Sẽ miễn phí ăn ở cho khách chậm chuyến bay
- Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2014 | 1:48:30 PM
Theo quy định do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành, kể từ 1/12 tới đây, các hãng hàng không chậm bay, hủy chuyến từ 3-6 tiếng sẽ phải phục vụ ăn, ở cho hành khách.
Từ 1/12 tới đây, hành khách khi đi máy bay bị chậm chuyến, hủy chuyến sẽ được hãng hàng không phục vụ nước uống, ăn, ở.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư Quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các hãng hàng không trong việc để xảy ra tình trạng chậm bay, hủy chuyến.
Theo quy định của thông tư, hãng hàng không phải cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay cho doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; bố trí nhân viên thông báo và tổ chức cung cấp các dịch vụ mà hành khách được hưởng theo quy định, giải quyết các thắc mắc và nhu cầu của hành khách trên cơ sở tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
Trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên, hãng hàng không có trách nhiệm: Thông báo cho hành khách các thông tin liên quan đến chuyến bay, cụ thể như sau: Số liệu chuyến bay và chặng bay; lý do của việc chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp khách hàng (vị trí, dấu hiệu nhận biết). Đồng thời, phải xin lỗi khách hàng.
Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hàng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định:
Thời gian chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống nhẹ. Chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn uống, với loại bữa theo thời điểm (từ 6-8h phục vụ bữa sáng; từ 12-14h phục vụ bữa trưa; từ 19-21h phục vụ bữa tối).
Thời gian chậm từ 6 giờ trở lên phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.
Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải thực hiện việc chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hàng hàng không để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Nội dung thông tư cũng quy định, hàng hàng không được miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ trong các trường hợp: Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; chuyến bay không thể thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không phải lỗi của người vận chuyển.
"Việc cung cấp các dịch vụ này không hạn chế việc thực hiện các nghĩa vụ khác của hãng hàng không khi vận chuyển hành khách theo quy định của pháp luật", nội dung thông tư nêu rõ.
Tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bắt đầu giảm
Theo báo cáo sơ kết công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ về phục vụ hành khách 6 tháng đầu năm 2014 của Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), các hãng hàng không Việt Nam có tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay chiếm tới 25%.
Cụ thể, VietjetAir là đơn vị dẫn đầu trong các hãng hàng không về tỷ lệ số lượng chuyến bay chậm, hủy chuyến khi chiếm tới 51% trên tổng số chuyến bay trong đó chậm chuyến chiếm hơn 48%. Tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%. Vietnam Airlines có tỷ lệ hoãn hủy thấp nhất, 14%; Vasco là 17%.
Tuy nhiên, con số này bắt đầu có sự giảm mạnh sau khi Cục Hàng không Việt Nam thành lập 3 tổ giám sát chậm bay, hủy chuyến ở 3 sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sân Nhất và Đà Nẵng vào hồi tháng 7 vừa qua.
Cụ thể, tỷ lệ chậm và hủy chuyến bay trong tháng 8 đã giảm mạnh xuống còn 14,3% (trên tổng số chuyến bay) so với tỷ lệ chậm và hủy chuyến của tháng 7 là 22,1%, theo thống kê mới nhất được Cục Hàng không Việt Nam công bố.
Theo thống kê, trong tháng 8 các hãng hàng không đã khai thác tổng cộng 14.942 chuyến bay, trong đó có 2.057 chuyến bị chậm (chiếm 13,8%), số chuyến bị hủy là 77 (chiếm 0,5%). Tổng số chuyến bị chậm và hủy của tháng 8 là 14,3%,giảm mạnh so với tháng 7 là 22,1%.
Trong các hãng hàng không, Jetstar Pacific có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất là 25,1%, tiếp đến là VietJetAir 19,9%, Vietnam Airlines 10,4% và Vasco 4,5%.
Trong số các nguyên nhân gây ra chậm chuyến nguyên nhân do máy bay về muộn vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Hồi tháng 7, khi tỷ lệ các chuyến bay bị chậm và hủy tăng cao bất thường, đại diện các hãng hàng không đã cam kết với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay.
Trong đó, đại diện của 2 hãng VietJetAir và Jestar Pacific hứa trước lãnh đạo Bộ GTVT sẽ giảm ngay 50% số vụ chậm hủy chuyến trong tháng 7 và tháng 8.
VietJetAir cam kết, trong tháng 9, số vụ chậm và hủy chuyến của VietJetAir sẽ chỉ còn khoảng 10%. Còn đại diện Jestar Pacific cũng khẳng định sẽ giảm số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến xuống còn 5% từ tháng 11 năm nay.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai các giải pháp về điều chỉnh lãi suất cũ, áp dụng lãi suất cho vay mới phù hợp với mức giảm lãi suất huy động vốn, cơ cấu lại nợ, tập trung vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh… góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay.
YBĐT - Là thị xã nhưng Nghĩa Lộ lại có tới 3.800 hộ dân tức hơn 50% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, trong nhiều năm qua, thị xã luôn quan tâm, chú trọng đến mảng kinh tế này. Hàng loạt các mô hình, các giống cây, con mới đã đưa vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh vừa ký quyết định số 1309/QĐ-CHK thành lập Tổ công tác nghiên cứu thiết lập đường hàng không thẳng phục vụ tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh qua vùng trời Lào và Campuchia.
YBĐT - Ngày 13/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (2011 – 2013). Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam.