Vĩnh Kiên: Đi lên từ kinh tế rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2014 | 2:26:55 PM
YBĐT - Vĩnh Kiên là địa phương có phong trào canh tác đất rừng rất sớm và hiện đang là một trong những xã dẫn đầu của huyện Yên Bình về nghề rừng. Từ 10 năm nay, hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo và có người trở thành triệu phú làng từ phát triển kinh tế đồi rừng…
1.200 ha đất rừng ở xã Vĩnh Kiên đã được phủ xanh bằng cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao.
|
Gia đình ông Nguyễn Bá Thuận, thôn Tai Voi là một trong những người tiên phong phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở thôn này. Ông Thuận cho biết: "Trước đây, gia đình ông thuộc dạng nghèo khó trong thôn, lao động vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhận thấy đầu ra của thị trường gỗ nguyên liệu thuận lợi, trong khi nhiều ngọn đồi bỏ hoang, lãng phí, ông đã chọn nghề trồng rừng để làm giàu. Năm 2000, Nhà nước có chương trình phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông mạnh dạn tiếp nhận gần 10ha đất về trồng rừng".
Từ đó, ngày ngày vợ chồng ông tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trống trồng keo, bồ đề. Cứ thế, ông lấy ngắn nuôi dài kết hợp với việc áp dụng kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc nên diện tích rừng ông trồng đều xanh tốt. Năm 2010, ông bán 5ha rừng keo và diện tích trồng bạch đàn được gần 300 triệu đồng. Số tiền này đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống hằng ngày. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục bỏ vốn trồng rừng với các giống cây có giá trị kinh tế cao như keo và bạch đàn mô. Chỉ tay vào những cánh rừng trên 3 năm tuổi.
Ông khoe: "Cây rừng của tôi 3 năm tuổi bằng rừng 5 năm tuổi của người khác. Vừa rồi, tôi đầu tư 60 triệu quây lưới B40 để chăn thả dê và gà dưới tán rừng. Trồng rừng tuy lâu cho thu hoạch nhưng rất nhàn, không tốn nhiều nhân lực, nó chỉ vất vả lúc mới trồng. Quan trọng nhất phải tuân thủ đúng kỹ thuật từ cuốc hố, bón phân, khoảng cách giữa các cây, đặc biệt là phải phát quang cỏ ranh thì đất mới tốt, cây mới phát triển nhanh".
Cũng như gia đình ông Thái, gia đình anh Phạm Văn Tài ở thôn Trò cũng phát triển kinh tế từ rừng. Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo khó một phần thiếu đất sản xuất, một phần "đói" vốn. Năm 2001, gia đình anh nhận 20ha đồi núi trọc để trồng rừng. Vừa trồng vừa học và đúc rút kinh nghiệm, những đồi cây của anh đều lên xanh tốt. Và cứ thế sau nhiều năm lặn lội với rừng, toàn bộ diện tích đất trống đã được phủ bằng màu xanh ngút ngàn của cây nguyên liệu.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy khu vực hồ Thác Bà có nguồn nguyên liệu dồi dào, anh quyết định đầu tư dây chuyền chế biến gỗ, tiêu thụ nguyên liệu cho bà con vùng lân cận. Hàng năm, cơ sở của gia đình chế biến được trên 1.000m3 gỗ rừng trồng. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình có một cơ ngơi bề thế với 2 ô tô vận tải, 2 xưởng chế biến gỗ ước tính trên 3 tỷ đồng.
Ở Vĩnh Kiên, những hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng như gia đình anh Tài, ông Thuận không phải hiếm. Có được kết quả đó cũng là nhờ vào chủ trương giao đất, giao rừng của Nhà nước mà người dân trong xã đã thấy quí hơn mảnh đất rừng của mình. Nếu như trước đây nhân dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của trồng rừng, đến nay, trên 1200 ha đất rừng trước chỉ có lau lách, chè vè mọc nay đã được phủ xanh bằng keo lai, bạch đàn mô và nhiều loại cây nguyên liệu giấy có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, 100 hòn đảo trên hồ Thác Bà cũng được người dân phủ kín cây xanh với diện tích trên 200ha. Xã còn chủ trương trồng rừng gắn với tiêu thụ và chế biến lâm sản để phát triển bền vững. Hiện nay, đã có 17 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng lớn nhỏ, góp phần tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: Từ năm 2000 trở lại đây, nhân dân trong xã đã tự bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng rừng chứ cán bộ xã cũng không còn phải đi vận động, tuyên truyền như trước nữa. Trung bình mỗi năm nhân dân trong xã trồng mới từ 80 - 100ha rừng kinh tế, khai thác được trên 4000m3 gỗ, bán thu về 5 tỷ đồng".
Nhờ trồng rừng mà đời sống của bà con nhân dân đã có bước chuyển đáng khích lệ, đến nay đã 30% hộ dân trong xã sống được bằng nghề rừng, nhiều gia đình từ chỗ nghèo đói nay đã vươn lên giàu và xuất hiện nhiều triệu phú từ trồng rừng. Quan trọng hơn là người dân đã quý rừng và thực sự yên tâm sản xuất trên đất rừng của mình.
Văn Thông
Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có văn bản gửi các đại biểu Quốc về một số nội dung nhằm chuẩn bị phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, bắt đầu vào chiều 10-6.
YBĐT - Năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ được tỉnh Yên Bái giao kế hoạch thu ngân sách trên 22 tỷ đồng; HĐND thị xã ra nghị quyết phấn đấu thu 25 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/5, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 10 tỷ đồng, bằng 45% dự toán tỉnh giao và bằng 41% dự toán HĐND thị xã giao.
YBĐT - Ông Đặng Văn Thanh - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái khẳng định: “Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sản lượng điện vào mùa này luôn duy trì ở mức cao hơn từ 11-13% so với những tháng cùng kỳ năm 2013, nhưng năm nay tình trạng thiếu điện sẽ không xảy ra. Công suất dự phòng của hệ thống điện hiện nay là 30%, đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.
YBĐT - Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Yên Bái và Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, Đội QLTT số 4 huyện Văn Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều hành vi kinh doanh trái pháp luật, góp phần bình ổn thị trường, làm trong sạch thị trường.