Đất nở hoa
- Cập nhật: Thứ năm, 15/5/2014 | 9:01:18 AM
YBĐT - Thị trấn Yên Thế (Lục Yên) có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, bằng phẳng, phì nhiêu. Đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng… ở đây giàu kinh nghiệm canh tác nên đồng ruộng của thị trấn là một phần quan trọng của vựa lúa Lục Yên.
Ông Đỗ Đình Sắc (bên trái) phổ biến kinh nghiệm trồng, chăm sóc phật thủ cho người dân cùng thôn.
|
Ngoài ra, người dân địa phương còn có truyền thống trồng nhiều loại rau màu hàng hóa trên đất vốn trước đây trồng lúa như lạc, đậu, rau xanh, khoai tây, nhất là giống cà pháo đặc sản ngon, giòn. Sản phẩm từ đồng ruộng đã cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân.
Trong những năm gần đây, không ít hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Vi Quốc Đạt - người dân tộc Tày làm kinh tế giỏi ở thôn Thoóc Phưa. Tích cực tìm tòi và đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó ông mạnh dạn đưa cây hoa vào trồng trên đất ruộng vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Cùng trong thôn Thoóc Phưa, bà Nông Thị Chuyển trước đây cuộc sống khá khó khăn, có lúc phải đi làm thuê nhưng nhờ trồng hoa mà quãng chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế gia đình đã ngày càng được cải thiện. Bà Chuyển cho biết, trồng hoa cũng không quá vất vả như trồng lúa, rau màu và bà hiện là một người có bề dày kinh nghiệm trồng hoa cúc ở thị trấn Yên Thế.
Cùng với cây hoa, Yên Thế còn được ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng các loại cây có múi. Vì thế, trên diện tích đất khoảng 2.000m2, gia đình ông Đỗ Trí Thức ở thôn Đồng Phú nhiều năm qua đã phát triển cây cam, quýt, quất theo hướng cây cảnh phục vụ dịp tết. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Thức chăm sóc những loại cây này vừa sai quả, quả màu sắc đẹp, lá tươi và kích cỡ to, nhỏ khác nhau để đặt vào chậu cảnh trưng bày ngày tết. Có những cây quýt cảnh giá bán từ 4 đến 5 triệu đồng.
Đặc biệt, ông Thức còn công phu ghép loại cây ngũ quả (5 loại quả) gồm: phật thủ, cam, quýt, chanh hồng, chanh vàng để bán mỗi cây từ 5 đến 7 triệu đồng. Ông Thức khiêm tốn cho biết, thu hoạch riêng từ vườn cam, quýt cảnh, mỗi năm cũng đạt 60 đến 70 triệu đồng.
Ông Đỗ Trí Thức bên cây ngũ quả có giá 7 triệu đồng.
Liền kề với gia đình ông Thức là ông Đỗ Đình Sắc - người đầu tiên đưa cây phật thủ về trồng ở Lục Yên. Cơ duyên đưa loại cây này về trồng do trước đây, ông là người tiên phong về chuyển đổi đất ruộng sang trồng rau và cung cấp các giống rau cho bà con trong vùng. Làm nghề rau nên ông quen nhiều người ở vùng rau Hoài Đức (Hà Nội). Rồi những người ở Hoài Đức đã nhờ ông tìm kiếm giúp giống cây phật thủ. Sau này, những người ấy trở nên giàu có thì họ lại khuyên ông Sắc nên trồng ở Lục Yên và họ sẽ bao tiêu sản phẩm.
Đến nay, ông Sắc đã trồng phật thủ được 3 năm và có 1ha phật thủ với 2.000 gốc, trong đó 200 gốc 3 tuổi cho thu hoạch ổn định và số còn lại từ 1 đến 2 tuổi. Cái hay của trồng phật thủ là không quá vất vả mà ngay năm đầu tiên trồng cành chiết đã cho thu từ 5 đến 7 quả, tuổi cây khai thác quả sung sức trong vòng 10 năm mới phải trồng lại. Một năm, phật thủ cho thu hai vụ vào tháng 5 và dịp tết.
Với diện tích này, ông Sắc cho biết, vụ tháng 5 năm 2013, ông đã thu khoảng 150 triệu đồng, đủ để chi phí công thuê lao động, tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Còn riêng vụ Tết Giáp Ngọ vừa qua, ông thu khoảng 350 triệu đồng và đó là số tiền lời của cả năm trồng phật thủ.
Ông Sắc cho biết thêm, hiện nay, thị trường phật thủ vẫn rất tiềm năng vì vụ tháng 5 bán phật thủ thái mỏng phơi một nắng cho thương lái xuất sang Trung Quốc; còn với quả tươi bán trong nước vào dịp tết, thị trường vẫn rất rộng mở do mới chỉ có Hoài Đức trồng nhiều nhất. Với tiềm năng kinh tế như vậy, hiện tại, ở thị trấn Yên Thế có nhiều người phát triển loại cây này như ông Nguyễn Văn Hưng cùng thôn Đồng Phú; ông Hà Văn Thuần, Nguyễn Văn Vượng, Đỗ Minh Thuần ở thôn Thoóc Phưa…
Bà Hoàng Thị Bài - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Yên Thế bày tỏ: “Điều phấn khởi là những năm gần đây, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng đều đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, Hội Nông dân thị trấn luôn sát cánh để hỗ trợ hội viên theo chức năng của Hội như tổ chức tham quan mô hình; phối hợp xây dựng mô hình điểm; thông tin thị trường; phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp để giải quyết các vấn đề liên quan đến vay vốn sản xuất… Thông qua các giải pháp đó sẽ giúp hội viên phát huy sự năng động và các tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Hiện nay nhà thầu Marubeni (Nhật Bản) đang tập trung hoàn thiện những khâu cuối cùng phấn đấu bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tháng 6/2014.
Giá vàng SJC tăng 190.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 230.000 đồng/lượng so với khi mở cửa.
YBĐT - Hoạt động trong bối cảnh khó khăn, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa nhưng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có một HTX đang đem lại hiệu quả thiết thực cho xã viên. Đó là HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa An.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định thu phụ phí đối với chủ thẻ khi thanh toán là trái quy định.