Chi thường xuyên sai qui định đang gia tăng tại các địa phương
- Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2014 | 2:13:57 PM
Chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
|
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý chi NSNN năm 2012 vẫn còn một số tồn tại.
Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán.
Mặc dù tình trạng chi vượt chế độ, tiêu chuẩn, định mức đã dần được khắc phục, công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan, đơn vị cấp trên và hệ thống Kho bạc Nhà nước được tăng cường, nhưng sai phạm này đang có dấu hiệu gia tăng tại các địa phương. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi 648 tỷ đồng do chi sai chế độ tại 34/34 địa phương, tăng 452 tỷ đồng so với năm 2011.
Trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp (tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng) thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), trong đó có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30% so với dự toán đầu năm. Bên cạnh đó, một số địa phương chi hỗ trợ không đúng chế độ quy định, một số địa phương hụt thu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN.
Chi thường xuyên năm 2012 vượt dự toán nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực NSNN, như: chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình đạt 96,4% dự toán, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7% dự toán, chi sự nghiệp kinh tế đạt 97,1% dự toán, chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88% dự toán. Đây là các khoản chi trong nhiều năm liên tục không đạt dự toán và đã được Quốc hội thường xuyên đề cập trong các kỳ họp. UBTCNS đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá sâu sắc nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp khắc phục tình trạng này, kể cả tính hợp lý về tỷ lệ % các khoản chi này trong tổng chi NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội, sớm nghiên cứu sửa đổi, ban hành các định mức, chế độ chi phù hợp và hiệu quả hơn.
Cùng với đó, chi đầu tư XDCB còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2012 là 268.812 tỷ đồng, tăng 49,3% so với dự toán. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, nhiều dự án quan trọng đã được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Qua báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2012, UBTCNS nhận thấy, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ như: điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu phê duyệt dự án; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn... Bên cạnh đó, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành còn lớn, trong đó có nhiều bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng trên 1.000 tỷ đồng, cùng khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước. Các sai phạm vẫn xảy ra trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn yếu kém, gây thất thoát, lãng phí NSNN. Vì vậy, UBTCNS đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc khắc phục hạn chế nêu trên để nâng cao hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao, năm 2012 là 17.669 tỷ đồng, đạt 88% (giảm 2.437 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó có 07/16 chương trình không đạt dự toán được giao. Đặc biệt, chương trình khắc phục hậu quả và ô nhiễm môi trường chỉ đạt 27% dự toán. Ngoài nguyên nhân do nhiều nhiệm vụ, khối lượng đã thực hiện nhưng chưa đủ thủ tục quyết toán thì một số chương trình tiến độ triển khai chậm, dẫn đến sử dụng NSNN kém hiệu quả. Hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng, sai mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn xảy ra, trong đó có một số chương trình đang là vấn đề bức thiết như giảm nghèo bền vững, ô nhiễm môi trường, việc làm…
Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN. Năm 2012, chi chuyển nguồn đã giảm so với năm trước, đây là dấu hiệu tích cực trong chỉ đạo, điều hành ngân sách của Chính phủ và các địa phương, tuy nhiên số chi chuyển nguồn còn khá lớn (Chi chuyển nguồn sang năm 2013 là 192.461 tỷ đồng (giảm 54.229 tỷ đồng so với năm 2011). Trong điều kiện cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, phải đi vay để bù đắp bội chi thì chi chuyển nguồn lớn thể hiện hiệu quả sử dụng NSNN chưa cao. Đồng thời, hầu hết các địa phương nhận hỗ trợ bổ sung cân đối từ NSTW đều có kết dư ngân sách khá lớn (kết dư NSĐP là 41.342 tỷ đồng, bằng 17,6 % tổng số bổ sung từ NSTW cho NSĐP), làm giảm hiệu lực, hiệu quả sử dụng NSNN.
“UBTCNS đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đảm bảo sử dụng NSNN đúng mục đích, hiệu quả” - Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
(Theo VOV)
Các tin khác
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 13 địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên theo tiến độ cam kết.
NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho hệ thống, sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm…
YBĐT - Cá ngạnh là một trong những loài cá có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Trước đây, loại cá này chủ yếu được người dân đánh bắt tự nhiên trên hệ thống sông Hồng, sông Chảy và hồ Thác Bà bằng các cách như: kích điện, khai thác bằng mắt lưới mau, lưới câu nhỏ, đắp đập... là nguyên nhân làm giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản này.
Ngày 20/5, các quan chức thương mại Hàn Quốc và Việt Nam đã bắt đầu vòng đàm phán thứ năm về Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương tại Seoul trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực kết thúc tiến trình đàm phán FTA trước cuối năm nay.