Mù Cang Chải quản lý chặt việc đốt nương làm rẫy
- Cập nhật: Thứ ba, 24/6/2014 | 2:51:33 PM
YBĐT - Với trên 70.000ha rừng các loại, nhiều diện tích rừng nằm xen kẽ với các khu dân cư, người dân lại có tập quán đốt nương làm rẫy nên công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn.
Diễn tập phòng chống cháy rừng ở xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải).
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Qua thống kê những năm gần đây cho thấy các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn vùng cao này nguyên nhân chủ yếu do bà con đốt nương làm rẫy để cháy lan vào. Trước thực trạng trên, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra việc phát rừng làm nương rẫy, hướng dẫn nhân dân cách đốt nương.
Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đó, huyện đã chuyển đổi hơn 1.000 ha đất nương rẫy sang trồng ngô, đây được coi là giải pháp vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đờì sống đồng bào, vừa hạn chế được lửa rừng. Nhờ kết hợp các giải pháp này nên tình trạng cháy rừng đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tình trạng đốt nương để xảy ra cháy rừng lại nóng bỏng trong thời gian vừa qua. Tính từ mùa khô hanh đến nay, trên địa bàn xảy ra 4 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 108 ha, trong đó có 3 vụ xuất phát từ hành vi đốt nương của người dân. Vụ cháy rừng tại tiểu khu 331 khu vực rừng gần bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình xuất phát từ hành vi đốt nương của người dân trong bản. Vụ cháy đã thiêu trụi gần 29ha, trong đó có 8,4ha rừng thông, sơn tra trồng từ năm 2008, còn lại là hơn 20ha đồng cỏ. Có vụ cháy gây ra do đối tượng vị thành niên, như trường hợp vụ Giàng Thị Phua, 14 tuổi do bất cẩn trong quá trình đốt nương làm rẫy đã làm cháy 4,4ha rừng ở bản Rào Cu Nha, xã Lao Chải.
Ngoài tình trạng cháy rừng do bà con đốt nương làm rẫy thì đáng lo ngại hơn là hiện tượng người dân cố tình đốt rừng. Điển hình là vụ cháy ở bản Trống Khua, xã Lao Chải ngày 5/3/2014, không có diện tích nương rẫy ở gần nhưng vẫn xảy ra cháy. Qua xác minh, đây là vụ cố ý đốt rừng. Vụ cháy xuất phát từ hai điểm cháy xảy ra vào giữa trưa, do thời tiết khô hanh nên cháy lan rất nhanh, dù xã và các ngành chức năng đã huy động lực lượng dập lửa nhưng đám cháy đã lan rộng và chỉ dập tắt khi đã thiêu trụi 30,6ha rừng trồng từ năm 2011.
Theo lực lượng kiểm lâm thì việc người dân cố ý gây cháy rừng chủ yếu là do liên quan đến lợi ích từ việc thu hái quả sơn tra. Từ khi quả sơn tra có giá trị kinh tế cao dẫn đến các hộ dân đốt rừng để trồng sơn tra. Ngoài ra, do phân chia quyền lợi giữa việc quản lý, thu hái sơn tra ở các bản, các hộ gia đình không đồng đều dẫn đến những hành vi phá hoại rừng, thậm chí đốt rừng gây khó khăn cho chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Thực tế từ các vụ cháy rừng năm nay, chúng tôi rút ra hai nguyên nhân chính, đó là do đốt nương làm rẫy và đáng ngại nhất là trường hợp người dân cố ý đốt rừng. Để hạn chế cháy rừng, đến tháng 9 này, chúng tôi tiến hành tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) rút kinh nghiệm, đồng thời kiện toàn lại Ban chỉ đạo PCCCR từ huyện đến các thôn bản cũng như đầu tư trang thiết bị PCCCR; làm tốt công tác quản lý nương rẫy, thống kê, chỉ đạo vận động đốt nương có kiểm soát; tuyên truyền các hộ gia đình cẩn trọng trong quá trình sử dụng lửa trong rừng; tổ chức ký cam kết và tuyên truyền người dân không phát rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy”.
Xuất phát từ các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua cho thấy ý thức của người dân vẫn còn hạn chế, chưa nhận thức được hậu quả của việc đốt nương trong thời tiết khô hanh kéo dài.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương chưa bám sát cơ sở để chỉ đạo việc đốt nương rẫy của đồng bào vùng cao. Để hạn chế việc cháy rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCCR, đặc biệt là việc sử dụng lửa trong rừng. Lâu dài, cần hạn chế và giảm bớt tình trạng đốt nương làm rẫy bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đối với các vụ cố tình đốt, cần điều tra xác minh và sớm tìm ra thủ phạm đưa ra xét xử để xử lý nghiêm minh làm gương cho người khác.
Văn Thông
Các tin khác
Vải tươi xuất khẩu được ưu tiên làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu biên giới, nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Ngày 23.6, Bộ Tài chính công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với những người làm việc tại khu kinh tế.
YBĐT - Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phản ánh khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế với cơ quan thuế trong việc thực thi chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính thuế.
Ra mắt chuyên trang công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu Giá xăng một lần nữa tạo kỷ lục về giá khi tăng thêm 330 đồng/lít lên mức 25.230 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay.