Giải pháp tốt để quản trị nguồn tài nguyên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2014 | 8:58:24 AM

YBĐT - Yên Bái là một trong những địa phương giàu tài nguyên khoáng sản như: đá quý (ru by), đá vôi trắng, sắt, chì kẽm, cao lanh, đá vôi xây dựng…

Cơ sở chế biến quặng sắt của Công ty cổ phần khoáng sản Hòa Yên.
Cơ sở chế biến quặng sắt của Công ty cổ phần khoáng sản Hòa Yên.

Tỉnh cũng tạo cơ chế thuận lợi trong việc mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách từ việc khai khoáng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai khoáng. Minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI) để quản trị nguồn tài nguyên hiệu quả là giải pháp tốt cần được tiếp cận.

Thống kê của ngành tài nguyên và môi trường cho thấy, hiện nay, tỉnh có 116 điểm khai thác khoáng sản, trong đó nhiều nhất là quặng sắt, tập trung tại các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn và Mù Cang Chải. Sau nhiều năm mở cửa thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, chúng ta đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp trong số đó khai thác bằng công nghệ tiên tiến, an toàn và tiết kiệm như: xi măng Vinaconex, xi măng và khoáng sản Yên Bái, liên doanh YBB, Công ty cổ phần Mông Sơn. Còn lại, nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, bán thủ công nên khai thác lãng phí tài nguyên, tổn hại cảnh quan môi trường, đặc biệt việc xuất bán khoáng sản thô, chưa chế biến sâu để nâng cao giá trị và tạo việc làm cho người lao động vẫn khá phổ biến.

Mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư để biến tiềm năng trong lòng đất thành giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm cho người lao động… song chúng ta cũng luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước. Lỗ hổng lớn trong quản trị tài nguyên chính là các cơ quan chức năng  chưa đánh giá đúng trữ lượng và hàm lượng khoáng sản trong lòng đất.

EITI là một sáng kiến do cựu Thủ trướng Anh Tony Blair sáng lập nhằm hỗ trợ kiểm soát hiệu quả tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên. Nguyên tắc chung của EITI là tăng cường sự giám sát của công chúng trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trên thế giới hiện có 44 quốc gia cam kết thực thi EITI để cải thiện công tác quản trị tài nguyên, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Đông Timor, Indonesia, Philippines và Myanmar.
Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2007 thông qua việc tham dự Hội nghị EITI toàn cầu lần thứ IV tại Doha, Qatar. Năm 2013, Bộ Công thương nghiên cứu về việc tham gia EITI của Việt Nam và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Việc đổi mới cơ chế quản lý thuế theo phương châm doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm cũng rất dễ khiến các doanh nghiệp thiếu trung thực trong việc kê khai đầy đủ sản lượng. Như vậy, đương nhiên tình trạng trốn thuế sẽ diễn ra. Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi Chính phủ chưa nghiêm cấm việc xuất khẩu khoảng sản thô và tình trạng xuất khẩu lậu (chủ yếu là quặng kim loại màu). 

Tổ chức Liên minh Khoáng sản (bao gồm Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản) đã bắt đầu vận động hành lang, đưa những nội dung trong sáng kiến EITI vào vận dụng thực tiễn đối với ngành khai khoáng. Sáng kiến EITI đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thực hiện rõ hơn Nghị quyết số 02 - NQ/TN ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quan điểm khai thác và chế biến khoáng sản có hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững.

Minh bạch hóa trong ngành khai khoáng sẽ đồng nghĩa với việc các thông tin liên quan đến giấy phép khai thác, sản lượng khai thác, đóng góp cho ngân sách Trung ương và địa phương, tác động đến môi trường, xã hội đều phải được công bố công khai và được Liên minh Khoáng sản giám sát. Theo giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, sự giám sát của tổ chức dân sự như Liên minh Khoáng sản sẽ giúp Nhà nước quản trị thông minh toàn bộ nguồn thu, đẩy lùi nạn tham nhũng về lĩnh vực này.

Tại buổi làm việc với các phóng viên thuộc Diễn đàn các nhà báo bảo vệ môi trường, ông Lê Đình Đạo - Chủ tịch Hội Địa chất - Khoáng sản Yên Bái cho biết: “Công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản cần đi trước một bước để làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý và giám sát phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Muốn vậy, Nhà nước cần bảo đảm kinh phí đầu tư cho việc thăm dò, đánh giá”.

Đồng quan điểm với ý kiến phát biểu của ông Lê Đình Đạo, bà Trần Thị Thanh - Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhấn mạnh: “Chính quyền và người dân cần phải biết rõ, địa phương mình có loại khoáng sản gì, hàm lượng ra sao, trữ lượng thế nào… thì việc quản lý mới được bảo đảm. Đồng thời, việc định giá, tổ chức đấu giá quyền khai thác… mới được thực hiện chính xác, hiệu quả và đó là yếu tố tiên quyết của việc minh bạch”.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Những ngày cả huyện đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, chúng tôi lại về với xã Trạm Tấu - nơi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư khen ngợi, thấy những đổi thay từ một địa phương vô vàn khó khăn nay đã trở thành xã dẫn đầu trong xóa đói, giảm nghèo của huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái).

Bộ Công Thương công bố thống kê mức lương trung bình của các lãnh đạo cấp cao trong 11 tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam trong năm 2013.

YBĐT - Trước tình hình dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện trên một số tỉnh giáp ranh với Yên Bái. Để chủ động phòng dịch cúm A/H5N6, Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các đơn vị chủ quản triển khai các phương án phòng dịch với quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Nông dân huyện Trấn Yên chuẩn bị đưa bầu ngô ra đồng.

YBĐT - Sản xuất trong điều kiện khó khăn nhưng sản phẩm vụ đông bao giờ cũng cho giá trị kinh tế cao hơn so với cây lúa. Vì vậy, nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính của nông dân huyện Trấn Yên, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục