ một đời cây, có thể có giá trị chênh nhau hàng chục lần do liên quan đến chất lượng tinh dầu. Trong khi đó, việc trồng quế cũng chưa đúng kỹ thuật, mỗi héc-ta ban đầu bà con thường trồng 10.000 cây hoặc 7.000 cây đến 8.000 cây; sau từ 3 đến 4 năm, khai thác tỉa những cây kém phát triển, tiếp tục chăm sóc đến khi cây đạt 12 năm tới 15 năm tuổi mới bắt đầu thu hoạch.

Những năm gần đây, rừng tự nhiên bị khai thác nhiều, khí hậu thay đổi, đất đai đã cằn cỗi, cộng thêm sâu bệnh phá hại… có tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây quế. Đến thăm vườn quế của một số hộ gia đình ở xã Xuân Tầm, Đại Sơn, Viễn Sơn, mặc dù đã bước sang tuổi thứ mười nhưng nhiều cây, chu vi thân chưa tới 20cm. Theo các chủ hộ, nếu khai thác cả vỏ, cành lá, thân, mỗi cây giá trị chỉ là 100.000 đồng.

Giải quyết vấn đề giống, cùng với tăng cường chỉ đạo về mặt kỹ thuật cho người dân, huyện Văn Yên đã lựa chọn 90 cây quế lá nhỏ tại một số gia đình ở các xã để bảo tồn. Những giải pháp này có hiệu quả ra sao cần phải có thời gian mới được chứng minh. Tuy nhiên, ngay trước mắt, vì đầu tư có hạn nên việc bảo tồn cũng hết sức khó khăn.

Chị Hà Thị Hạp ở thôn 1, xã Đại Sơn - một hộ dân có 16 cây quế được chọn để bảo tồn giống cho biết: “Chúng tôi rất sẵn sàng tham gia dự án. Tuy nhiên, một cây quế của chúng tôi có giá trị bảy, tám triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mà mỗi năm, huyện chỉ hỗ trợ 30.000 đồng/cây và 500.000 đồng/ha thì thực sự là rất thấp. Quế giờ đây lại bị nhiều sâu bệnh, ngay trong 16 cây của gia đình đã có 2 cây chết và chúng tôi buộc phải khai thác. Như thế, giá trị giảm nhiều bởi chất lượng đã kém đi, thiệt thòi cho gia đình”. Thực tế đặt ra vấn đề phải xây dựng được một cơ sở gen ổn định, lâu dài.

Bên cạnh vấn đề chất lượng giống, chăm sóc và khai thác, điều trăn trở trong chuyến đi cơ sở lần này của chúng tôi là tại sao sở hữu vùng cây có giá trị kinh tế lớn nhưng tỷ lệ người dân đói nghèo ở vùng trồng quế còn rất cao. Nhiều xã như: Viễn Sơn, Xuân Tầm, Mỏ Vàng… tỷ lệ đói nghèo còn chiếm trên 50% dân số.

 

Quế 10 năm tuổi nhưng chu vi thân cây chỉ khoảng 20 cm, giá bán 100.000 đồng.

Tìm hiểu kỹ được biết, vùng trồng quế nguyên liệu là khu vực mà trước đây, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, mục tiêu hàng đầu của họ là kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống gia đình. Điều này đã tạo nên một tâm lý chung là sẵn sàng hướng đến cơ hội mang lại kinh tế trước mắt cao hơn và không có tầm nhìn xa cho tương lai.

Bởi vậy, cây quế không được khai thác theo kế hoạch mà thường dựa vào nhu cầu của gia đình hay tập trung khai thác khi thấy giá năm trước lên cao khiến cho dư thừa, giá giảm hoặc chặt đồi quế non đem bán làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu khi thấy giá nguyên liệu lên nhanh, thậm chí phá đồi quế để trồng sắn khi thấy giá sắn lên cao. Đau xót hơn, nhiều hộ đã bán đứt cả đồi quế non dẫn đến đã khó khăn lại càng khó khăn hơn do mất tư liệu sản xuất.

Theo số liệu, cùng với 4 nhà máy chiết xuất tinh dầu quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, Văn Yên còn có hơn 300 cơ sở chưng cất tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Đó chính là nguy cơ tiềm ẩn của việc phá vùng nguyên liệu nếu không được quản lý tốt.  
Cùng những vấn đề mang yếu tố xã hội, vùng nguyên liệu hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc khai thác cành lá để nấu tinh dầu quá mức. Theo tính toán, cứ 100kg lá quế, chưng cất thủ công được 0,3kg tinh dầu, giá hiện nay từ 650.000 - 700.000 đồng/kg. Vì vậy, mấy năm nay, các nhà máy chế biến tinh dầu quế mọc nhan nhản khắp nơi, khắp hang cùng ngõ hẻm của vùng quế đều có cơ sở chưng cất tinh dầu. Với giá từ 1.500 - 2.500 đồng/kg cành lá tươi, các hộ khai thác lá quế không chỉ ở quế đến tuổi khai thác mà còn cả ở những cây đứng.

 Khai thác lá quế quá mức giống như gặt lúa non tiềm ẩn những nguy cơ làm tàn kiệt, suy thoái, khiến cho chất lượng chính của cây quế là vỏ không có tinh dầu đồng nghĩa với chất lượng quế xuống cấp. Đẩy giá thu mua lá quế của các cơ sở chế biến đang dẫn dụ người dân khai thác kiệt quệ và tự phá rừng quế của mình. Điều này đang báo hiệu sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp nguyên liệu vànhà máy chế biến.

Đình Tứ - Hùng Cường

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục