Trồng ngô mang lại no ấm

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/9/2014 | 3:22:43 PM

YBĐT - Những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, đưa những cây, con giống đạt hiệu quả cao vào sản xuất và chăn nuôi, đặc biệt là đưa các giống ngô lai vào sản xuất trên đất đồi dốc.

Lãnh đạo xã Suối Giàng và cán bộ khuyến nông huyện Văn Chấn kiểm tra sự sinh trưởng của cây ngô trên đất dốc.
Lãnh đạo xã Suối Giàng và cán bộ khuyến nông huyện Văn Chấn kiểm tra sự sinh trưởng của cây ngô trên đất dốc.

Huyện đã phối hợp với viện nghiên cứu và các công ty giống cây trồng ở Trung ương, khu vực và địa phương đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống ngô lai như: NK54, NK66, NK67, DK 6919... để tuyển chọn những giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chịu hạn, chống được sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn, bảo đảm sản xuất 2 vụ/năm. Huyện cũng đã triển khai tốt chính sách hỗ trợ giá giống và phân bón, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, trong đó ưu tiên những vùng khó khăn, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Qua đó đã làm thay đổi tập quán canh tác của bà con và đến nay, diện tích ngô lai được gieo trồng trên địa bàn không ngừng tăng lên. Vụ ngô đông xuân 2014, Văn Chấn đã gieo trồng trên 3.700ha, năng suất đạt 31 tạ/ha, sản lượng 11.434 tấn, tăng 87 tấn so với năm trước. Nhờ trồng ngô mà cuộc sống của người dân ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ khá và giàu tăng lên, hộ nghèo đã giảm xuống theo từng năm.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Đối với đồng bào vùng cao thì cây ngô lai trên nương đồi đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chúng tôi đã tham mưu cho huyện trong thời gian tới tập trung tuyên truyền, vận động để bà con tiếp tục chuyển hết diện tích nương lúa, nương sắn kém hiệu quả sang trồng ngô”.

Suối Giàng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện và có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Để giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi những diện tích đất trống, đất gieo cấy lúa nương sang trồng ngô; thay thế giống ngô địa phương bằng giống ngô lai cho năng suất, giá trị kinh tế cao như các dòng giống ngô lai C99, C919… Nhờ đó, thu nhập bình quân của xã đạt gần 9 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đạt 556kg/người/năm.

Riêng trong năm 2013, sản lượng ngô của xã đạt trên 800 tấn, mang lại nguồn thu gần 4 tỷ đồng. Ông Sổng A Nủ - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: “Ở xã Suối Giàng có ít ruộng, đặc biệt ở các thôn Cang Kỷ, Păng Cáng, Giàng A, Giàng B, Bản Mới, Suối Lóp… người dân chủ yếu là trồng ngô. Trong những năm gần đây, bà con đã biết đưa các giống ngô lai hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng cho nên cuộc sống đã được ổn định hơn, nhiều hộ đã mua sắm được các đồ dùng đắt tiền trong gia đình. Đảng ủy, chính quyền xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về giống và phân bón để bà con trồng ngô, trong đó có dự án ngô lai trồng trên đất dốc”.

Gia đình chị Hảng Thị Pằng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng ngô lai ở thôn Cang Kỷ. Áp dụng đúng kỹ thuật như cán bộ Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ dẫn nên vụ ngô năm 2013, gia đình chị đã thu về gần 100 triệu đồng. Vụ năm nay, chị cũng trồng gần 70kg ngô giống, chủ yếu là ngô lai C919. Giống ngô này được gia đình chị và bà con trong thôn lựa chọn đưa vào trồng vì cho năng suất cao và chịu hạn tốt. Mặc dù đầu vụ, thời tiết nắng nóng kéo dài đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất nhưng gia đình chị vẫn chăm bón tốt nên ước tính sẽ thu về khoảng 5 - 5,5 tấn ngô hạt. Với giá bán từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, gia đình chị sẽ có trên dưới 40 triệu đồng/vụ. Chị Hảng Thị Pằng phấn khởi: “Đất của gia đình tôi cũng là đất bằng phẳng nhưng ở trên cao, không có nước nên không thể làm ruộng được. Gia đình vì thế đã chuyển diện tích này từ trồng lúa nương sang trồng ngô. Thu hoạch ngô đạt cao hơn lúa nương nên hiện nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn so với trước đây”.

Suối Bu cũng là xã vùng cao có phong trào phát triển cây ngô đồi. Gia đình ông Sùng A Thông ở thôn Ba Cầu trước đây cũng như nhiều hộ khác trong thôn chủ yếu là trồng lúa nương và trồng giống ngô địa phương năng suất thấp cho nên cuộc sống khó khăn, thường xuyên thiếu ăn vào thời điểm giáp hạt, luôn nằm trong diện nghèo. Đến năm 2009, huyện và xã có đề án vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô lai, gia đình xung phong đi đầu chuyển hết diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô lai. Bên cạnh đó, ông còn cấy thêm 1.000m2 lúa nước nên cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Trồng ngô lai, ông Thông đã có điều kiện cho các con ăn học và mua sắm được các loại vật dụng sinh hoạt gia đình.

Ông Sùng A Thông cho hay: “Từ khi chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô thì cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn so với trước đây. Trồng ngô lai hiệu quả hơn nên gia đình có thu nhập ổn định”. Xã có 4 thôn bản thì tất cả đều trồng ngô với diện tích trên 250ha/vụ.

Để bảo đảm diện tích ngô trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Đảng ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô cho bà con. Ngoài ra, xã còn tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ giống, phân bón; thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phát hiện sớm các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Nhiều năm nay, cây ngô được coi là cây trồng chủ lực của địa phương.

Giờ đây, cây ngô đã trở thành một trong những cây trồng phổ biến, không chỉ được trồng trên nương, trên diện tích đất đồi dốc mà còn được người dân đưa vào trồng cả trên diện tích đất chân ruộng thiếu nước. Phát triển cây ngô là hướng đi đúng trong việc xóa đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Chấn.

Vàng Mai

Các tin khác
Công nhân Nhà máy sản xuất, chế biến bột đá của Công ty Phát triển số 1 Hải Dương tại Khu công nghiệp phía Nam trong giờ sản xuất.

YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 5 khu, 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là trên 1.160ha. Chủ trương của tỉnh sẽ tập trung phát triển Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp Minh Quân để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; Khu công nghiệp Bắc Văn Yên 72ha, Khu công nghiệp Mông Sơn 90ha sẽ giao cho huyện quản lý. Các khu công nghiệp đã có 25 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 7.751 tỷ đồng.

Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 8, đưa CPI chín tháng đầu năm 2014 tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.

Quản lý chặt chẽ hàng hóa tại kho ngoại quan.

Quy định này đảm bảo quản lý chặt chẽ và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng để gian lận thương mại, trốn thuế.

Ảnh minh họa.

Ngày 24-9, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty CP Vinpearl phối hợp tổ chức công bố chương trình hợp tác xúc tiến thương mại tổng thể “Điểm đến Phú Quốc”, đồng thời khai trương 2 đường bay mới cất cánh từ Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là Phú Quốc - Singapore và Phú Quốc - Siêm Riệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục