Xứng đáng là “người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”!
- Cập nhật: Thứ hai, 13/10/2014 | 9:49:20 AM
YBĐT - Nhằm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh thăm dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
|
Từ đó, ngày 13/10 hàng năm trở thành ngày hội lớn của doanh nhân Việt Nam. Mười năm qua, cộng đồng doanh nhân Việt Nam nói chung và giới doanh nhân Yên Bái nói riêng đã không ngừng phát triển, khẳng định được vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước và của tỉnh.
Yên Bái là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, hạ tầng kinh tế xã hội chưa phát triển, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, lại là tỉnh nội địa, không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, sức hấp dẫn để thu hút đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế; điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, thiếu nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển. Do vậy, trên địa bàn tỉnh chủ yếu hình thành, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời kỳ trước năm 1990, doanh nghiệp chỉ bao gồm 2 thành phần cơ bản là doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã. Bên cạnh đó còn có một lực lượng nhỏ là các hộ kinh doanh cá thể tiểu chủ. Sự phát triển và hình thành của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở Yên Bái gắn liền với quá trình thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, phát triển kinh tế thị trường và nhất là thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X.
Từ năm 1990 đến nay, các doanh nghiệp Nhà nước không phát triển về số lượng do đẩy mạnh thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã bước đầu được hình thành trong giai đoạn 1990 - 1999 và từ năm 2000 đến nay phát triển khá nhanh về số lượng, về cơ cấu ngành nghề và quy mô vốn kinh doanh. Số doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh từ 10 tỷ đồng trở lên chiếm trên 25% số doanh nghiệp. Đầu tư từ khu vực ngoài quốc doanh tăng rất nhanh, tăng bình quân trên 20% năm; nhiều dự án đầu tư lớn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đang phát huy hiệu quả tốt.
Từ sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã tạo động lực thúc đẩy sự cạnh tranh để phát triển giữa các thành phần kinh tế. Đến hết tháng 9 của năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.327 doanh nghiệp, 325 hợp tác xã và 20.477 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù chịu tác động không nhỏ của lạm phát, của suy thoái kinh tế ảnh hưởng trên diện rộng song các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã nỗ lực không ngừng, tiếp tục đóng góp tích cực trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 40.000 lao động trong tỉnh. Các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình và trở thành lực lượng nòng cốt trong sự phát triển kinh tế của tỉnh với việc đóng góp trên 65% vào tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh.
Năm 2013, một số doanh nghiệp đã nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nộp ngân sách Nhà nước cao. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà nộp 47,7 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Yên Bái 41,3 tỷ đồng; Chi nhánh Viettel Yên Bái - Tập đoàn Viễn thôngQuân đội Viettel 19,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Tổng công ty Hòa Bình Minh 16,1 tỷ đồng; Viễn thông Yên Bái 10,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn 7,8 tỷ đồng...
Song hành với sự phát triển của doanh nghiệp chính là thành công của các doanh nhân - những người đã tối đa hóa các nguồn lực để đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp. Khi thành công, nhiều doanh nhân đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, có trách nhiệm cao trong hoạt động xã hội ở mỗi địa bàn. Nhiều doanh nhân của tỉnh đã được phong tặng danh hiệu cao quí và được ghi danh, tuyên dương trong các hội nghị toàn quốc như: ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái năm 2013 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; bà Bùi Thị Sửu - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái đạt danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2013” nhận Cúp Bông hồng vàng. Nhiều doanh nhân đã thành đạt và trở thành nhà lãnh đạo bổ sung cho các ngành, các cơ quan Đảng và Nhà nước trong tỉnh.
Doanh nhân Trần Công Bình - Giám đốc Công ty cổ phần chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái được tôn vinh là 100 doanh nhân tiêu biểu năm 2013.
Với xu thế mở cửa và hội nhập đang đặt ra cho các doanh nhân nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức khi thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt cùng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thiếu vốn đầu tư, lạm phát... Yên Bái cũng phải đối mặt với những khó khăn như: kinh tế phục hồi chậm; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khó khăn; sản xuất công nghiệp tăng chậm; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương…
Những điều đó đều có tác động xấu tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, luôn sát cánh và đồng hành cùng các doanh nghiệp, doanh nhân chính là các sự điều chỉnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/08/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và gần đây nhất là Nghị quyết số 63/NQ-CP về một số giải pháp về thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp… Tỉnh cũng có những giải pháp, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Đầu năm 2011, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã được thành lập và tích cực hoạt động. Đây là diễn đàn hợp tác và trao đổi của các doanh nghiệp; là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước. Hiệp hội đã thường xuyên nắm bắt tình hình doanh nghiệp, thông báo đến các hội viên những thông tin kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, quảng cáo sản phẩm trên website của Hiệp hội; phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để tỉnh xem xét, giải quyết…
Nhiều doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng được thương hiệu, khẳng định được vị thế trên thương trường trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Công ty cổ phần Chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà... Tuy nhiên, hiện Hiệp hội mới chỉ có 74 hội viên, hầu hết là các doanh nghiệp lớn trong tỉnh tham gia trong tổng số hơn một nghìn doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Để thu hút các doanh nghiệp tham gia tổ chức hội nghề nghiệp của mình, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Yên Bái phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển là vấn đề đặt ra với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng nói: “Doanh nhân là người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế”. Điều đó khẳng định vị trí và vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước và của tỉnh. Đứng trước những khó khăn càng thôi thúc, đòi hỏi mỗi doanh nhân phải quyết tâm vượt khó, dũng cảm đương đầu với thách thức, tư duy, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vận dụng tốt nhất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khẳng định bản lĩnh trên thương trường. Các doanh nghiệp cũng cần mở rộng quan hệ phối hợp, thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có kỹ thuật cao để khai thác tốt những tiềm năng của tỉnh; điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động; tích cực tham gia công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội… Làm được điều đó, các doanh nhân thật sự xứng đáng là “người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế!”.
Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân nữ thành phố qua hơn 10 năm hoạt động đã thu hút, tập hợp đông đảo nữ doanh nhân tham gia sinh hoạt. Đây chính là chiếc cầu nối hỗ trợ tích cực cho các chị trong công tác điều hành, quản lý, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Không chỉ chậm nộp tiền vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp khi cổ phần hóa như quy định mà nhiều doanh nghiệp còn dùng tiền đó để kinh doanh.
Bộ Tài chính vừa thông qua quy chế hoạt động thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhằm tăng cường giám sát các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) và giải ngân nguồn vốn đầu tư.
Teo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra trong 8 tháng, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…