Nâng cao vị thế quế Văn Yên

Bài 4: Cho hương quế bay xa

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2013 | 8:58:01 AM

YBĐT - Từ những vấn đề đang đặt ra trong thực tế, để cây quế thực sự phát huy tác dụng, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân Văn Yên (Yên Bái) một cách bền vững cần những giải pháp mang tính đồng bộ với những giải pháp cụ thể trước mắt cũng như lâu dài.

Hợp tác xã Bách Lâm có nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại xã Xuân Tầm, công suất 100 tấn/năm.
Hợp tác xã Bách Lâm có nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại xã Xuân Tầm, công suất 100 tấn/năm.

>>  Bài 1: Về miền xanh thắm

>> Bài 2: "Vàng xanh" miền sơn cước

>> Bài 3: Thơm - cay đất quế

Một điều hết sức đáng mừng mà chúng tôi nhận thấy trong chuyến công tác tại vùng quế lần này đó là nhận thức đúng đắn về hiệu quả kinh tế - xã hội cây quế mang lại cũng như những yếu tố cản trở, huyện Văn Yên đã có những động thái tích cực với những hành động cụ thể để nâng cao chất lượng đồng thời phát triển cây quế một cách bền vững.

Ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đã phối hợp cùng Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm (quế ở nơi khác không được đặt tên quế Văn Yên); đã tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu tại 8 xã có điều kiện tự nhiên, xã hội để cây quế có thể phát triển tốt nhất. Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp duy trì diện tích và sản lượng, khai thác phù hợp; bảo tồn nguồn gen quý qua việc lựa chọn cây giống và bước đầu có sự đầu tư để bảo tồn; đẩy mạnh tuyên truyền trong dân việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm. Trong chế biến sản xuất, huyện đã có giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm quế; tìm kiếm thị trường, liên kết doanh nghiệp thu mua; đầu tư xây dựng trang web nhằm thông tin, quảng bá giới thiệu sản phẩm quế; quy hoạch vùng sản xuất tinh dầu; thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh quế… Những giải pháp này đã từng bước phát huy hiệu quả song để đạt được mục tiêu đề ra cũng cần phải có thời gian”.

Có thể nói, những cố gắng của Văn Yên trong việc duy trì và nâng cao chất lượng vùng quế là hướng đi đúng. Tuy nhiên, trong quá trình đi thực tế ở vùng quế, chúng tôi nhận thấy, về lâu dài, để duy trì vùng nguyên liệu cũng như chất lượng quế, Văn Yên cần đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo duy trì vùng nguyên liệu. Đó là thực hiện nghiêm quy hoạch vùng sản xuất tinh dầu cũng như đẩy mạnh tuyên truyền việc áp dụng khoa học kỹ thuật đối với người dân về lựa chọn cây giống trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác thông qua đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở cơ sở. Những điều này còn rất thiếu đối với người dân. Cùng với đó, huyện cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất cây giống và phải làm sao để từ nay, người dân chỉ sử dụng duy nhất một loại giống có giá trị nhất là quế lá nhỏ.

Hiệu quả và tiềm năng rất lớn vì nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu rất lớn, vì vậy, cùng với diện tích quế hiện có, Văn Yên cần mở rộng quy hoạch vùng trồng nguyên liệu quế không chỉ tại 8 xã vùng quy hoạch mà ở cả những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất với sự phát triển, sinh trưởng của cây quế, tạo nên sản phẩm chất lượng cao.

Đặc biệt, trước nhu cầu của thị trường về sản xuất tinh dầu, huyện cần mở rộng vùng nguyên liệu chuyên biệt cung cấp cành và lá quế cho các nhà máy chế biến tinh dầu. Đó là việc phối hợp với viện khoa học trong nước nghiên cứu những giống quế ngắn ngày cho lá, cành để đáp ứng nhu cầu sản xuất này.

 

Sơ chế vỏ quế khô tại Hợp tác xã Quế Sơn.

Thực tế, sản phẩm từ quế hiện nay của Văn Yên mới chỉ là sản phẩm nguyên liệu thô. Với điều kiện như hiện nay, xuất khẩu thô là lựa chọn tối ưu nhất cho lợi ích trước mắt của địa phương. Tuy nhiên, trong dài hạn, vấn đề đặt ra là phải có sản phẩm cuối cùng. Theo ý kiến của những doanh nghiệp mà chúng tôi đã gặp thì những nguyên nhân chính vẫn do thiếu vốn, cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất, phương thức sản xuất, máy móc và trang thiết bị nên mới chỉ là sản phẩm quế thô.

Giải quyết vấn đền này, việc kêu gọi đầu tư không nên ở mức độ giới thiệu đơn thuần mà phải chủ động thu hút quan tâm của các nhà đầu tư bằng cách tích cực đưa sản phẩm quế đến với hội chợ thương mại trong nước, quốc tế và xây dựng thương hiệu quế Văn Yên.

Bên cạnh đó cũng phải chủ động tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm quế, đặc biệt phải tác động tích cực đến các nhà đầu tư để họ thấy rõ tầm quan trọng của mặt hàng quế trên thị trường thế giới, trong nước và giá trị tiềm năng của sản phẩm này. Muốn thực hiện được điều đó, huyện phải chú trọng quan tâm đến công tác tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, Văn Yên cũng cần tổ chức kiểm soát chất lượng quế xuất khẩu đảm bảo chất lượng, nhất là trong giai đoạn hiện nay đã có một số tư thương lợi dụng thương hiệu quế Văn Yên trà trộn sản phẩm nơi khác để trục lợi. Đặc biệt là cần hạn chế tối đa công tác xuất khẩu nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay tại các hộ gia đình và hợp tác xã đồng thời tăng cường xuất khẩu số lượng lớn, giá trị tương xứng với tiềm năng. Giải pháp này có thể thực hiện bằng cách cấp giấy phép xuất khẩu cho một số doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm tới các thị trường cũng như tăng cường xuất khẩu trực tiếp tại những thị trường tiềm năng như: Mỹ, Ấn Độ, Mê-hi-cô… 

Thực tế tại các vùng trồng nguyên liệu quế ở xã Xuân Tầm, Viễn Sơn, Đại Sơn… cho thấy, nơi đây giao thông đi lại hết sức khó khăn, dẫn đến ảnh hưởng tới giá trị của quế. Giải quyết bài toán này, giải pháp trước mắt là chế biến ngay tại chỗ, do đó hệ thống lò nấu thủ công tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi giao thông phát triển tại khu vực sản xuất và chế biến sản phẩm, bên cạnh duy trì và nâng cao các hoạt động chế biến sản phẩm thô cần đồng thời nghiên cứu mở rộng sản xuất những sản phẩm tiêu dùng bán buôn cho khách du lịch làm từ quế như: gia vị quế, các sản phẩm khử mùi từ quế, lót giầy quế…

Ngoài ra, có thể khuyến khích phát triển những sản phẩm từ gỗ quế làm đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, tăm quế. Song song triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng vùng quế, cần lồng ghép với các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo cho người dân trong vùng từ các dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng vùng quế và ngược lại.

Với tiềm năng, thế mạnh đã được khẳng định, để cây quế phát triển bền vững là vấn đề hết sức cần thiết, gắn liền với sự phát triển của huyện Văn Yên. Thực hiện được điều này, ngoài sự cố gắng của địa phương, Văn Yên cần sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh cùng các ngành hữu quan với thái độ tích cực. Khi tất cả các giải pháp đưa ra được triển khai đồng bộ, bài toán sẽ có lời giải. Chắc rằng, lúc đó, quế Văn Yên sẽ ngát hương bay xa và không chỉ là niềm tự hào của Văn Yên mà còn là của Yên Bái.

Bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng phòng Kinh tế -  Hạ tầng huyện:

“Huyện thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh quế là một thành công bước đầu. Duy trì và nâng cao vai trò của Hiệp hội là rất cần thiết bởi với vai trò của mình, Hiệp hội sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ các hội viên trong từng khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm”.

 

 

 

 

 

 
Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện:

“Bên cạnh bảo vệ nguồn gen, trong thời gian tới, với chức năng được giao, Phòng sẽ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân lựa chọn cây giống, chăm sóc, bảo vệ, khai thác thông qua đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở cơ sở cũng như quản lý chặt chẽ việc sản xuất cây giống đảm bảo sử dụng cây giống tốt nhất”. 

 

 

 

 

 

 Ông Nguyễn Văn Tám - Chủ nhiệm Hợp tác xã Quế Sơn:

“Nâng cao chất lượng vùng quế, nhất thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu trồng, chế biến và bảo quản, trong đó làm sao để người dân không chạy theo lợi nhuận mà làm mất chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng rất mong được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất”. 

Đình Tứ - Hùng Cường

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục