Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trấn Yên lần thứ II – 2014

Kiên Thành phát huy nội lực

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/9/2014 | 9:06:45 AM

YBĐT - Những năm qua, các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được xã Kiên Thành (Trấn Yên) triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nông dân xã Kiên Thành thu hoạch tre măng Bát Độ.
(Ảnh: Anh Hải)
Nông dân xã Kiên Thành thu hoạch tre măng Bát Độ. (Ảnh: Anh Hải)

Chúng tôi đến bản Đồng Ruộng - nơi có 40 hộ dân với 206 khẩu sinh sống, đa số là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao nhất xã. Nhưng đến nay, nhờ đưa cây măng tre Bát Độ vào trồng đã làm thay đổi đời sống nhân dân trong bản, gần như tất cả các hộ đều tham gia trồng và đã cho thu hoạch.

Gia đình anh Giàng A Khay, dân tộc Mông là một trong những hộ điển hình phát triển kinh tế. Cần cù chịu khó và không cam chịu đói nghèo, được hỗ trợ giống, được giúp đỡ kỹ thuật, gia đình anh đã trồng 3,5ha măng tre Bát Độ. Diện tích này đang cho thu hoạch, từ đầu vụ đến nay đã bán thu 12 triệu đồng.

Gia đình anh Giàng A Vừ cũng đã trồng được 5ha, mỗi năm cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Giờ đây, nhờ cây măng mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Đồng Ruộng thoát được nghèo, vươn lên khá giả. Hiện nay, cây tre măng Bát Độ đã trở thành cây trồng chủ lực của xã. Từ thu nhập của cây măng tre đã giúp người dân Kiên Thành xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và tạo điều kiện cho con cái học hành tốt hơn.

Gia đình chị Hà Thị Khêu, dân tộc Tày ở thôn Đồng Cát trước đây là hộ nghèo vì mới ra ở riêng, thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất, cuộc sống khó khăn. Năm 2006, sau khi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chị mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, mỗi năm nuôi 3 lứa, xuất chuồng trên 6 tấn lợn. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng được 2ha tre măng Bát Độ, 0,5ha quế, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Giờ đây, là Bí thư Chi bộ thôn, chị Khêu luôn tích cực phổ biến kinh nghiệm sản xuất và vận động cán bộ, hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Là xã vùng sâu của huyện Trấn Yên, Kiên Thành có trên 900 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, chủ yếu là người Tày, Dao, Mông... Hiện tại, xã còn 5 thôn, bản vùng 3 đặc biệt khó khăn là Đá Khánh, Ba Khe, Đồng Ruộng, Cát Tường, An Thịnh. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện tốt các các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hiệu quả. Đến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã cơ bản hoàn thiện; các tuyến đường liên thôn được mở rộng; đời sống, sinh hoạt của đồng bào được cải thiện đáng kể. Hai năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc xã Kiên Thành đã phát huy sức mạnh nội lực tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở mới 2km đường giao thông vào bản Khe Ba; kiên cố hóa tuyến đường bê tông từ thôn An Thịnh đi bản Đồng Ruộng với chiều dài 1.000m, nền đường rộng 5m, bê tông 3,5m, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, góp phần phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương phát triển kinh tế với các thôn bản đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, xã thực hiện tốt các chính sách dân tộc như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ dầu thắp sáng cho các hộ nghèo, cận nghèo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; rà soát các đối tượng người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách vay vốn; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người dân tộc thiểu số… bảo đảm đúng chính sách theo quy định của Nhà nước.

Về Kiên Thành hôm nay, có thể thấy cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày. Nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế được triển khai tại địa phương thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của nhân dân. Số hộ đói nghèo ngày một giảm, đã có 20% số hộ giàu thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên; 99% số hộ mua được xe máy, ti vi. Trên 1.000ha măng tre Bát Độ và hàng ngàn héc-ta cây nguyên liệu giấy là thế mạnh của địa phương đã và đang đến kỳ thu hoạch là cơ sở để xã vùng sâu này thoát nghèo, đi lên làm giàu.

Quỳnh Nga

Các tin khác
Tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu tại huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Trong 8 tháng của năm 2014, Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái đã tiêm phòng 655.157 liều vắc-xin các loại. Trong đó, vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò là 73.133 liều; tụ huyết trùng lợn 76.819 liều; dịch tả lợn 83.578 liều; dại chó 76.614 liều; Newcastle 267.177 liều; lở mồm long móng 77.836 liều.

Ông Đặng Ngọc Minh - Cục trưởng Cục Thuế Yên Bái tặng bằng khen của Tổng cục Thuế cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thu ngân sách năm 2013.

YBĐT - 24 năm qua, kể từ khi hệ thống thuế hoạt động theo một hệ thống thống nhất, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa ngành thuế, Cục thuế Yên Bái đã có bước phát triển khá tốt trong việc tham mưu với cấp ủy Đảng và chính quyền triển khai nghiệp vụ quản lý thu thuế phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Ngày 8-9, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: vào ngày 21-9 tới, VEC sẽ tổ chức lễ thông xe và đưa vào khai thác Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Chiều 8-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cuba Maria Del Carmen Concepcion đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục