Yên Bái - những lợi thế đầu tư
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2014 | 2:49:50 PM
YBĐT - Không nằm trong trục động lực phát triển kinh tế quốc gia nhưng Yên Bái lại có vị trí quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng và có hệ thống giao thông thuận lợi từ đường sắt, đường thủy đến đường bộ.
Yên Bái cũng là địa phương có nguồn nguyên liệu nông nghiệp, công nghiệp dồi dào, tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh tới cơ sở năng động, tâm huyết, trí tuệ và tỉnh có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.
Dẫu là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có hệ thống đường sắt, đường thủy, đường bộ phát triển nhất trong khu vực Tây Bắc: quốc lộ 32, 32C, 70, 37 kết nối liên hoàn với hệ thống đường giao thông nội tỉnh, thuận tiện đi lại và vận tải vật tư, hàng hóa đến các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều dài 80km đã đưa vào sử dụng rút ngắn khoảng cách Yên Bái - Hà Nội xuống còn 120km, từ Yên Bái đi Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai còn dưới 130km và Yên Bái - Cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190km. Về đường sắt, hiện có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc chạy qua địa phận tỉnh với chiều dài trên 80km, thuận lợi cho vận tải hành khách và hàng hóa.
Về đường thủy, tỉnh có tuyến sông Hồng dài 115km, tuyến sông Chảy và hồ Thác Bà dài 83km, thuận tiện cho việc phát triển giao thông đường thủy. Hiện nay, Yên Bái quy hoạch xây dựng 1 cảng trên sông Hồng thuộc địa phận xã Văn Phú, thành phố Yên Bái gần Khu công nghiệp phía Nam. Về đường hàng không, Sân bay quân sự Nga Quán thuộc huyện Trấn Yên nằm ở phía bắc thành phố Yên Bái đang được quy hoạch lồng ghép kết hợp khai thác dân dụng vào giai đoạn 2015 - 2020.
Yên Bái còn là một tỉnh giàu tài nguyên, khoáng sản với 257 điểm mỏ có nhiều loại khoáng sản phong phú, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng cao và chất lượng tốt như: cao lanh, đá vôi trắng, quặng sắt… Đặc biệt, đá vôi trắng có độ trắng trên 90%, trữ lượng trên 1 tỷ mét khối. Các sản phẩm chế biến từ đá của Yên Bái rất đa dạng như đá ốp lát trong xây dựng, đá mỹ nghệ, đá hạt, đá bột siêu mịn (CaCO3) dùng làm nguyên liệu phụ gia cho các ngành sản xuất hóa mỹ phẩm, cao su, nhựa, giấy... Yên Bái cũng là địa phương biết khai thác tối đa những lợi thế về nông - lâm nghiệp.
Đến nay, tỉnh đã quy hoạch, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng tốt cho chế biến nông, lâm sản nhằm tăng giá trị sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đó là trên 413.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 231.000ha, rừng trồng trên 181.000ha, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 250.000m3 gỗ các loại và trên 29 triệu cây tre, nứa, luồng...; vùng chè gần 12.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 90.800 tấn/năm; vùng quế trên 22.500ha, sản lượng quế vỏ đạt 4.000 tấn/năm; cây ăn quả trên 6.500ha, sản lượng trên 27.000 tấn quả tươi/năm; vùng trồng sắn trên 15.000ha, sản lượng trên 283.000 tấn/năm; vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.600ha, sản lượng nuôi trồng trên 5.000 tấn/năm, sản lượng khai thác trên 1.000 tấn/năm.
Yên Bái cũng đã xây dựng 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 794ha, trong đó có 3 khu công nghiệp quốc gia: Khu công nghiệp phía Nam với diện tích 400ha, Khu công nghiệp Minh Quân 112ha, Khu công nghiệp Âu Lâu 120ha và 2 khu công nghiệp của tỉnh: Khu công nghiệp Bắc Văn Yên 72ha, Khu công nghiệp Mông Sơn 90ha.
Kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp cơ bản đã được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, hiện nay, tỉnh còn có 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 452ha đặt tại các huyện, thị khác. Bên cạnh đó, Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40% năm, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư cần nhiều lao động như: dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử...
Bên cạnh những lợi thế đó, Yên Bái còn có vùng hồ Thác Bà rộng 19.000ha với trên 1.300 đảo lớn, nhỏ được ví như một "Hạ Long trên núi". Huyện vùng cao Mù Cang Chải có 2.300ha lúa ruộng bậc thang đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp trong danh mục khu danh thắng quốc gia. Để hoạt động du lịch ngày càng phát triển, tỉnh tiếp tục quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng như: Khu du lịch sinh thái Suối Giàng ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển với những cây chè đặc sản cổ thụ từ 300 - 400 năm tuổi và nhiều khu rừng nguyên sinh, khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiệt độ trung bình 200C - 230C; khu du lịch sinh thái tại đầm Vân Hội và đầm Hậu (Trấn Yên); khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Bản Hốc, Bản Bon (Văn Chấn); khu du lịch sinh thái văn hóa Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ)...
Với lợi thế về tiềm năng cùng những định hướng phát triển đúng đắn, Yên Bái sẽ là vùng đất hứa cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cá nhân đến tìm hiểu và đầu tư trực tiếp. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện và thực hiện đầy đủ những chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng cũng như tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có của Yên Bái.
Thanh Phúc
Các tin khác
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về kết quả rà soát biển báo tải trọng cầu trên các tuyến quốc lộ.
YBĐT - Bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, ngành công nghiệp Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn: đầu năm mưa nhiều, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế vẫn còn trong nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng...
Hôm nay (14/11), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines sẽ chính thức bán bán cổ phần ra công chúng (IPO), với khoảng 49 triệu cổ phần.
Mặc dù đang là tâm điểm dư luận, song không có doanh nghiệp vận tải nào đến dự cuộc đối thoại về giá cước vận tải và các giải pháp giảm giá cước vận tải do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 13-11.