Nỗ lực phòng, chống cháy rừng mùa khô hanh

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/4/2014 | 9:32:56 AM

YBĐT - Mặc dù đã cuối mùa khô hanh nhưng cháy rừng vẫn trở thành vấn đề nóng bỏng ở nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện, thị phía Tây của tỉnh Yên Bái. Từ đầu mùa khô đến nay, đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng qui mô lớn. "Nóng" nhất là huyện vùng cao Trạm Tấu với 2 vụ tại hai xã Bản Mù và Túc Đán làm thiệt hại trên 554ha rừng trồng.

Cán bộ kiểm lâm Trạm Tấu trao đổi về thực địa diện tích quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn với các tổ bảo vệ rừng.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Cán bộ kiểm lâm Trạm Tấu trao đổi về thực địa diện tích quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn với các tổ bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Năm nào cũng thế, ở các huyện vùng cao thường xảy ra cháy rừng. "Nóng" hơn cả là các huyện thị phía Tây của tỉnh - nơi có khí hậu khắc nghiệt cùng tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào. Một ngọn lửa nhỏ cũng có thể thiêu trụi hàng chục đến hàng trăm ha rừng. Nếu để xảy ra các vụ cháy rừng thì tốc độ trồng rừng không bù lại tốc độ cháy rừng. Vì vậy, cứ bước vào mùa khô hanh là các chiến sỹ kiểm lâm lại sẵn sàng túc trực.

Ông Hoàng Thái Học - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bản Dõng cho biết:  "Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, nhiệt độ thay đổi thất thường, mùa mưa dứt sớm, nhiệt độ cứ tăng dần làm cho cây thực bì khô héo, nhiều vạt rừng đã úa vàng... Do vậy, để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, Trạm đã phải tổ chức khoanh vùng các khu vực dễ xảy ra cháy rừng và đề ra các phương án PCCR cụ thể".

Có thể nói, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở các huyện vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn do nhiều tháng qua trên địa bàn nắng nóng kéo dài liên tục làm cho lớp thực bì chủ yếu là cây bụi, cỏ tranh kết hợp với cây rừng rụng lá đã tạo thành lớp thực vật dày rất dễ bén lửa. Tình trạng người dân đốt bãi chăn thả, mang lửa vào rừng lấy ong vẫn diễn ra.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì ngoài yếu tố bất lợi của thời tiết thì có đến trên 90% các vụ cháy rừng do tác động của con người. Mặt khác địa hình đồi núi ở đây khá phức tạp, độ dốc lớn nên việc điều động phương tiện, dụng cụ chữa cháy gặp rất nhiều trở ngại.

Với quyết tâm bảo vệ những cánh rừng, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đỗ Cường Minh cho biết: "Bước vào mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên triển khai các chỉ thị, công văn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm chỉ đạo UBND các cấp, các ngành và các chủ rừng tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng; kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, các tổ đội  trực phòng cháy, chữa cháy chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng; cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn cơ sở kể cả các ngày nghỉ, ký cam kết với các trưởng thôn, trưởng bản không đốt nương vào ngày nắng nóng và đốt có kiểm soát..".

Mặc dù Chi cục Kiểm lâm và các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra việc PCCR tại các địa phương và các chủ rừng nhưng do mùa khô năm 2014 nắng nóng kéo dài hơn những năm trước và do việc kiểm soát người ra vào rừng của các chủ rừng chưa thực hiện nghiêm ngặt nên trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại 617,1ha (rừng trồng 615,9ha; rừng khoanh nuôi tái sinh 1,2ha) chủ yếu tập trung ở các huyện phía tây. Thiệt hại lớn nhất là huyện Trạm Tấu xảy ra 2 vụ cháy tại  xã Bản Mù và Túc Đán với diện tích lên đến 554,5ha rừng trồng trữ lượng thấp.

Từ các vụ cháy rừng này có thể nhận thấy công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy bước đầu đã được triển khai nhưng còn nhiều hạn chế. Hiện tại, chỉ mới dự báo nguy cơ cháy rừng ở phạm vi rộng, chưa dự báo chi tiết ở phạm vi hẹp, những trọng điểm có nguy cơ cháy cao, khả năng phát hiện sớm lửa rừng còn nhiều hạn chế nên chưa chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy kịp thời.

Lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ là nòng cốt trong công tác PCCR nhưng lại rất mỏng và phân tán, đặc biệt không có lực lượng chữa cháy rừng chủ lực; đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy, thông tin liên lạc chưa đáp ứng được yêu cầu (chủ yếu là dụng cụ thô sơ, cành cây); công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các cấp chính quyền cơ sở còn hạn chế.

Chủ trương xã hội hóa công tác PCCR bước đầu được thực hiện, song vai trò của chủ rừng chưa cao, một số chủ rừng và cộng đồng địa phương chưa chủ động trong việc thực hiện các biện pháp PCCR, chưa phát huy vai trò trong việc phát hiện sớm lửa rừng để tổ chức xử lý khi đám cháy mới phát sinh.

Để hạn chế cháy rừng, đặc biệt là  ở các địa bàn "nóng", cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền  cho nhân dân, chủ rừng, các ban quản lý rừng nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và PCCR; trồng rừng theo đúng quy định phải có đường băng cản lửa; vào thời điểm nắng nóng  tuyệt đối không mang lửa vào rừng, khi đốt nương phải báo cáo với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đốt đúng kỹ thuật; kiểm lâm cùng chính quyền địa phương thường xuyên đi kiểm tra công tác PCCR.

Ở các địa phương nơi có đồng bào phát nương làm rẫy cần tăng cường công tác tuyên truyền, đi đôi với việc quy hoạch nương rẫy, hoàn thiện các quy định về PCCR trong canh tác nương rẫy, áp dụng các biện pháp không dùng lửa trong canh tác, kết hợp với thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động này; tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy.

Được biết, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với lực lượng công an trang bị bộ đàm phục vụ công tác thông tin ở vùng sâu vùng xa, bởi thực tế có những điểm cháy rừng cách trung tâm các xã 7-8 giờ đồng hồ đi bộ, thông tin liên lạc không có, rất khó khăn cho công tác chỉ huy chữa cháy. Như vậy sẽ có thêm điều kiện thuận lợi phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Văn Thông

Các tin khác
Người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch cho vật nuôi.

YBĐT - Sau vài năm tạm lắng, dịch lở mồm long móng (LMLM) bỗng xuất hiện trở lại tại địa bàn đầu tiên là xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Nhận thức rõ hậu quả nếu lây lan dịch bệnh, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương lúc này đang khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại đến mức tối đa.

Sáng nay (28/4), tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”.

Ủy ban KTQH dự báo, giá cả năm nay không có biến động lớn như các năm trước

Giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu vẫn tiếp tục được điều chỉnh, song ít có biến động lớn như các năm trước.

Mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng được nhu cầu sẽ được nâng lên 50 triệu đồng/hộ thay vì 30 triệu đồng/hộ như hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục