Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2014 | 8:30:52 AM

YBĐT - Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.

Nhờ nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm và đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án cũng như huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cùng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,53%, năm 2014 là 25,38% thì ước năm 2014 là 20,98%, năm 2015 dự kiến còn 16,6%.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ hộ nghèo như: phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015; nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; về quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; về bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn cho nông dân… Các nghị quyết đã nhanh chóng được các cấp, các ngành, đoàn thể cụ thể hóa thành những chính sách hỗ trợ gián tiếp, trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo.

Ông Trịnh Xuân Trượng - Trưởng phòng Bảo trợ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Nguồn lực huy động trong năm 2012 - 2014 cho Chương trình giảm nghèo toàn tỉnh đạt 5.168 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 2.490 tỷ đồng, ngân sách địa phương 348 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội 1.720 tỷ đồng, các nguồn khác 627 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều giải pháp, chính sách như: đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn theo chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ về y tế, cung cấp tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề, hướng dẫn người dân cách làm ăn”.

Theo đó, hàng năm, tỉnh đã cấp hàng trăm nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, được tập huấn kiến thức, hỗ trợ phương tiện và vật tư phục vụ sản xuất, kinh doanh, được vay vốn với lãi suất ưu đãi khi có nhu cầu... trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Chỉ tính riêng trong 3 năm (2011 - 2013), đã có trên 161 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nhờ có chính sách hỗ trợ mà những năm qua, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt không ngừng tăng lên, năm 2010 là 63.653ha, năm 2014 ước đạt 69.133ha; sản lượng lương thực có hạt năm 2010 là 250.797 tấn, năm 2013 đạt 282.973 tấn và năm 2014 ước đạt 284.901 tấn.

Cơ cấu giống có sự chuyển biến tích cực theo hướng tập trung các giống có năng suất cao, chất lượng tốt; đẩy mạnh chuyển đổi giống ngô thay thế dần diện tích lúa nương ở các huyện vùng cao… Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản đã góp phần tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng sản lượng và giá trị ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng các loại năm 2013 đạt 30.359 tấn.

Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn, đời sống của đại bộ phận người dân đã được nâng lên. Người dân đã có chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế, nhất là trong sản xuất nông - lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, thâm canh tăng vụ, tích cực tham gia sản xuất vụ đông, chủ động sản xuất vụ mùa, trồng ngô trên diện tích lúa nương… góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Song song với triển khai các mô hình trình diễn, người dân còn được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ nông sản… làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội miền núi.

Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, những năm qua, tỉnh đã thực hiện các chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2010 - 2013, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 với tổng số tiền 68.236 triệu đồng; thực hiện chính sách dạy nghề theo Nghị quyết số 30a với tổng kinh phí thực hiện trên 32 tỷ đồng, thực hiện dạy nghề cho 31.990 lao động.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội như: hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh, tiếp cận các dịch vụ xã hội (y tế, cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, trợ giúp pháp lý…). Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, ban, ngành, đoàn thể.

Các chương trình, chính sách, dự án đều có tác dụng, hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hàng năm giảm bình quân 4%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12%; kết cấu hạ tầng vùng nông thôn được mở rộng, nhiều công trình được đầu tư khang trang, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ngày một đổi thay và phát triển.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Tân Đồng đã chuyển đổi 32ha ruộng nước sang trồng dâu.

YBĐT - Giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) hướng đến và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên một diện tích canh tác là giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo. Xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên) một trong hai địa phương được chọn làm điểm của tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu quan trọng này.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện rà soát 44 dự án với kinh phí chiết giảm là 39.365 tỷ đồng.

Hình ảnh ban tổng giám đốc Petro Vietnam. Ông Nguyễn Quốc Khánh ở hàng trên cùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ngày 19/11 đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức Thành viên Hội đồng Thành viên, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Đồng chí Nguyễn Văn Trọng-Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đối thoại trực tuyến với nhân dân.

YBĐT - Ngày 19/11, tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, đồng chí Nguyễn Văn Trọng- Chủ tịch UBND huyện Yên Bình đã tham gia đối thoại trực tuyến với nhân dân về chủ đề: “ Yên Bình, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục