Hái sơn tra non thiệt đơn, thiệt kép

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 8:26:43 AM

YBĐT - Tình trạng bán sơn tra non ở Văn Chấn, Mù Cang Chải đã diễn ra 3 năm trở lại đây và số lượng ngày càng lớn.

Quả sơn tra non được bày bán ở chợ thị trấn Mù Cang Chải.
Quả sơn tra non được bày bán ở chợ thị trấn Mù Cang Chải.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5, chị em đã kháo nhau: “Chợ hoa quả đã bán táo mèo (sơn tra) non”. Tưởng chỉ là chuyện tầm phào, vụ thu hoạch phải là cuối tháng 9, đầu tháng 10 sao bây giờ chợ Yên Bái đã có bán. Quả thật, ở chợ đã xuất hiện những mẹt sơn tra, quả chỉ to như đầu ngón tay cái, xanh nhạt, nhiều quả còn bé hơn, núm hoa chưa rụng. Nguyên nhân nào khiến đồng bào hái quả non đi bán? Nó có ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, giá trị hay quá trình sinh trưởng của cây hay không? Câu hỏi ấy khiến chúng tôi ngược 200 cây số lên vùng cao Tây Bắc tìm câu trả lời.

Chợ Tú Lệ, huyện Văn Chấn - nơi giao thương của một vùng rộng lớn, (trong đó có Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - một vùng quê có giống sơn tra quả to, vàng rộm, hương vị đặc sắc nhất) đã có những mẹt sơn tra bày bán. Xe khách chạy tuyến Than Uyên, Lai Châu, Mù Cang Chải về Yên Bái dừng đón khách cũng tranh thủ bốc vài ba tải sơn tra non.

Ngược lên ngã ba Kim - khu thị tứ giáp với xã Púng Luông, La Pán Tẩn, nhất là xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, nơi được ví như “thủ phủ” của cây sơn tra cũng thấy cảnh tượng tương tự.

Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng quả non được thương lái mua ở thị tứ này còn nhiều hơn cả khu chợ Tú Lệ. Tại thị trấn Mù Cang Chải, số lượng sơn tra non không nhiều bằng hai địa điểm nói trên nhưng những lù cở, mẹt sơn tra bày bán ở chợ trung tâm cũng không phải ít. Cầm quả non đưa lên miệng ăn, “Trời ạ! Chua không ra chua, chát không ra chát!”. Đúng quy luật, có cầu thì ắt sinh cung, bà con thấy bán được sơn tra non là trẩy đi bán.

Bán sơn tra non như vậy, bà con được gì và mất gì? Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ Yên Bái, loại quả này được tiểu thương bán với giá 30 nghìn đồng/kg (bằng với giá dịp chính vụ năm 2013, thấp hơn 10 nghìn dịp đầu mua và thấp hơn 40 nghìn đồng mỗi kg dịp cuối mùa). Tại ngã ba Kim và thị trấn Mù Cang Chải, sơn tra non được bán với giá từ 9 đến 10 nghìn đồng/kg (thấp hơn 15 đến 35 nghìn đồng mỗi kg dịp chính vụ và cuối vụ). Đối với bà con người Mông chỉ bán được giá 5 - 6 nghìn đồng/kg. Chỉ tính nguyên về mức giá, đồng bào đã thiệt từ 15 đến 25 nghìn đồng mỗi kg so với vụ trước - một sự thiệt thòi rất lớn. Nhưng không chỉ dừng ở đó.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sơn tra non, quả chỉ to bằng đầu ngón tay người lớn, trọng lượng chỉ bằng 1/4 đến 1/3 quả trưởng thành (thời điểm này quả nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ bằng ½ quả chín) đặc biệt trọng lượng mỗi quả còn nhẹ hơn, từ đó suy ra trọng lượng quả non chỉ bằng 1/3, có khi là ¼ trọng lượng quả chín! Vậy là ngoài sự thiệt thòi về giá bán, bà con còn chịu thiệt rất lớn về sản lượng, giá trị thu được từ quả non chỉ bằng 2 đến 3/10 quả chín.

Chu Nu ở Nậm Khắt đang bán sơn tra non ở chợ ngã ba Kim bảo rằng: “Cần tiền thì bán thôi!”. Anh Lử ở Lao Chải đỗ chiếc xe máy chở bao tải sơn tra ra chợ thị trấn để bán, chưa có xe khách nên mấy người buôn chuyến chưa hỏi mua, mấy người bán hoa quả trong chợ cũng không quan tâm lắm vì biết anh chưa thể bán ngay được. Khoảng 1 tiếng đồng hồ, không chịu nổi cái nắng gay gắt nên có người đến trả giá 4 nghìn đồng/kg, anh đã chấp nhận bán. 22 kg nhân với giá 4 nghìn đồng, tổng số là 88 nghìn đồng nhưng người mua chỉ trả 85 nghìn đồng. Không kỳ kèo được hơn, anh đành gật đầu, bỏ túi số tiền ít ỏi ấy.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải Sùng A Thanh chia sẻ với đồng bào mình, nhận định: “Tình trạng bán sơn tra non diễn ra 3 năm rồi và số lượng ngày càng lớn. Năm nào huyện cũng quyết liệt chỉ đạo các xã vận động bà con đừng vì cái lợi trước mắt mà vội bán quả non như thế nhưng bà con chưa nghe ra. Không thể đổ hết cho lý do hết tiền, hết gạo mà người dân vội hái sơn tra non đi bán đâu, còn nhiều nguyên nhân khác nữa như sợ mất cắp, sợ mưa đá… nên hái sớm nữa”.

Lê Phiên

Các tin khác
Nhóm hàng xuất khẩu tăng nhiều nhất là nhóm công nghiệp và khoáng sản tăng gấp 2,6 lần so cùng kỳ.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 125,49 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.

Đã có gần 6.000 cơ sở kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tuy nhiên, với lĩnh vực gia công vàng bạc có một số trường hợp người mua hàng không lấy hóa đơn dẫn đến cơ quan thuế khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch.

Các ngân hàng thương mại phải công khai minh bạch lãi suất cho vay và huy động. Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước đang xem xét việc nghiêm cấm các tổ chức tín dụng "lách" khuyến mại ẩn dưới mọi hình thức không đúng quy định khi người dân gửi tiết kiệm tiền VND.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục