Hướng mới cho phát triển chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2013 | 2:43:19 PM

YBĐT - Đề tài khoa học “ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn” bước đầu cho thấy những lợi ích đáng mừng. Đây sẽ là tiền đề để người chăn nuôi ứng dụng rộng rãi và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đàn lợn nuôi trên đệm lót sinh thái tại gia đình anh Ngô Đức Phong thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng phát triển tốt.
Đàn lợn nuôi trên đệm lót sinh thái tại gia đình anh Ngô Đức Phong thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng phát triển tốt.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng lớn trong phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của người dân trên địa bàn, qua tìm hiểu tại một số tỉnh, thành đã thực hiện rất thành công việc ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi như: Hà Nam, Nam Định, Hải Dương… và gần nhất là tỉnh Phú Thọ, tháng 8/2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đưa Đề tài khoa học “Ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn” vào triển khai ứng dụng trong thực tế.

Triển khai thực hiện từ tháng 8/2013 đến tháng 4/2014, Đề tài “Ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn” do kỹ sư Nguyễn Thị Nhàn làm Chủ nhiệm được thực hiện trên địa bàn huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái với quy mô 20 hộ chăn nuôi tham gia. Các hộ được hỗ trợ 80% giá trị thực hiện mô hình, ước tính gần 4 triệu đồng, bao gồm thùng nhựa, ô doa, tấm bạt, cám ngô, cám cưa và chế phẩm Balasa No1 để sử dụng làm đệm lót sinh thái.

Theo kỹ sư Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông tỉnh là người trực tiếp tham gia thực hiện mô hình tại hộ chăn nuôi thì Yên Bái hiện là địa bàn đang phát triển mạnh về chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế điều kiện chăn nuôi của một số hộ còn hạn chế.

Thêm nữa, quỹ đất phát triển chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường còn ít, trong khi nhu cầu chăn nuôi của người dân ngày một tăng. Vì là đề tài khoa học mới, lần đầu tiên triển khai ứng dựng trên địa bàn tỉnh nên quá trình đưa vào ứng dụng trong thực tiễn chăn nuôi tại các hộ gặp không ít khó khăn bởi người chăn nuôi chưa biết cũng như chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của phương thức chăn nuôi này.

Thế nhưng sau khi thăm quan mô hình của một số hộ và thấy được hiệu quả trong quá trình chăn nuôi như: giảm đáng kể mùi hôi, lợn sinh trưởng phát triển bình thường, thích ở trên đệm lót sinh thái… thì rất nhiều hộ chăn nuôi khác cũng muốn tham gia.

 Hiện trên địa bàn xã Bảo Hưng (Trấn Yên) hay thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh thái đã được nhiều hộ chăn nuôi thăm quan, tìm hiểu, học cách làm mà không cần đến sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Đây là thành công bước đầu rất đáng mừng và cũng là tín hiệu vui để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong toàn tỉnh, giúp người chăn nuôi cải thiện được môi trường chăn nuôi tập trung trong điều kiện chuồng trại vẫn phổ biến làm gần nhà.

Đề tài khoa học “Ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn” được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng với mục đích lớn nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thực tế điều kiện chăn nuôi của người dân địa phương còn nhiều hạn chế. Xã Bảo Hưng (Trấn Yên) có 7 hộ thuộc 5 thôn được chọn tham gia thực hiện mô hình.

Gia đình chị Phạm Thị Tuyến, thôn Bảo Long là một trong những hộ may mắn ấy. Chị Tuyến cho biết: “Nhà neo người, bản thân tôi thì tàn tật mà kinh tế gia đình lại quá khó khăn nên không có điều kiện để làm hầm khí bi-ô-ga chăn nuôi cho sạch sẽ. Biết là chăn nuôi theo kiểu truyền thống không thể giữ được vệ sinh chung nhưng “cái khó bó cái khôn”. Thấy một số hộ trong thôn áp dụng phương pháp nuôi lợn trên đệm lót sinh thái vừa tiết kiệm được điện, nước, công vệ sinh chuồng trại vừa đỡ hẳn mùi khó chịu thì tốt quá. Toàn nguyên, vật liệu đơn giản và chi phí lại thấp nên những gia đình chăn nuôi ít, điều kiện kinh tế chưa khá giả vẫn có thể làm được theo mô hình này”.

Cũng như bao hộ chăn nuôi khác, vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên nhiều năm nay, chuồng trại chăn nuôi lợn, gà của gia đình chị Tuyến vẫn làm sát nhà ở. Việc xử lý chất thải và mùi trong chăn nuôi để không ảnh hưởng đến môi trường sống là không hề dễ. Với quy mô chăn nuôi 3 lợn nái, 20 - 25 lợn thịt, mỗi lứa kết hợp chăn nuôi gà thả vườn, nguồn thu nhập chính của gia đình chị Tuyến chủ yếu trông vào chăn nuôi con lợn, con gà.

Biết là mất vệ sinh và phải sống chung với những thứ mùi không hề dễ chịu nhưng nghỉ chăn nuôi đồng nghĩa mất luôn nguồn sống chính bởi gia đình chị vừa là hộ nghèo vừa là đối tượng tàn tật, thiếu sức lao động. Việc ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn đã mở ra cho gia đình chị hy vọng xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như nhân rộng mô hình áp dụng trong chăn nuôi gà nuôi nhốt. 

Đưa mô hình đệm lót sinh thái vào sử dụng trong chăn nuôi đàn lợn bột được gần 1 tháng nay, anh Ngô Đức Phong, thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng (Trấn Yên) phấn khởi: “Chăn nuôi đã gần chục năm nay thế nhưng thời gian vừa rồi gia đình phải tạm nghỉ vì dân làng kêu quá. Làm bi-ô-ga thì nhà làm rồi nhưng vẫn không tránh khỏi ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Thực tế đưa mô hình mới vào sử dụng trong chăn nuôi tại gia đình cho hiệu quả tốt hơn hẳn so với chăn nuôi theo phương thức truyền thống trước đây. Tuy mới áp dụng một thời gian ngắn nhưng tiện ích không thể phủ nhận: đàn lợn được giữ ấm về mùa đông; giảm hẳn được công vệ sinh chuồng trại; tiết kiệm chi phí điện nước trong khi đàn lợn vẫn tăng trọng tốt; môi trường được cải thiện rõ rệt. Có một điều thuận lợi là nguyên liệu làm đệm lót sinh thái rất sẵn ở nông thôn, từ vỏ lạc, vỏ đỗ, thân cây ngô, lõi ngô, cám cưa, đến trấu, cám ngô... và chi phí lại không lớn. Tới đây, gia đình dự định nhân rộng quy mô chăn nuôi trên đệm lót sinh thái để chăn nuôi lợn nái, lợn bột và gà”.

Chăn nuôi trên đệm lót sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao hơn do tiết kiệm được khá lớn công lao động, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào. Thêm nữa, kỹ thuật chăn nuôi trên đệm lót sinh thái với việc làm chuồng chuẩn bị đệm lót và chăm sóc vật nuôi đơn giản là điều kiện thuận lợi để người nuôi hoàn toàn có thể áp dụng. Mặc dù đang trong quá trình triển khai ứng dụng nhưng thực tế, Đề tài khoa học “ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn” đã cho thấy những lợi ích đáng mừng. Đây sẽ là tiền đề để người chăn nuôi ứng dụng rộng rãi và nâng cao hiệu quả kinh tế.  

Phạm Minh

Các tin khác

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công An kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đổi tiền mới (đặc biệt là tiền lẻ) để thu chênh lệch.

Từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán 2014, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu.

YBĐT - Mặc dù còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 nhưng diễn biến của thị trường vẫn khá im ắng, đặc biệt hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng giảm hẳn so với cùng kỳ.

Giàn khoan Tam Đảo 05 dự kiến sẽ hoàn thành sau 32 tháng thi công.

Ngày 10/12, tại TP. Vũng Tàu, CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) tổ chức khởi công chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. Đây là công trình cơ khí lớn nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này.

Phần lớn các nông hộ chăn nuôi đại gia súc nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao.

YBĐT - Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục