Bỏ con dấu doanh nghiệp: Làm càng sớm càng tốt!
- Cập nhật: Thứ hai, 10/11/2014 | 2:18:48 PM
Ông Nguyễn Văn Phúc: Các tổ chức quốc tế cho rằng, nếu chúng ta cải cách được thủ tục con dấu thì việc nâng hạng của Việt Nam trong đầu tư sẽ nâng rất cao...
Ông Nguyễn Văn Phúc
|
Quốc hội đang thảo luận sửa đổi hàng loạt dự án luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể, tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, một nội dung được nhiều DN quan tâm là việc sẽ bỏ con dấu DN. DN được tự làm con dấu và đăng ký con dấu đó với cơ quan quản lý.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng nay (10/11), ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trả lời phóng viên báo chí về nội dung này.
PV: Theo ông, việc bỏ con dấu DN nên áp dụng từ khi nào?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Chúng ta nên áp dụng ngay khi Luật DN sửa đổi có hiệu lực. Đấy cũng là một trong những nội dung của cải cách các thủ tục hành chính cho DN. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như IFC, họ cho rằng nếu chúng ta cải cách được các thủ tục con dấu thì việc nâng hạng của VN trong đầu tư sẽ nâng rất cao, bởi thủ tục hiện nay rất phức tạp.
Trong dự án luật đưa ra giải pháp tương đối phù hợp với điều kiện nước ta, tức là quy định có những trường hợp DN không phải sử dụng con dấu. Nếu đối tác không yêu cầu thì ta không phải dùng con dấu.
Nhưng trong một số trường hợp, vì một lý do nào đấy cần có xác nhận tính xác thực của DN đối với một nhân thân nào đấy, cán bộ nào đấy, nhân viên nào đấy… phải có con dấu thì DN phải dùng con dấu. Trong dự án luật cũng quy định DN có thể có nhiều con dấu.
- Chúng ta có lường hết được những tình huống sẽ xảy ra khi không dùng con dấu không, thưa ông?
Trường hợp nào trong lĩnh vực nào cũng có người lạm dụng quy định để giả mạo chứ không chỉ mình con dấu. Vì thế mình phải quản lý bằng cách khác. Trước hết là DN phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh mẫu con dấu và phải công bố mẫu con dấu ấy trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang đăng ký DN. Cơ quan công an có thể căn cứ vào mẫu đó để kiểm soát việc giả hay không giả.
- Theo ông, mức độ sẵn sàng của các cơ quan quản lý trong việc bỏ con dấu thế nào?
Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì rất sẵn sàng, tinh thần của Bộ trưởng là ủng hộ cải cách. Bộ công an thì trong dự án Luật Công an vẫn có quy định “Bộ Công an quản lý con dấu theo quy định của pháp luật”. Pháp luật ở đây có thể hiểu là theo quy định của Chính phủ. Con dấu ở đây có thể hiểu là của cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Tôi cũng đã có lần báo cáo với Thủ tướng, nếu ta cần phân loại thì Bộ Công an quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức. Vì nó yêu cầu về an ninh thì họ quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức nhưng con dấu của DN thì không nhất thiết Bộ Công an phải quản lý mà có nhiều biện pháp khác.
- Vậy có nghĩa DN sẽ hoàn toàn không phải sử dụng gì đến con dấu, thưa ông?
Quan điểm của Thủ tướng, cộng đồng DN cũng muốn bỏ con dấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến là phải tính đến điều kiện của Việt Nam. Cho nên, trong dự án luật cũng thể hiện con dấu là dấu DN, có nghĩa là cho DN được tự quyết định vấn đề đó, quyết định hình thức, nội dung và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để thông báo với họ tôi có con dấu như vậy.
Thế giới cũng có những DN vẫn dùng con dấu, có những nước vẫn dùng con dấu và họ yêu cầu phải có con dấu. Trong trường hợp đó, DN vẫn phải dùng con dấu của mình. Như vậy, chúng ta phải rất linh hoạt.
Hoặc là pháp luật quy định có những trường hợp quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu, ví dụ như có những trường hợp xảy ra phải sử dụng con dấu để đảm bảo an toàn, bí mật như có người đến DN yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến DN. Hoặc cơ quan nhà nước yêu cầu DN cung cấp thông tin về nhân sự hoặc một số thông tin khác. Có nghĩa là những trường hợp này phải sử dụng con dấu. Nhưng những trường hợp nào phải sử dụng con dấu thì Nhà nước sẽ quy định.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VOV)
Các tin khác
Từ tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm tới 9 lần, nhưng giá cước các loại hình vận tải hầu như vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, trước đây mỗi lần xăng dầu tăng giá lại thêm một lần cước vận tải tăng.
YBĐT - Tô Mậu là vùng đất nghèo. Nguyên nhân có như xa trung tâm, trình độ dân trí thấp, ít ruộng đất… Vì vậy một trong những giải pháp nâng cao mức sống người dân, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo chính là sự dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả.
Ông Đinh La Thăng không chỉ “trảm” chủ đầu tư làm ăn chậm chạp, mà còn mạnh dạn tuyên bố sẽ thẳng tay với cả các nhà thầu làm ăn gian dối.
YBĐT - Ngày 8/11, Hội Kiến trúc sư (KTS) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, bầu Ban chấp hành mới gồm 5 thành viên.