Yên Bái chủ động phòng dịch cúm gia cầm A (H5N1) và cúm A (H7N9)
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2014 | 8:38:43 AM
YBĐT - Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa xảy ra dịch nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A (H5N1) và cúm A (H7N9) thì nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào mà Yên Bái cũng không ngoại lệ.
Các cơ sở chăn nuôi cần chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm A(H5N1) và cúm A (H7N9).
|
Phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Bình Nguyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A (H5N1) và cúm A (H7N9).
PV: Xin ông cho biết diễn biến của dịch cúm gia cầm A (H5N1) và cúm A (H7N9)?
Ông Đặng Bình Nguyên: Theo thông báo từ Cục Thú y, đến ngày 9/1/2014, cả nước có tỉnh Bắc Ninh có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Theo thông tin của Bộ Y tế, từ năm 2003 đến nay, có 127 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1) trên người, 64 người tử vong (chỉ tính từ ngày 18 - 28/1/2014 đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm A (H5N1) tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp).
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao trở lại, riêng trong 2 tháng của năm 2014 đã ghi nhận 10 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ tháng 3 năm 2013 đến nay, Trung Quốc có 298 trường hợp mắc cúm A (H7N9), trong đó 63 trường hợp tử vong. Số lượng các trường hợp mắc cúm A (H7N9) tăng liên tiếp trong những tuần gần đây khi bắt đầu vào mùa đông xuân. Tại Hồng Kông và Đài Loan cũng đã báo cáo có trường hợp bệnh nhân sau khi trở về từ Trung Quốc lục địa.
- Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong và ngoài nước, ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng đối với tỉnh Yên Bái?
Mặc dù trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng hiện nay, một số tỉnh miền Bắc như: Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa… đã có dịch, trong khi dịch cúm A (H7N9) cũng đang tiến sát vào các tỉnh biên giới Việt Nam. Bên cạnh đó, mức độ tiêu thụ gia cầm trước, trong và sau tết tăng cao, người dân đang chuẩn bị tái đàn; tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra; thời gian tới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, làm giảm sức đề kháng, gia cầm rất dễ mắc bệnh… nên chúng ta không được chủ quan và cần chủ động phòng chống.
- Để phòng chống dịch bệnh tốt, Chi cục Thú y tỉnh có những biện pháp gì, thưa ông?
Căn cứ tình hình dịch tễ của tỉnh, Chi cục đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái trình Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu cho ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát dịch; chuẩn bị các phương tiện, nguồn kinh phí sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch.
Cán bộ thú y phun khử trùng gà giống không rõ nguồn gốc để tiêu hủy.
Bên cạnh đó, đơn vị tham mưu cho UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh cúm gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; tăng cường kiểm tra địa bàn, phát hiện kịp thời gia cầm mắc bệnh, chết nghi do bệnh cúm gia cầm để xử lý kịp thời; phân công cán bộ theo dõi tình hình dịch cúm gia cầm tại địa bàn, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh.
Khi có gia cầm chết nhiều không rõ nguyên nhân, chết do nghi ngờ mắc bệnh cúm gia cầm phải nhanh chóng tổ chức thực hiện khoanh vùng, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý ổ dịch; phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn và tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời phối hợp với đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền tới người chăn nuôi về nguy cơ và tác hại của bệnh cúm gia cầm; quy định trong công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên và khi mua gia cầm giống phải biết rõ nguồn gốc.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chủ động phòng chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau: 1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương vàđơn vị thú y trên địa bàn. 4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị. |
H.D (thực hiện)
Các tin khác
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn, theo thông lệ hàng năm, giá sữa tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định.
Ngày 13-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm trung ương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thông qua kế hoạch “đối phó” với cúm H7N9.
YBĐT - Tính đến thời điểm này, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã gieo cấy được 2.000/2.543 ha lúa đông xuân 2013 - 2014 và dự kiến đến hết ngày 15/2 toàn huyện sẽ hoàn thành 100% diện tích gieo cấy trong khu thời vụ, tạo tiền đề cho một vụ đông xuân thắng lợi.
YBĐT - Thành lập tháng 3/1965, huyện Văn Yên (Yên Bái) chỉ có 25 đơn vị hành chính với tổng dân số 22.000 người. Những ngày đầu, nền kinh tế chủ yếu là tự túc, tự cấp, sản xuất lạc hậu. Các thế mạnh về cây lâm nghiệp, nghề rừng, chăn nuôi chưa được phát huy; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp manh mún, số người mù chữ chiếm tỷ lệ cao, đời sống của nhân dân các dân tộc gặp rất nhiều khó khăn.