Chủ động phòng chống rầy nâu, rầy lưng trắng

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 1:48:39 PM

YBĐT - Đến thời điểm này, đã có hàng nghìn héc-ta lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh, nông dân đang phải đối mặt với rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa với mật độ cao. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, dịch sẽ còn tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúa vụ đông xuân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa đông xuân. (Ảnh tư liệu)
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa đông xuân. (Ảnh tư liệu)

Cả tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân (Trấn Yên) tập trung chăm sóc cho ruộng của nhà đang bị rầy nâu, rầy lưng trắng hoành hành.

 Chị Hoa cho biết: “Cả làng phun thuốc chống rầy anh ạ. Nhà tôi có 7 sào ruộng, đầu vụ gặp rét đậm, rét hại nên phải cấy lại 3 sào. Cả tháng nay, hết lo chống hạn lại phải lo chống rầy và lần phun này đã là lần thứ 4. Cũng may trời nắng ráo chứ cứ mưa suốt như đợt vừa rồi thì chắc mất ăn”.

Cách đó không xa, vợ chồng anh Dương Văn Long cũng đang tập trung phun thuốc cho biết: “Năm nay, sâu bệnh hoành hành dữ dội, chủ yếu là bệnh khô vằn và rầy. Hiện gia đình tôi đang tập trung phun thuốc chống rầy, nếu để cháy rầy thì coi như hỏng”.

Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Yên Bái đưa vào gieo cấy được 18.830ha lúa đông xuân, cơ cấu giống lúa lai chiếm 50% diện tích, chủ lực là các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Nghi Hương 305, còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Đến thời điểm này, trà I đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ - đỏ đuôi; trà 2 đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ - ngậm sữa. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, sâu bệnh hoành hành trên lúa. Trên đồng ruộng đã xuất hiện một số bệnh như: đạo ôn, khô vằn, rầy nâu, bọ xít, chuột gây hại.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 2.001ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, diện tích nhẹ 1.295ha,  nặng 188,5ha, ngoài ra còn xuất hiện bệnh đạo ôn với diện tích 458ha. Tuy nhiên, bệnh khô vằn không gây mất trắng mà chỉ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Điều đáng lo ngại hơn cả là ở nhiều địa phương, nông dân đang phải đối mặt với dịch rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa.

Tính đến ngày 14/5/2014, toàn tỉnh đã có 1.097ha lúa đông xuân nhiễm rầy, rầy tấn công ruộng lúa với mật độ trung bình 750 con/m2, nơi cao 3.500 con/m2, cục bộ 5.000 con/m2; tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Yên Bình và thành phố Yên Bái. Huyện Văn Chấn có diện tích lúa đông xuân bị nhiễm rầy nhiều nhất, có thời điểm lên đến 710ha. Ngay sau khi có dịch, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã đề nghị các xã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt chú ý vùng ổ và các giống nhiễm sâu bệnh, nắm bắt tình hình diễn biến của rầy nâu để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trước diễn biến của tình hình sâu bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên điều tra đồng ruộng để thống kê diện tích nhiễm bệnh, dự báo chính xác, ra thông báo chỉ đạo kịp thời đồng thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các biện pháp phòng trừ để ngành có chỉ đạo kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh; tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.

Mặt khác, Chi cục phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng; tăng cường hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; khi sâu bệnh phát sinh lập tức dập, diệt, không để lây lan ra diện rộng. Nhiều diện tích có mật độ rầy nâu cao đã được phun thuốc nội hấp phòng trừ 2 - 3 lần… nên đã cơ bản khống chế được dịch, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại diện tích lúa và không gây ảnh hưởng tới năng suất.

 Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, từ nay đến cuối vụ sẽ tập trung phòng trừ các loại sâu bệnh như: bệnh đạo ôn cổ bông, khi điều kiện thời tiết thuận lợi bệnh đạo ôn lá sẽ chuyển tiếp lên hại cổ bông, nhiễm giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh. Nếu không chủ động phòng trừ sớm sẽ có diện tích lúa bị hại nặng ở tất cả các huyện vùng thấp, thành phố, thị xã trong tỉnh. Rầy cám lứa 3 sẽ rộ vào cuối tháng 5 hại mạnh trên các giống lúa lai Trung Quốc, nếp, các giống thuần chất lượng cao. Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại trên tất cả các giống lúa, hại nặng trên các giống chất lượng cao, nếp.

Để chủ động phòng chống sâu bệnh hại lúa, đảm bảo năng suất lúa đông xuân, các địa phương cần nhanh chóng khoanh vùng diện tích nhiễm rầy cao, khuyến khích nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời, nhất là các trà lúa đang làm đòng. Bên cạnh đó, các huyện cũng cần chủ động lượng thuốc bảo vệ thực vật, tránh tình trạng các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tăng giá khi sâu bệnh phát sinh mạnh.

Văn Thông

Các tin khác
Giá xăng dầu thời gian tới được kỳ vọng sẽ theo sát giá thế giới, theo nội dung dự thảo nghị định thay thế nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ, thời gian tính giá cơ sở sẽ chỉ còn 15 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay.

Vietnam Airlines áp dụng thu thêm phí vào dịp cao điểm mùa hè

Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa có công văn gửi các đại lý bán vé máy bay và công ty du lịch về việc sẽ áp dụng thu phí một số chặng bay du lịch ở giai đoạn cao điểm.

Quả sơn tra non được bày bán ở chợ thị trấn Mù Cang Chải.

YBĐT - Tình trạng bán sơn tra non ở Văn Chấn, Mù Cang Chải đã diễn ra 3 năm trở lại đây và số lượng ngày càng lớn.

Lễ công bố hai đường bay mới tới Tokyo

Với 2 đường bay này, Hãng hàng không Việt Nam sẽ có tới 62 chuyến bay trong một tuần đến Nhật Bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục