Nâng cao vị thế quế Văn Yên

Bài 1: Về miền xanh thắm

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2013 | 2:46:31 PM

YBĐT - Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cùng sức lao động cần cù của cộng đồng người Dao, Tày, Kinh, Mông... sau gần nửa thế kỷ, Văn Yên đã hình thành một vùng cây có giá trị kinh tế cao - đó là cây quế. Quế giúp người dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu hiệu quả và giữ gìn môi trường sinh thái... Tuy nhiên hiện nay, để loại cây này mang đúng giá trị thực sự của nó thì còn rất nhiều việc phải làm.

Người dân xã Viễn Sơn khai thác quế vụ tám.
Người dân xã Viễn Sơn khai thác quế vụ tám.

Tham vọng muốn tìm hiểu về loại cây có giá trị kinh tế cao lại gắn với nét văn hóa độc đáo của người Dao đã thôi thúc chúng tôi ngược dòng sông Hồng đến với Văn Yên. Dọc tuyến đường liên huyện, liên tỉnh về các xã: Viễn Sơn, Đại Sơn, Xuân Tầm... nơi đâu cũng gặp quế. Những đồi quế điệp trùng với thân thẳng đứng màu sáng, lá xanh mướt trong nắng thu thật đẹp. Chưa chính thức vào vụ tám nhưng khắp không gian đâu đâu cũng thoảng mùi thơm của tinh dầu quế được tỏa ra từ những nhà máy hay lò chưng cất, từ những gùi mảnh vỏ còn tươi rói trên vai những cô gái Dao mới mang ở rừng về.

Để hiểu về cây quế, chúng tôi tìm gặp anh Bàn Hữu Quyên - một cán bộ người dân tộc Dao ở xã Đại Sơn, hiện giữ cương vị Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Văn Yên. Anh Quyên cho biết: “Cây quế là một thực thể không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Dao Văn Yên. Tục lệ bao đời chưa thay đổi của người Dao đỏ trong văn hóa liên quan đến quế là cứ ăn tết xong, khi mưa xuân xuống là nhà nhà, người người đi trồng quế. Không chỉ để làm thuốc, quế còn là nguồn thu nhập phục vụ sinh hoạt hàng ngày, là tài sản của bố mẹ cho con cái khi lấy vợ, gả chồng. Vì vậy, người Dao rất yêu quý cây quế”.

Theo gợi ý của anh, chúng tôi tiếp tục ngược sông Hồng và suối Hút để về Xuân Tầm - nơi được coi là “cái nôi” của quế Văn Yên. Chưa tới đầu xã đã thấy mùi thơm của dầu quế. Chủ tịch UBND xã Triệu Tòn Triệu thông tin nhanh: “Hiện cả xã có khoảng 1.500ha quế tại 11 thôn, mỗi năm sản lượng khai thác chừng 450 tấn quế vỏ tươi”.

Từ trụ sở UBND xã đi tiếp 8km đường đèo dốc, chúng tôi vào bản người Dao Khe Lép - đây chính là một trong những "cái nôi" của quế Xuân Tầm. Hỏi chuyện quế, Trưởng thôn Triệu Tài Huyến bấm tay tính: “Thôn có 114 hộ, trung bình mỗi nhà có 3ha, cả thôn có trên 300ha. Nhiều hộ có diện tích lớn như nhà Triệu Tài Trình, Bàn Hữu Ngân, Bàn Phúc Thanh... mỗi nhà trên dưới chục héc-ta”. 

Không ai biết rõ quế đã gắn bó với bà con nơi đây từ khi nào. Đến cả ông Bàn Kim Vượng, người đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”  cũng chỉ bảo: "Từ khi mình còn để chỏm đã thấy có quế trồng quanh nhà rồi. Trước đây ít thôi, mỗi nhà trồng vài chục cây để làm thuốc và thỉnh thoảng bán cho người Trung Quốc. Sau này, Nhà nước phát động mới trồng nhiều". Gắn bó cả đời với quế, với biết bao kỷ niệm vui buồn, vì vậy, như nhiều người trong bản, ngày nào ông Vượng cũng lặn lội vượt qua vài con suối để vào nương quế của gia đình.

Ông bảo: “Không vào thăm nó là không chịu được!”. Yêu quế đến độ để có “lý do” cho việc vào rừng, dù Khe Lép là một thôn hẻo lánh, ít người qua lại, ít bệnh tật gia cầm nhưng ông vẫn đem cả đàn gà vào thả dưới tán quế. Sáng sáng, chiều chiều, ông lại vào rừng “Cho gà ăn và xem con cầy, con cáo có bắt mất con nào không”.

“Trước đây chưa có đường giao thông, khai thác và tiêu thụ khó khăn lắm, giờ được Nhà nước đầu tư làm đường thì đã đỡ rất nhiều” - Trưởng thôn Triệu Tài Huyến tâm sự. "Thế chuyện dùng máy bay trực thăng chở quế là như thế nào hả anh?" - tôi hỏi.

"Ngày đó, bác Vượng là người trực tiếp phụ trách đấy" - Trưởng thôn Huyến trả lời. Chuyện khai thác quế bán cho Nhà nước và máy bay vào chở quế đã qua gần nửa thế kỷ mà ông Vượng vẫn nhớ như in.

Ông kể lại: “Lúc đó, tôi là Phó chủ tịch UBND xã kiêm Chính trị viên Xã đội. Khi đó, ba thôn Khe Lép ngày nay là một hợp tác xã. Từ Trái Hút vào chưa có đường ô tô mà là đường mòn nên phương tiện duy nhất có thể vận chuyển là máy bay. Ngày đó, diện tích quế không nhiều như bây giờ nhưng nghe cán bộ về vận động, bảo Nhà nước thu mua vỏ quế để xuất khẩu mua vũ khí đánh Mỹ, bà con ai cũng hăng hái làm. Cả hợp tác xã có 89 hộ thì 89 hộ làm quế, kỷ lục có nhà bóc 15 tấn quế là ông Bàn Văn Kiên, còn nhà ít cũng trên 1 tấn. Nhưng bà con làm ra quế rồi vẫn nửa tin nửa ngờ vì không biết có máy bay vào chở thật không...”.

 

Ông Hoàng Văn An (thứ 2, phải sang) ở xã Đại Sơn kể về những năm đầu thực hiện lời kêu gọi trồng quế.

Để máy bay có thể xuống bốc quế, ông Vượng cùng Ban chủ nhiệm Hợp tác xã phải huy động hơn trăm dân quân làm sân cho máy bay hạ cánh. Dù phương tiện chỉ toàn cuốc, xẻng và sức người nhưng ai cũng hăng hái làm. “Gặp đá thì dùng mìn để phá, sau gần một tuần tích cực không nghỉ, sân bay dã chiến đã hoàn thành. Hôm máy bay hạ cánh, cả xã vui như hội. Ngày đó, mỗi chuyến máy bay Mi-6 chở được 6 tấn quế. Bà con trong hợp tác xã tích cực bóc quế, có ngày máy bay phải chở ba, bốn lần mới hết. Nói thật, ai cũng vui vì được góp chút công sức để đánh Mỹ” - ông Vượng bồi hồi. Vì là người có nhiều đóng góp cho phong trào làm quế bán cho Nhà nước, ông được các phi công mời xuống Sân bay Yên Bái năm, sáu lần. Ngần ấy thời gian trôi qua, ông vẫn còn nhớ tên các phi công là anh Dũng, anh Điệp, anh Đương...

Sở hữu vùng quế lớn thứ hai trong cả nước với giống quế được coi là tốt nhất, quế Văn Yên là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm (quế ở nơi khác không được đặt tên quế Văn Yên).
 Đêm quê núi, dưới ánh sáng điện lưới quốc gia, uống chén rượu nồng,  nghe người già kể chuyện xưa thấy sao mà thú vị... Xưa, quế hiếm phải vào rừng tìm, tìm quế rừng như đi tìm trầm hương, may mắn lắm mới gặp. Người đi rừng có kinh nghiệm thường phải mang theo đồng bạc trắng, tìm thấy cây quế rừng là lấy bạc chôn xuống như đã mua của rừng, sau đó phải mổ lợn cúng thần rừng mới được khai thác. Nếu không có bạc để “mua”, dù đã đánh dấu nhưng hôm sau lên tìm cũng chẳng thấy đâu vì rừng đã giấu mất. Sau này, có phong trào trồng quế, bà con cứ trồng mãi. Xã là nơi cung cấp nhiều hạt giống cho các địa phương trong huyện. Bởi thế, hôm nay, Xuân Tầm xanh thắm một màu của quế...

Như Xuân Tầm, người Dao xã Đại Sơn cũng đã trồng quế từ lâu đời. Tuy nhiên, để người Tày, người Kinh tham gia trồng và có diện tích lớn như hôm nay (khoảng 1.700ha) thật sự là một cuộc "cách mạng". Đó chính là cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, cái đói nghèo. Ông Hoàng Văn An, người Tày ở thôn 1 - một trong những người đi đầu trồng quế tâm sự: “Không như người Dao, người Tày, người Kinh trước kia làm gì biết trồng quế. Lúc đó, làm cán bộ xã, chúng tôi vận động dân trồng quế rất khó khăn. Nhiều người bảo, có nhổ gốc quế nấu ăn được không...”.

Từ phong trào trồng quế cách đây gần năm mươi năm, Văn Yên đã hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khổng Giang Lam, trung bình mỗi năm, Văn Yên trồng mới từ 1.500ha đến 2.000ha. Đến nay, cả 27 xã, thị trấn của huyện đều có quế với diện tích khoảng 20.000 ha. Diện tích tập trung và cho chất lượng tốt nhất là 8 xã hữu ngạn sông Hồng: Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp với diện tích chừng 13.000ha. Nhìn lại năm 1965, khi mới thành lập, Văn Yên chỉ có 290ha quế ở 8 xã người Dao thì sau gần 50 năm đã tăng lên gần 70 lần. Không chỉ có diện tích lớn, chất lượng tinh dầu của quế Văn Yên cũng vào loại “tốp đầu”.

Bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: "Quế nơi đây có ba loại chính là lá to, lá thường và lá nhỏ. Quế lá nhỏ cho chất lượng hàm lượng tinh dầu cao nhất với tỷ lệ trung bình 30%, cá biệt có cây tới 70%. Hàm lượng tinh dầu của quế Văn Yên không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả trong khu vực Asean".

Đưa miếng vỏ quế lên miệng nhấm nháp, thấy cay nồng, sau đó có vị ngọt thơm mãi... Có lẽ là do các xã ở vùng quế chất lượng được thiên nhiên ưu ái ban tặng về khí hậu, về địa chất. Ngoài ra, địa hình núi cao, sông ngòi nhiều, lượng nước ngầm lớn, lượng mưa ổn định và cao hơn một số vùng khác trong tỉnh cộng với sức lao động cần cù là yếu tố quan trọng để cây quế phát triển và cho chất lượng tinh dầu tốt. Chẳng ngạc nhiên mỗi khi nhắc đến quế, người ta nghĩ ngay tới Văn Yên và nói đến Văn Yên, người ta nói ngay về quế.

 Đình Tứ - Hùng Cường

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục