Thâm canh hơn mở rộng

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/2/2014 | 10:33:39 AM

YBĐT - Cây tre Bát Độ đã được đưa vào trồng ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) từ năm 2003, đến nay đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo chủ lực cho nhiều hộ dân ở các xã vùng đặc biệt khó khăn như Kiên Thành, Hồng Ca, Tân Đồng, Y Can, Hưng Khánh…

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhân dân cách cải tạo diện tích tre già cỗi.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhân dân cách cải tạo diện tích tre già cỗi.

10 năm qua, cây tre Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 - 3 lần so với cây trồng khác trên đất đồi rừng, đã khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, từ năm 2012 trở về trước,  huyện luôn quan tâm mở rộng loại cây này ở các xã có nhiều diện tích đất lâm nghiệp. Hiện nay, địa phương chuyển hướng chú trọng thâm canh, chăm sóc và cải tạo những diện tích già cỗi quan trọng hơn mở rộng diện tích.

Tổng diện tích tre măng Bát Độ của Trấn Yên gần 2.100ha, trong đó xã Kiên Thành chiếm 50% diện tích, còn lại ở các xã: Hồng Ca, Tân Đồng, Hưng Khánh, Hưng Thịnh. Trong năm 2012 và 2013, toàn huyện đã trồng mới hơn 700ha. Tuy nhiên thực tế hiện nay, năng suất, sản lượng măng Bát Độ chưa đạt được so với tiềm năng và diện tích.

Nguyên nhân chủ yếu là nhiều diện tích người dân chỉ quan tâm khai thác chứ không đầu tư thâm canh, rất ít diện tích được bón phân hàng năm; việc chăm sóc, dọn tỉa, vệ sinh vườn tre và khai thác măng chưa áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên năng suất măng tre ở những diện tích trồng lâu năm đang có chiều hướng giảm dần. Hiện nay, sản lượng măng vỏ tươi hàng năm của huyện đạt từ 15.000 - 17.000 tấn, trị giá trên 20 tỷ đồng, thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/ha.

Để nâng cao năng suất và sản lượng măng, Ban Quản lí Dự án tre Bát Độ huyện Trấn Yên hiện tập trung hướng dẫn kỹ thuật và vận động nhân dân chú trọng thâm canh chăm sóc.

Bà Trần Thị Hoàn Liên - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tập trung hướng dẫn người dân chú trọng thâm canh diện tích tre Bát Độ thay cho mở rộng diện tích. Vì đối với mỗi một khóm tre chỉ cần tăng thêm 1 ngọn thì 1ha trung bình 600 khóm sẽ tăng thêm khoảng 2 tấn. Như vậy sẽ tăng sản lượng măng vỏ tươi của gần 1.500ha tre kinh doanh thêm 3.000 tấn”.

Đến năm 2013, diện tích tre Bát Độ kinh doanh của cả huyện Trấn Yên hầu hết có tình trạng để nhiều cây mẹ, để nhiều củ treo, củ nổi, củ kẹp khiến cho khóm tre không còn khoảng trống để sinh măng mới. Ngoài ra, việc chặt tỉa tay tre, vệ sinh khóm cũng hạn chế: các hộ dân chưa làm tốt khâu vệ sinh, làm cỏ nên khóm tre không thể tập trung dinh dưỡng nuôi cây mẹ và sinh măng mới. Hơn thế, các hộ dân chưa bón phân thâm canh và đây là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng măng nhỏ, mỏng, giảm năng suất và sản lượng.

Trong khâu thu hoạch, người dân làm không đúng kỹ thuật, không chặt măng sát mặt đất, dẫn đến phần ống măng chừa lại tạo thành củ nổi, củ treo…

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tre Bát Độ và duy trì ổn định, bền vững vùng nguyên liệu, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, từ năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên” tại một số xã vùng trọng điểm. Năm 2013, đơn vị tiếp tục triển khai mô hình “Thâm canh tre Bát Độ” với quy mô 5ha tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca. Để các mô hình được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao, các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vật tư, phân bón.

Với phương châm cầm tay chỉ việc, các hộ dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cách chăm sóc, chặt tỉa củ treo, củ nổi, kỹ thuật để cây mẹ, kỹ thuật bón phân và thu hoạch, sơ chế măng. Bà Trần Thị Hoàn Liên - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã có vùng nguyên liệu vận động nhân dân chăm sóc tre theo 2 giai đoạn, tháng 12/2013 và tháng 1/2014 là chặt tỉa, vệ sinh vườn tre và tháng 2 đến tháng 3/2014 tập trung bón phân cho tre”.

Kết quả bước đầu cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh diện tích tre Bát Độ đã có tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng măng như: tre sinh trưởng tốt, măng ra sớm hơn, tăng số lượng măng/khóm, tăng số lứa thu hoạch trong năm, hạn chế sâu bệnh… Chính vì vậy, thay vì tập trung tìm đất mở rộng diện tích, người dân nên coi trọng việc chăm sóc, cải tạo, thâm canh diện tích hiện có để tạo nguồn thu nhập ổn định, lâu dài.

Thanh Tiến
 

Các tin khác
Hình minh họa.

Đó là thông điệp của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từ những ngày đầu tiên của năm Giáp Ngọ cùng với cam kết tiếp tục giữ ổn định tỷ giá trong năm nay.

Chỉ số PMI ngành sản xuất và các chỉ số phụ. Nguồn:HSBC

Sau dữ liệu về chỉ số PMI ngành sản xuất, ngân hàng HSBC đã đưa ra nhận định, dù nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng tình hình xấu nhất dường như đã qua.

Niềm vui được mùa bí đỏ.

YBĐT - Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) đã phát triển, mở rộng những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, góp phần ổn định đời sống, vươn lên khá, giàu.

Những ngày đầu năm 2014, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đồng loạt mở biển, bắt đầu cho mùa khai thác mới trên vùng biển Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục