Đổi mới phương thức canh tác ngô trên đất dốc
- Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2014 | 2:49:12 PM
YBĐT - Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Toàn xã có 411 hộ với 1.881 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 74%, còn lại là các dân tộc khác. Do trình độ dân trí còn hạn chế, các tập quán lạc hậu vẫn còn, cuộc sống người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, mỗi năm cũng chỉ gieo cấy được 1 vụ, các giống ngô, lúa lại là giống bản địa, năng suất đạt thấp cho nên có không ít khó khăn.
Đồng bào Mông xã Suối Bu đóng bao sản phẩm ngô mang đi tiêu thụ.
|
Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào thi đua lao động, sản xuất; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; không tổ chức đám tang, đám cưới dài ngày; ăn, ở hợp vệ sinh… đồng thời vận động bà con xóa dần những tập tục lạc hậu, tích cực xây dựng đời sống văn hóa; đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2009, Đảng ủy xã Suối Bu đã xây dựng 2 mô hình "Dân vận khéo" là mô hình chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô và mô hình chuyển diện tích trồng ngô từ 1 vụ lên 2 vụ/năm.
Việc gieo trồng một vụ/năm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên khi cán bộ huyện, cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ thì bà con không mấy nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, "mưa dầm thấm lâu", cán bộ, đảng viên của huyện và xã đã không nản chí, quyết tìm phương pháp phù hợp với lòng dân. Trước tiên, cán bộ, đảng viên ở xã phải là những tấm gương đi đầu, thêm vào đó là cùng ăn, cùng ở với dân và thậm chí cầm tay để chỉ việc cho dân.
Với sự quyết tâm giúp dân xóa bỏ dần những tập quán canh tác lạc hậu, những phương thức sản xuất kém hiệu quả, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều xuống tận thôn cùng phối hợp với trưởng thôn, bí thư chi bộ, ban công tác mặt trận tổ chức họp dân để phổ biến các chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là giúp các già làng, trưởng dòng họ có uy tín trong cộng đồng hiểu thấu về cách làm mới mà hay và có lợi ích lớn.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Đồng thời là phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí đảng viên về phụ trách các thôn, bản. Việc trước tiên, các đảng viên đi đầu đưa diện tích lúa nương năng suất thấp của gia đình chuyển sang trồng ngô đồi cho năng suất cao hơn, sau đó vận động anh em, họ hàng cùng làm theo. Thực tế đã cho thấy, cùng một diện tích đất, trồng ngô cho năng suất cao gấp 3,5 lần so với trồng lúa nương.
Bằng sự quan tâm của Đảng ủy và chính quyền xã, đồng bào Mông ở Suối Bu đã dần dần chuyển toàn bộ diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Gia đình anh Sùng A Thông ở thôn Ba Cầu là ví dụ điển hình. Từ khi chuyển sang trồng ngô, mỗi vụ, gia đình đã trồng hết 20kg giống ngô lai và năng suất đạt cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nương và trồng ngô địa phương. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình anh đã thu về từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng tiền bán ngô.
Anh Thông phấn khởi cho biết: "Nếu so với trồng lúa thì trồng ngô hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Một vụ lúa chỉ cho thu khoảng 3 triệu đồng, còn trồng ngô thì mỗi vụ đã thu về vài chục triệu đồng. Chính vậy mà từ khi thay thế cây lúa nương bằng cây ngô, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định và có điều kiện cho con đi học".
Ở thôn Ba Cầu, không chỉ riêng gia đình anh Thông mà đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện và xã. Ông Sùng A Páo - Trưởng thôn Ba Cầu cho hay: "Trước đây, bà con ở thôn này đều trồng lúa nương, năng suất rất thấp cho nên tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Từ khi chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô và áp dụng đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đạt cao và ổn định. Khi đưa cây ngô vào trồng, người dân trong thôn đã có cuộc sống tốt hơn và còn mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền trong gia đình và xây dựng được nhà ở khang trang hơn trước".
Sau những thành công trong việc vận động nhân dân chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, năm 2011, Đảng ủy, chính quyền xã Suối Bu tiếp tục vận động, hướng dẫn nhân dân trồng thêm ngô vụ hè thu. Từ đó đến nay, mỗi năm, bà con người Mông cư trú trên địa bàn xã đã tích cực trồng 2 vụ ngô và mở rộng diện tích. Nếu năm 2012, toàn xã trồng đạt 200ha thì năm 2013 đã tăng lên 241ha, sản lượng đạt trên 872 tấn, tăng 387 tấn so với năm 2009.
Nhờ trồng được 2 vụ ngô nên tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm hơn so với trước đây. Hiện nay, cây ngô đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo thực sự. Quan trọng hơn là người Mông ở Suối Bu đã biết xóa bỏ phương thức sản xuất lạc hậu tồn tại bao đời nay ở nơi này.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra số 2238/QĐ-TTCP, thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và các đơn vị thành viên.
Sáng 8-10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức họp về tổng kết 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động.
YBĐT - Các mô hình kinh tế trang trại ở Văn Chấn phát triển đúng hướng đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này hứa hẹn tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế ngành nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện.
YBĐT - Ngày 7/10 Cục Thuế Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, triển khai thực hiện nhiệm vụ quý IV năm 2014.