Trạm Tấu: Phí môi trường rừng góp phần bảo vệ rừng bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/9/2014 | 2:53:28 PM

YBĐT - Trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò của rừng đã được xã hội quan tâm, đặc biệt việc thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được xem là một trong những giải pháp nhằm duy trì giá trị của rừng, đảm bảo sự công bằng cho chủ rừng, giảm thiểu chi phí hỗ trợ từ ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).

Cán bộ kiểm lâm Trạm Tấu tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm Trạm Tấu tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng.

Sau gần 3 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn, huyện Trạm Tấu đã tạo thêm nguồn tài chính bền vững cho công tác BV&PTR, góp phần đáng kể vào cải thiện sinh kế, ổn định đời sống người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 2012, khi bắt đầu thực hiện chính sách, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu luôn coi trọng công tác tuyên truyền tới người dân các thôn, bản hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của môi trường rừng, thông tin kịp thời các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực BV&PTR. Huyện Trạm Tấu đã tổ chức vận động nhân dân học tập quy chế bảo vệ rừng, Luật BV&PTR, tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi về vai trò và tác dụng với xã hội, môi trường, cảnh quan và ảnh hưởng trực tiếp đối với đời sống con người. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện - đơn vị được giao trực tiếp thực hiện chi trả DVMTR đã hướng dẫn các nhóm hộ nhận khoán xây dựng kế hoạch tuần tra canh gác kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ rừng. Qua các đợt tuyên truyền, nhận thức người dân từng bước được nâng lên, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, phát nương...

Ông Đinh Thanh Ba, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: "Với gần 33.000 ha nằm trong lưu vực được chi trả DVMTR, mỗi năm người dân sống bằng nghề rừng ở Trạm Tấu có thêm 645 triệu đồng. Số tiền chưa phải là lớn, nhưng kết hợp với các nguồn thu khác cũng góp phần không nhỏ ổn định sinh kế cho người dân.

Việc thực hiện chính sách chi trả ở Trạm Tấu cũng còn nhiều khó khăn, với địa hình núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh bởi các hệ thống suối nhỏ, đất đai dễ bị xói mòn, rửa trôi, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa, trong khi đó, diện tích rừng bảo vệ nằm xa khu dân cư dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, tập quán du canh du cư lâu đời, người dân sống phân tán trên núi cao nên công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế".

Sau gần 3 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, hoạt động này ở Trạm Tấu bước đầu đã đi vào quỹ đạo. Tuy nguồn thu còn khiêm tốn nhưng cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Theo ông Đinh Thanh Ba, việc gắn kết công tác chi trả DVMTR với các chương trình phát triển sinh kế khác là hết sức cần thiết nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng. Khi được nhận một khoản tiền từ phí DVMTR thì nhận thức và trách nhiệm của người dân được nâng lên.

Để thực hiện tốt công tác chi trả phí DVMTR và nâng cao nhận thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2014, huyện Trạm Tấu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách đến người dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các hộ nhận khoán là các hộ nghèo ở gần rừng và hộ đã nhận khoán rừng trước đây đã thực hiện tốt thì tiếp tục nhận khoán bảo vệ và được hưởng chính sách DVMTR.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt chính sách này cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực thi chính sách, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân phải được thực hiện thường xuyên, trong quá trình lập hồ sơ chi trả phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ thôn, bản đến xã, huyện, công tác chi trả phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chi trả đầy đủ nhằm giảm thiểu khúc mắc, khiếu nại trong nhân dân.

Anh Dũng

Các tin khác
Mỗi năm, người dân xã Lâm Thượng thu về trên 5 tỷ đồng từ măng mai.

YBĐT - Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lục Yên đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Các mô hình đều xuất phát từ những thế mạnh của địa phương như: làm măng mai, trồng cam, chăn nuôi...

YBĐT - Cùng với việc quản lý tốt các khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, đến khâu trồng chăm sóc khai thác, đồng thời tạo ra cơ chế chính sách liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, sẽ có thêm nhiều hộ nông dân ở Kiên Thành giàu lên nhờ trồng măng Bát Độ, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Khách hàng đang giao dịch vàng miếng.

Cùng với diễn biến của thị trường thế giới, giá vàng SJC trong nước mở cửa sáng nay (3/9) giảm 70.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.

Sự cố làm mất liên kết hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam, gây mất điện tại một số khu vực ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục