Xăng dầu tăng, giá cước vận tải rục rịch điều chỉnh trước Tết
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/12/2013 | 2:12:09 PM
Sau thông tin giá xăng dầu tăng gần 600 đồng/lít vào ngày 18/12 vừa qua, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp vận tải đang cân nhắc tính toán điều chỉnh giá cước.
Giá vé xe khách có thể sẽ được điều chỉnh vào dịp cuối năm sau khi giá xăng dầu tăng.
|
Theo đại diện các đơn vị làm trong ngành vận tải, việc giá xăng tăng trong bối cảnh áp lực đi lại cuối năm sẽ khiến nhiều người dân lo ngại cảnh nhà xe “chèn ép”, tự ý nâng giá cước trên đường và các ngành chức năng sẽ rất khó quản lý.
Doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa"
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải nên việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến giá thành vận tải.
“Ngày 18/12 vừa qua, ngay sau khi giá xăng dầu có sự điều chỉnh, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các doanh nghiệp vận tải trong đó có đề cập đến việc sẽ điều chỉnh giá cước,” ông Thanh cho hay.
Lý giải thực tế này, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp vận tải đã “oằn mình” chịu nhiều chi phí, việc tăng giá xăng dầu khiến doanh nghiệp vận tải luôn phải “chạy theo đuôi” các doanh nghiệp xăng dầu.
“Trong khi việc tăng giá cước rất nhạy cảm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, vận tải hành khách, hàng hóa chạy hầu hết đều chạy một chiều. Người lao động, sinh viên ở các thành phố lớn phải trở về quê hương ăn tết thì chắc chắn vé tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ‘túi tiền’ của nhiều người dân thông qua vé đi,” ông Thanh đánh giá.
Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội cho rằng, thời gian qua, ngành vận tải chịu nhiều áp lực thua lỗ vì phải đối mặt với đủ các chi phí như phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng. Một số đơn vị vận tải đã phải giải thể hoặc bán lại cổ phần, sáp nhập, bỏ tuyến, bớt chuyến để duy trì sự tồn tại. Vì thế, các doanh nghiệp như đang "ngồi trên đống lửa" sau khi xăng dầu tăng.
“Khi xăng dầu tăng, tùy từng doanh nghiệp vận tải sẽ có quyết định điều chỉnh giá cước hay không và điều chỉnh ở mức nào bởi nếu nâng giá lên dân không chịu được sẽ kéo theo doanh thu thấp. Các doanh nghiệp còn phải chờ xem giá cả xăng dầu còn tăng hay giảm trong thời gian tới để có những quyết sách,” ông Liên nhận định.
Ngoài ra, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, việc nâng giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan nhà nước, phát hành vé, niêm yết giá cước… Chỉ taxi, hợp đồng du lịch sẽ tăng được ngay vì không in vé. Vận tải hành khách tuyến liên tỉnh ít nhất nửa tháng có thể điều chỉnh giá cước.
Ông Vũ Đức Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải Hoàng Long đánh giá, việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm giáp Tết gây áp lực rất lớn lên các hãng xe vận tải.
“Mặc dù doanh nghiệp chưa có lộ trình tăng giá cước trong đợt này, song trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới cùng với việc điều chỉnh giá xăng dầu như vậy thì hãng sẽ xem xét đăng ký tăng giá vé”.
Tuy nhiên, ông Hoàng khuyến cáo, mức tăng cũng như lộ trình tăng trên những cung đường nào, công ty sẽ tính toán sao cho hợp lý.
Chung nhận định đó, đại diện các Hiệp hội Vận tải cũng đưa ra lời khuyên cho nhiều doanh nghiệp vận tải cần phải tự cân đối để có thể tạo mặt bằng giá chung về cước đối với mỗi tuyến bởi, một số đơn vị vận tải tăng mà đơn vị khác không tăng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động vận tải và có thể dẫn tới mất khách…
Xử lý nghiêm xe tự “áp giá”
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình, đến ngày 19/12, bến xe Mỹ Đình đã nhận được đăng ký tăng giá vé xe của 7 doanh nghiệp, với mức tăng không nhiều (từ 5-13%).
“Bến Mỹ Đình đã thông báo tới các đơn vị vận tải nào tăng giá phải đăng ký trước ngày 14/1/2014. Sau ngày này, doanh nghiệp nào không đăng ký phải giữ nguyên giá cước,” ông Tuấn khẳng định.
Có cách nhìn tổng quát, vị Phó Giám đốc này cho rằng, thời hạn đăng ký tăng giá vé vẫn còn khá dài, có thể sau đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vừa rồi, các đơn vị vận tải sẽ phải cân nhắc tăng giá cước.
“Để tránh tình trạng doanh nghiệp không đăng ký tăng giá vé nhưng lại thu cao hơn, bến Mỹ Đình cùng các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, nếu phát hiện hãng xe nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước ở bến nhưng lại “ép giá”, tự thu vé cao đối với hành khách dọc đường, đại diện các đơn vị trong ngành vận tải thừa nhận sẽ rất khó để quản lý những hành vi vi phạm pháp luật của lái xe, doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, hành khách bắt xe dọc đường vừa gây mất an toàn giao thông vừa “thiệt thòi” cho người đi xe.
“Khách hàng vào bến mua vé, được mua đúng giá, được đảm bảo quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp. Còn bắt xe khách dọc đường có thể gặp phải những chuyến xe “dù”, thậm chí bị chèn ép giá, nhồi nhét chỗ ngồi là điều khó tránh khỏi,” ông Tuấn phân tích.
Đưa ra khuyến cáo cho người dân trong hành trình cuối năm, nhiều lãnh đạo làm trong ngành vận tải cho rằng, bản thân người dân đi lại phải tự có trách nhiệm vào bến mua vé được đúng giá, có chỗ ngồi. Doanh nghiệp vận tải nào không đăng ký tăng giá vé nhưng lại thu cao hơn nếu bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ xử lý nghiêm, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Chiều mua vào của các công ty và ngân hàng đồng loạt giảm về mức 34,9 triệu đồng/lượng, bán ra 35,1 triệu đồng/lượng.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ 3G, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát, bảo đảm việc điều chỉnh giá cước viễn thông tuân thủ đúng quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về giá.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm, tính đến ngày 18/12, cả nước đã thu được hơn 5.200 tỷ đồng tiền phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện ô tô và xe cơ giới.