Yên Bái: Khó khăn đưa nước sạch về nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/11/2014 | 9:12:36 AM

YBĐT - Cùng nhiều công trình phát huy hiệu quả, hiện nay, nhiều công trình nước sạch nông thôn xây dựng xong nhưng không hoạt động, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí sự đầu tư của Nhà nước. Đã đến lúc, cần xem xét lại hiệu quả đầu tư của các công trình nước sạch nông thôn.

Nhờ quản lý tốt, công trình cấp nước sạch thôn Nậm Mười, xã Nậm Mười vẫn hoạt động tốt.
Nhờ quản lý tốt, công trình cấp nước sạch thôn Nậm Mười, xã Nậm Mười vẫn hoạt động tốt.

Thực trạng

Công trình cấp nước thôn Bồ, xã Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2009, thiết kế cho hơn 100 hộ dân trong thôn, thế nhưng, sau 2 năm, công trình này đã ngừng hoạt động. Chiếc bể lắng đầu nguồn cao hơn 2m không có một giọt nước nào, xung quanh cỏ mọc um tùm. Hiện, vẫn còn một đường ống dẫn thẳng nước ra ngoài nhưng đã bị hỏng.

Ông Nguyễn Hữu Cả - người tham gia quản lý vận hành hệ thống cấp nước của thôn cho biết: “Công trình chỉ vận hành được một thời gian rồi bắt đầu xuống cấp, đến nay, đã ngừng hoạt động. Người dân tự phá bỏ đồng hồ, sử dụng nước không tiết kiệm, thậm chí có người để nước chảy cả ngày lẫn đêm, dẫn đến người đến sau không có nước để sử dụng. Công trình không thu được tiền phí quản lý, không có nguồn để duy tu, bảo dưỡng”. Tìm hiểu thực tế, một công trình khác của xã tại thôn Dày mới đầu tư năm 2012 nhưng nay cũng chung tình trạng này.

Tuy nhiên bên cạnh những công trình nước sạch nông thôn hoạt động kém hiệu quả, có nhiều công trình vẫn hoạt động tốt. Cụ thể là một công trình tại thôn Kiến Thịnh được đầu tư từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn vận hành rất tốt. Nguyên nhân theo ông Hà Đình Kiên - Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: “Tại thôn này, người dân thực sự cần nước sạch, ý thức của người dân cũng rất tốt, không có chuyện phá bỏ đồng hồ hay sử dụng nước miễn phí. Người dân phải đóng 1.000 đồng/m3 nước sử dụng. Số tiền này công khai, minh bạch dùng trả lương cho 3 người đại diện trong thôn có nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng thường xuyên”.

Cũng như Chấn Thịnh ở xã vùng cao Nậm Mười (huyện Văn Chấn), vấn đề nước sạch cũng cấp bách không kém, vì vậy, việc quản lý các công trình nước sạch đều được giao cho cộng đồng quản lý. Nhờ cách quản lý khoa học nên các công trình hoạt động tương đối hiệu quả. Trưởng thôn Nậm Mười Bàn Kim Thanh cho biết: “Thôn có 77 hộ, trong đó có 56 hộ sử dụng nước từ công trình, chúng tôi quy định mỗi người một ngày chỉ dùng tối đa 1m3 nước và thu phí đầy đủ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra việc phá bỏ đồng hồ, để nước chảy lãng phí, do vậy bể chứa đầu nguồn lúc nào cũng đầy nước”.

Những năm qua, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực Trung ương cấp, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện lồng ghép các chương trình dự án nhằm đạt mục tiêu chung về nước sạch nông thôn. Giai đoạn 2011 -2014, tổng kinh phí thực hiện đạt 285,38 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 96,016 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn khác. Các nguồn đầu tư đó đã giúp 498.571 người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, 101.219 người dân sử dụng từ nước máy HVS (công trình cấp nước tập trung),  397.352 người dân sử dụng nguồn nước nhỏ lẻ và các nguồn HVS khác.

Tuy nhiên, kết quả đạt được của Chương trình thời gian qua chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nhu cầu sử dụng của nhân dân. Tại một số địa phương, số lượng công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả còn cao; chất lượng nước chưa ổn định; nhiều công trình mới đưa vào phục vụ trong thời gian ngắn đã hỏng hoặc xuống cấp; công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập.

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, tính đến tháng 3/2014, toàn tỉnh có 363 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, 62 công trình hoạt động bền vững; 159 công trình hoạt động trung bình; 52 công trình hoạt động kém hiệu quả; 90 công trình không hoạt động. Vì vậy, tại nhiều địa phương, nước sinh hoạt của người dân vẫn chủ yếu là nguồn nước tự nhiên từ hồ, ao, sông, suối và nguồn nước này cũng đã dần cạn kiệt và bị ô nhiễm. Đặc biệt, nhiều khu vực vùng cao, đất trống đồi núi trọc, nguồn nước cạn kiệt, người dân ngày đêm mong ngóng công trình nước sạch của Nhà nước.

 

Công trình cấp nước sạch thôn Bồ, xã Chấn Thịnh đã ngừng hoạt động.

Cần những giải pháp

Tuy có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nhưng chưa tạo được sự đột phá trong việc thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. Mục tiêu đề ra của Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn là rất lớn, song mức đầu tư của Trung ương cũng như của tỉnh còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn đầu tư dự kiến.

Giai đoạn năm 2011 - 2014, tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 285,380 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn quốc tế 284,473 tỷ đồng, nhân dân đóng góp chưa đầy 1 tỷ đồng. Nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp tham gia xây dựng các công trình còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành sau đầu tư còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại song song ba mô hình quản lý sau đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn gồm: hợp tác xã quản lý, UBND xã quản lý và cộng đồng quản lý.

Từ thực tế cho thấy, hoạt động của các mô hình đều có những hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do công nhân và cán bộ quản lý vận hành hầu hết không được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật. Các công trình nằm ở khu vực dân cư nghèo, rất khó thu các khoản phí sử dụng. Vì vậy, đa số các công trình xuống cấp nhanh vì không tự bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động duy tu, bảo dưỡng.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 1 trong 7 mục tiêu Thiên niên kỷ Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế và là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Đối với tỉnh Yên Bái, hết năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 79,5% và ước năm 2014 đạt 82%. Theo kế hoạch, đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có kế hoạch rà soát, định giá tài sản Nhà nước tại các công trình cấp nước tập trung, tiến tới sẽ giao tài sản trên cho UBND các xã quản lý, sử dụng. Ðối với những công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, sẽ cương quyết chấn chỉnh công tác đầu tư, quản lý vận hành, tập trung xử lý dứt điểm, nhanh chóng đưa công trình vào hoạt động. Những công trình hỏng, xuống tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho công tác sửa chữa, nâng cấp, hỗ trợ chi phí vận hành, bảo dưỡng. Các công trình đang vận hành chủ động xem xét điều chỉnh giá nước sạch phù hợp với thu nhập của người dân địa phương, bảo đảm theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, chi phí hợp lý. Trong trường hợp cần thiết,  cấp bù chi phí cho các đơn vị cấp nước thu không đủ bù chi trên cơ sở cân đối ngân sách sự nghiệp kinh tế của địa phương...

Đây là giải pháp trước mắt về lâu dài, để từng bước thực hiện việc xã hội hóa và hình thành thị trường nước sạch nông thôn, cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý vận hành cấp nước phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt từ khu vực tư nhân tham gia lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn. Quan trọng hơn, để công trình phát huy hiệu quả cần tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương cũng như ý thức của người dân, có như vậy người dân mới được dùng nước sạch hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Anh Dũng

Các tin khác
Người dân xã Xuân Ái (Văn Yên) sơ chế quế, nâng cao giá trị sản phẩm.

YBĐT - Là xã thuần nông, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng vài năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã biết phát huy nội lực, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn song với những hướng đi, cách làm và cơ sở hạ tầng nông thôn khá hoàn chỉnh đã tạo nền tảng vững chắc cho Xuân Ái đi lên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Bất chấp xu hướng giảm giá của xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi vẫn chưa giảm giá hoặc giảm giá nhỏ giọt.

Ngày 11-11, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 cho biết, lúc 20 giờ 28 phút tối 10-11, đã phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC chính thức hòa đồng bộ thành công tổ máy số 2 Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 600MW) tại Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vào lưới điện quốc gia với công suất phát cao nhất đạt 41MW.

YBĐT - Đầu năm 2014, nhờ có Dự án chăn nuôi lợn bằng thức ăn ủ chua của Viện Chăn nuôi Trung ương, Hội Nông dân xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã lựa chọn được 4 mô hình tham gia thực hiện dự án này, sau 3 lứa lợn cho kết quả tốt. Dự án chăn nuôi lợn bằng thức ăn ủ chua đang được nhân rộng ra toàn xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục