Thịt chó "làm khó" quản lý

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 1:54:50 PM

YBĐT - Thịt chó là món khoái khẩu của nhiều người. Theo Liên minh Bảo vệ chó châu Á, mỗi năm người Việt giết mổ 5 triệu con chó, điều đó đủ cho thấy sức hấp dẫn của món "cầy tơ" này từ nhiều đời nay với người Việt. Tuy thơm ngon, hấp dẫn, lôi cuốn thực khách thuộc mọi thành phần, đối tượng là vậy nhưng vấn đề chất lượng thịt chó chưa được quản lý chặt chẽ vì còn thiếu những chế tài.

Cán bộ thú y kiểm tra sản phẩm  thịt chó tại chợ Yên Thịnh (thành phố Yên Bái).
Cán bộ thú y kiểm tra sản phẩm thịt chó tại chợ Yên Thịnh (thành phố Yên Bái).

Chó khỏe, chó bệnh, chó bả đều thành "cầy tơ bảy món"

Toàn tỉnh có khoảng 130.000 con chó, trừ một số ít được nuôi làm cảnh thì hầu hết số này sẽ được dùng làm thực phẩm. Là món khoái khẩu "ngon, bổ, rẻ" nhiều lý do để người ta tìm đến với món thịt chó, nào là trời mưa ăn thịt chó là hợp nhất hay cuối tháng lấy thịt chó giải đen. Nhưng một câu hỏi đặt ra rằng liệu món cầy tơ đã và đang được ưa chuộng đó có thực sự an toàn? Những đĩa luộc, nướng, hấp, lòng, nhựa mận liệu có được làm từ những con chó khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng?

Hiện nay, cũng đã xuất hiện những nơi nuôi chó theo kiểu công nghiệp để bán thịt nhưng chưa phổ biến, và thực tế cho thấy nguồn cung chó thịt truyền thống vẫn là từ chó nuôi tại các gia đình (kể cả chó khỏe và chó bệnh) và chó bị trộm mà phần lớn là chó bị bả - vấn nạn tồn tại từ lâu chưa dễ gì giải quyết.

Một công an viên cho hay, nạn trộm chó nhiều năm nay đang hoành hành ghê gớm. Các "cẩu tặc" này thường đi cùng nhau với nhiều thủ đoạn như dùng súng điện, thuốc mê, bả chó, mỗi tối như vậy chiến lợi phẩm thu về cũng 3-4 con. Các quán ăn sẽ là nơi tiêu thụ của chó ốm, chó bệnh. Với giá cả khoảng 60.000 đồng/kg chó thịt như hiện nay, một con cho hơn 10kg đã có giá xấp xỉ 1 triệu đồng nên ít ai mang đi tiêu hủy khi nó bị ốm.

Cách xử lý dễ dàng nhất mà lâu nay người nuôi hay làm là gọi thương lái đến. Chủ một nhà hàng thịt chó nổi tiếng tại thành phố Yên Bái cho biết: "Giá chó hơi bây giờ 62.000 đồng/kg nhưng nếu là chó đánh bả, chó ăn trộm không rõ nguồn gốc giá được mời chào tại các quán ăn chỉ bằng 1/3. Nếu những chủ nhà hàng nào tham lợi nhuận trước mắt sẽ mua ngay vì như thế cực kỳ có lãi".

Ngoài những nhà hàng "cầy tơ bảy món" thì thịt chó mổ sẵn cũng có mặt ở hầu khắp các chợ và nguồn hàng thì cũng không "biết đâu mà lần". Những con chó chết, chó ốm, chó bả được phù phép để thành những con chó thui vàng ruộm bằng cách nhuộm bột đồng hoặc magiê trước khi đem thui bằng đèn khò, khi đã thui vàng nên rồi thì rất khó nhận biết đâu là chó khỏe, đâu là chó ốm, đâu là chó sạch, đâu là chó đánh bả.

Thiếu chế tài xử lý

Muốn kiểm soát cần có quy định cụ thể của Nhà nước. Song ở đây, là một loại thực phẩm phổ biến nhưng thịt chó lại chưa được quy định rõ ràng về kiểm soát giết mổ. Ngày 25/7/2005, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có Quyết định 45/2005/QĐ-BNN ban hành danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch, bao gồm trâu, bò, lừa, ngựa, la, dê, cừu, chó, mèo, gia cầm; sản phẩm động vật của các động vật nói trên.

Tuy vậy, ngày 26/12/2005, Bộ lại ra Quyết định 87/2005/QĐ-BNN ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, chỉ áp dụng cho trâu, bò, dê, cừu, lợn, gia cầm, riêng thịt chó thì không. Điều này đồng nghĩa với việc thịt chó thoát khỏi sự quản lý của cơ quan chức năng.

Điều này rõ ràng cũng đang làm khó cho những người làm công tác thú y vì nếu không quy định thì sẽ thiếu sót trong quản lý, còn nếu có quy định rõ ràng sẽ bị nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối vì việc sử dụng chó làm thực phẩm trái với thông lệ quốc tế. Trong khi các nhà quản lý còn đang bàn cãi xem có nên đưa ra những quy định cụ thể cho việc kiểm soát giết mổ chó hay không thì hàng ngày chó vẫn được sử dụng làm thực phẩm, được bày bán phổ biến tại các chợ, khu dân cư, xuất hiện trên bàn ăn từ các quán bình dân đến các nhà hàng cỡ lớn. Chỉ riêng thành phố Yên Bái đã có 6 nhà hàng và 15 điểm bán thịt chó, mỗi ngày trên dưới 50 con chó được giết mổ làm thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh, hiện mới chỉ có thành phố Yên Bái và huyện Văn Chấn là thực hiện được việc kiểm soát giết chó. Năm 2013, số lượng chó được kiểm soát giết mổ tại 2 địa phương này là 5.023 con. Con số này nếu so sánh với 130.000 con chó trên toàn tỉnh thì quá nhỏ nhoi. Trạm Thú y thành phố Yên Bái là địa phương thực hiện kiểm soát giết mổ nhiều năm qua.

Cũng như đối với lợn, gà và các loại động vật khác, với chó, Trạm tiến hành thu lệ phí giết mổ 3.000 đồng/con và phun tiêu độc khử trùng tại các chợ và nhà hàng mỗi tháng một lần. Song nỗ lực của ngành thú y ở hai địa phương trên cũng chỉ dừng lại ở việc kiểm soát giết mổ, tức là quản lý được bao nhiêu con chó bị giết mổ hàng năm, còn nguồn gốc của chúng thì không quản lý được…

 Và theo như bà Lê Thị Phúc - Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố thì: "Chó cũng hay mắc các bệnh ngoài da và truyền nhiễm nhưng nguy hiểm nhất là bệnh dại và bệnh tả. Tuy nhiên, thịt chó đã qua chế biến thì người tiêu dùng không thể biết được thịt đó từ chó bệnh, chó chết, chó dại hay chó bình thường. Nếu chế biến không chín, hoặc dùng dạng tiết canh sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh, trong đó đáng lo ngại nhất là bệnh dại.

Trong khi giết mổ, chế biến chó, những người này có nguy cơ bị chó cắn, hoặc bị đứt tay, trầy xước, hoặc trên người có sẵn vết thương cũng rất dễ bị lây nhiễm bệnh từ chó. Nguồn lây bệnh có thể là từ máu, hay nước bọt của chó. Nếu chó chết bằng bả, thức ăn có tẩm thuốc độc, rồi đem bán cho các lò giết mổ thì nguy cơ người sử dụng có thể cũng bị nhiễm độc tố đó". Năm 2013, Yên Bái ghi nhận 1 ca ngộ độc do ăn thịt chó tại huyện Trạm Tấu. Bên cạnh đó, mùa hè đã đến, bệnh dại có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Giải pháp

Trước khi cơ quan chức năng ban hành những quy định cụ thể, người dân cần thực hiện tốt việc tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi, thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, trước khi chó được giết mổ phải được tiêm phòng bệnh dại; tuyệt đối không giết mổ chó ốm, chó chết; phải mang bảo hộ lao động khi tham gia giết mổ; những người làm công tác giết mổ phải được tiêm phơi nhiễm định kỳ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường việc kiểm tra giết mổ, kiểm soát việc vận chuyển chó ra vào địa phương. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh thịt chó cần lựa chọn chó rõ nguồn gốc, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc tại nơi giết mổ vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu và sinh mạng của những người trực tiếp tham gia vào công tác giết mổ. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để có các chế tài xử lý, quy định cụ thể trong giết mổ chó vì đây vẫn là một loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Cả nước đang trong Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vấn đề này cần làm thường xuyên, liên tục trong cả năm và với tất cả các loại thực phẩm chứ không riêng gì thịt chó.

 Hồng Khanh

Các tin khác
Nhóm hàng xuất khẩu tăng nhiều nhất là nhóm công nghiệp và khoáng sản tăng gấp 2,6 lần so cùng kỳ.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 125,49 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.

Đã có gần 6.000 cơ sở kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tuy nhiên, với lĩnh vực gia công vàng bạc có một số trường hợp người mua hàng không lấy hóa đơn dẫn đến cơ quan thuế khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch.

Các ngân hàng thương mại phải công khai minh bạch lãi suất cho vay và huy động. Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước đang xem xét việc nghiêm cấm các tổ chức tín dụng "lách" khuyến mại ẩn dưới mọi hình thức không đúng quy định khi người dân gửi tiết kiệm tiền VND.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục