Phát triển nuôi lợn theo hướng hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2014 | 10:13:28 AM

YBĐT - Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh các giải pháp cải tạo và thay thế giống vật nuôi, đưa vào nhiều giống lợn mới hiệu quả cao, ngành chăn nuôi lợn ở thành phố Yên Bái đã và đang có những chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa.

Công nhân Công ty TNHH Bình An tiêm phòng cho lợn con.
Công nhân Công ty TNHH Bình An tiêm phòng cho lợn con.

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi tập trung, giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, trước đây, chăn nuôi lợn ở thành phố chủ yếu là quảng canh nhỏ lẻ, theo phương thức chăn nuôi tận dụng nên hiệu quả thấp. Mặc dù là thành phố nhưng hiện nay trên địa bàn, nhất là ở các xã, phường như: Tân Thịnh, Văn Phú, Giới Phiên, Tuy Lộc, Nam Cường… người dân phát triển kinh tế chủ yếu từ chăn nuôi.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển chăn nuôi trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế,  thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa thông qua các chính sách kích cầu của tỉnh. Từ những giải pháp và cách làm đúng đắn mà chăn nuôi lợn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung.

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Bình An với hai khu chăn nuôi dành riêng cho lợn nái và lợn thịt tại xã Minh Bảo và phường Đồng Tâm, chúng tôi thấy rõ quy mô, cách làm bài bản từ khâu chăm sóc, vệ sinh, thú y…

Vệ sinh chuồng trại.

Hiện nay, trang trại có 220 lợn nái và trên 1.700 con lợn thịt. Bà Đặng Thị Tuyết - Giám đốc Công ty cho biết: "Đầu tư vào chăn nuôi lớn, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì cho thu nhập cao nhưng hiện nay, người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng mà giá lợn thì thấp. Để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn được bền vững, chúng tôi rất mong có sự quan tâm của tỉnh, thành phố trong việc vay vốn".

Bên cạnh khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, thành phố cũng chỉ đạo nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi 20 lợn nái, 50 - 100 lợn thịt và chăn nuôi các giống lợn rừng lai…. Tân Thịnh là địa phương có phong trào chăn nuôi lợn phát triển. Trong năm 2013, xã thực hiện 43 dự án lợn nái và lợn thịt.

Các dự án đều được duy trì và phát triển tốt. Hiện nay, tổng đàn lợn của xã có 4.300 con, trong đó: 280 con lợn nái, 1.500 con lợn giống và 2.520 con lợn thịt. Sản lượng thịt xuất chuồng năm 2013 đạt 250 tấn, cho thu nhập trên 10 tỷ đồng.

Từ chăn nuôi lợn đã giúp nhiều hộ có cuộc sống khá, thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm như hộ ông Lê Đình Ninh, Vương Thị Yên - thôn 3 Thanh Hùng, Vũ Văn Thấu - thôn Trấn Ninh 3, Nguyễn Đình Đô - thôn 3 Lương Thịnh, Tạ Thị Mai - thôn 11…

Cùng với phát triển các mô hình giống lợn thông thường, thành phố còn khuyến khích người dân chăn nuôi lợn rừng lai. Điển hình như mô chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Huy Tâm, thôn 3, xã Văn Phú thường xuyên duy trì trên 40 con lợn nái và 200 con lợn thịt lai lợn rừng.

Không ngừng học hỏi, tìm hiểu sách báo, tiếp cận tri thức mới, kỹ thuật mới, kết hợp với kinh nghiệm đúc kết của bản thân nên mô hình của gia đình ông phát triển tốt, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố, từ năm 2008 - 2013, thành phố thực hiện 192 dự án chăn nuôi lợn, trong đó là 91 dự án lợn thịt, 101 dự án lợn nái và hàng trăm hộ chăn nuôi vài chục con/lứa, rải rác ở các xã, phường.

Bà Trần Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng cho biết: "Chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa thời gian qua trên địa bàn đã tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hiệu quả cao, từng bước kiểm soát được chất lượng sản phẩm, kiểm soát được tình hình dịch bệnh".

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, các mô hình trang trại quy mô công nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn mà còn giúp cho người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là chăm sóc, phòng chống dịch bệnh đồng thời có tác động trực tiếp đến việc thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân. Người chăn nuôi đã biết lấy nhu cầu tiêu thụ của thị trường để tìm hướng đi cho sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Mặt khác, các chính sách khuyến khích của tỉnh, của thành phố đối với các hộ chăn nuôi đã tác động tích cực đến việc phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Hồng Duyên

Các tin khác
Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giá vàng SJC vẫn cao ở mức kỷ lục 85,2 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 28/4, giá vàng SJC vẫn giữ ở mức kỷ lục 83 - 85,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới niêm yết ở mức 2.337,4 USD/oz.

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục