Năng động làm giàu
- Cập nhật: Thứ ba, 7/1/2014 | 8:30:50 AM
YBĐT - Từ một thương binh xuất ngũ về địa phương năm 1987, với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Công Nghĩa không những đã làm giàu cho gia đình mình mà còn chia sẻ, chung tay cùng đồng đội góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Mặt hàng chiếu pơ mu của Hợp tác xã 27-7 xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Á.
|
Chị Trương Hồng Loan, xã viên Hợp tác xã (HTX) Mộc dân dụng 27 - 7 Sơn Thịnh (Văn Chấn) do ông Nguyễn Công Nghĩa làm Chủ nhiệm có thói quen phân loại các loại hạt gỗ pơ mu thành các lô màu đậm, nhạt trước khi dùng chỉ nilon khâu thành các vật dụng: chiếu ngủ, thảm nằm, thảm ngồi hay đệm lót ghế ô tô. Làm như vậy sẽ tạo nên các hoa văn hay sự đồng màu của mặt đệm, tùy theo ý khách đặt hàng. Tuy mới vào làm việc ở HTX được gần 5 năm nhưng nhờ tinh ý, khéo tay, thảm, đệm do chị tạo ra luôn đạt chất lượng kĩ thuật và mĩ thuật, được khách mua hài lòng.
Nhờ những người như chị sản phẩm do HTX làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy. Thu nhập của bản thân chị Loan đạt bình quân 2 triệu đến 3 triệu đồng một tháng, một mức thu khá so với những người lao động thuần nông tại Sơn Thịnh.
Tổ sản xuất thảm hạt có gần 10 công nhân, được chia thành các bộ phận: điều khiển máy cưa - cắt gỗ nguyên liệu thành tấm có độ dày đủ đường kính hạt thảm; bộ phận gia công hạt bằng máy xoay từ hai phía; bộ phận đánh bóng hạt kết hợp sao sấy tạo màu, tạo hương bằng chính tinh dầu gỗ pơ mu. Biện pháp này rất khác với một số cơ sở chế biến khác là chỉ đem phơi nắng cho khô chứ không sao sấy, đánh bóng hạt bằng lồng quay nhiệt.
Chính nét riêng biệt này của HTX Mộc dân dụng 27-7 Sơn Thịnh đã tạo nên chất lượng riêng có của thảm hạt, có độ bóng, luôn tỏa hương thơm. Những mặt hàng này, HTX chủ yếu xuất sang các nước Đông Á, nơi người dân rất chuộng sản phẩm được làm từ gỗ tốt lại có mùi hương đặc trưng.
Từ nguồn vật tư là gỗ rừng mà chủ yếu là gỗ pơ mu do trận lũ lịch sử, tháng 9/2005 dồn đến đầy ắp vườn nhà, Chủ nhiệm HTX - ông Nguyễn Công Nghĩa nhanh chóng cho thu dọn, lập hàng rào bảo vệ rồi đến tận các cơ sở kiểm lâm, chi cục thuế làm thủ tục nộp thuế tài nguyên. Hàng trăm mét khối gỗ nguyên cả cây dài hàng chục mét, các đoạn gỗ đường kính 70cm - 80cm đến các đoạn gốc, ngọn, cành, hầu hết là gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi do lũ Ngòi Nhì vun hết vào vườn nhà.
Ông Nghĩa nhanh chóng phân loại gỗ sẽ dùng đóng đồ mộc cao cấp, gỗ để chế biến các loại ván ốp trần, tường nhà. Số còn lại, ông tổ chức mua máy chế biến thành hạt gỗ để sản xuất thảm, đệm hạt. Những mẩu vụn gỗ pơ mu do chế tác đồ mộc dân dụng, hạt thảm loại ra hoặc do vỡ, giập không dùng sản xuất được, ông cho mua dụng cụ để chưng cất tinh dầu. Bã gỗ hết tinh dầu loại ra lại biến thành nguyên liệu làm củi đốt lò nấu, cấp nhiệt cho lồng sao đánh bóng hạt gỗ. Có nghĩa là ông tận dụng hết mọi nguồn lực.
Cũng từ nguồn nguyên liệu này, ông Nghĩa mời thêm các anh em là thương binh, bộ đội phục viên tham gia chế biến đồ gỗ rồi lập HTX sản xuất, kinh doanh các loại đồ gỗ dân dụng và xây dựng, tạo việc làm cho con em đồng đội ở địa phương có thêm thu nhập. HTX Mộc dân dụng 27-7 Sơn Thịnh ra đời ngoài tăng thêm thu nhập cho các gia đình xã viên còn đóng góp vào ngân sách địa phương mỗi năm 400 triệu đồng trở lên.
Hợp tác xã 27-7 tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.
Sản phẩm mộc do HTX làm ra từ những bộ salon giả cổ cao cấp, salon theo mẫu nhập khẩu từ nước ngoài đến tủ, bàn, giường, ghế các loại đều được khách hàng đón nhận. Nhiều đơn hàng từ thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và các huyện, tỉnh bạn đã có người tìm đến đặt mua. Khai thác, chế biến sâu gỗ rừng trồng thành gỗ bao bì, gỗ xây dựng, gỗ nguyên liệu xuất khẩu cũng được HTX chú trọng mở cơ sở khai thác, chế biến. HTX còn đặt vài cơ sở giao dịch, xuất bán sản phẩm cho khách hàng tại chính nhà riêng của các thành viên và mở cả cơ sở trên tuyến quốc lộ 32.
Nhận thấy sự độc đáo của các loại hương liệu, tinh dầu được chiết xuất từ nguồn thực vật bản địa, ngay từ những ngày đầu tổ chức gia công, sản xuất đồ mộc dân dụng, ông Nghĩa đã đầu tư xây dựng cơ sở để chiết xuất tinh dầu gỗ pơ mu; tới tận cơ sở chế biến để xem xét, học hỏi kinh nghiệm; mời chuyên gia cơ khí tới tư vấn, gia công dụng cụ chưng cất tinh dầu, xây dựng bếp, lò, bố trí chỗ đặt nồi nấu, hệ thống ngưng hơi, lọc tinh dầu đảm bảo độ tinh khiết của sản phẩm tinh dầu tạo ra. Bây giờ, ngoài tinh dầu pơ mu, gia đình ông còn chưng cất được hàng loạt các loại tinh dầu khác như: tinh dầu trầm hương, thông… sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đấy. Ông Nghĩa dự định thời gian tới sẽ chưng cất thêm một số loại tinh dầu độc đáo, quí hiếm hơn để tăng giá trị hàng hóa tham gia vào thị trường xuất khẩu của tỉnh.
Hệ thống ao nuôi ba ba của gia đình ông Nguyễn Công Nghĩa.
Cửa Nhì - Sơn Thịnh những năm trước đây được coi là rừng nhãn của huyện Văn Chấn. Nhãn mọc um tùm sâu vào các vườn nhà người dân. Đến mùa nhãn, khách đến hỏi mua nườm nượp. Đó là thời mà nghề làm long nhãn lên ngôi khiến một vùng của Đồng Khê - Văn Chấn đến tận thị xã Nghĩa Lộ đâu đâu cũng có lò sấy nhãn. Long nhãn làm cho cây nhãn lên ngôi. Nhưng rồi nghề làm long nhãn cũng mai một dần. Mọi người lại lặng lẽ chặt nhãn, đổi sang cây trồng khác. Nắm bắt được sự tình, ông Nghĩa tìm mối nhập khẩu than từ cây gỗ nhãn bán sang Hàn Quốc để sử dụng làm than hoạt tính trong ngành công nghiệp môi trường và đứng ra tổ chức thu mua gỗ nhãn.
Để lấy được than nhãn xuất khẩu, ông Nghĩa phải sử dụng cả chuyên gia hướng dẫn xây lò hầm, phương cách làm than hoạt tính. Có được như vậy, than nhãn của HTX làm ra đã được đối tác chấp nhận xuất khẩu đi nước ngoài. Cũng qua đó, bà con trong vùng có cơ hội, đổi mới cây trồng lại có nguồn thu nhập.
Phát huy lợi thế vườn nhà có tới hai dòng suối hội tụ, từ năm 2010, gia đình ông Nghĩa đã thuê máy móc, nhân công đào ao, xây dựng hàng loạt ao nuôi ba ba gai. Bằng sự chính xác trong kĩ thuật xây bể, ao nuôi, nắm vững kiến thức chăm sóc, bảo vệ loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao, đến nay, nuôi ba ba tại Sơn Thịnh của ông Nghĩa đã thu được kết quả khả quan. Ba ba sinh trưởng và phát triển tốt, có không dưới 1.000 con (có loại nặng khoảng 6 - 7 kg), ước đạt giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng. Một tài sản đáng nể từ sự năng động, dám nghĩ, dám làm của gia đình ông. Điều đặc biệt, việc nuôi ba ba theo ông Nghĩa đã phát triển thành phong trào ở nhiều xã phía trong của huyện Văn Chấn.
Từ một thương binh xuất ngũ về địa phương năm 1987, với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Công Nghĩa không những đã làm giàu cho gia đình mình mà còn chia sẻ, chung tay cùng đồng đội góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Ngày 18/12/2013, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 17557/BTC-TCT về việc triển khai thực hiện một số quy định có hiệu lực từ 01/01/2014 tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội) Thái Phúc Thành cho biết với tinh thần "Không để một hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết", Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo trợ xã hội tập trung rà soát các nhóm thiếu đói sau thảm họa thiên tai vừa qua để cứu trợ.
Bộ TN&MT cho biết, tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận sử dụng đất (sổ đỏ) hiện còn nhiều, với tổng số khoảng 500.000 giấy chứng nhận chưa được trao cho người sử dụng.
YBĐT - Cũng như mọi năm, đào, quất, hoa cúc, hoa hồng, hoa ly… vẫn là những loại hoa truyền thống được các nhà vườn trồng nhiều để phục vụ dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với thời tiết rét đậm kéo dài như năm nay đã khiến người trồng hoa ở Yên Bái không khỏi bồn chồn, lo lắng vì với bao công chăm sóc nhưng do thời tiết quá lạnh nên hoa không chịu nở.