Nội lực Chấn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 1:35:31 PM

YBĐT - Trước đây, đời sống của nhân dân xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) tương đối khó khăn vì chưa áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, hơn nữa lại chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Trong một vài năm trở về đây, mức sống của nhân dân đã được cải thiện rõ nét là nhờ tích cực lao động sản xuất, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và đoàn kết xây dựng cuộc sống ở khu dân cư.

Xác định phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa là mục tiêu hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thay đổi tập quán sinh hoạt, xây dựng nếp sống văn hóa. Thôn Kiến Thịnh 2, Kiến Thịnh 3 từ lâu đã được biết đến như một điển hình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Ông Lại Xuân Thành - Trưởng thôn Kiến Thịnh 3 cho biết: “Thu nhập chính của nhân dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng chè, chăn nuôi và một số ngành nghề phụ. Trong phong trào phát triển kinh tế, chính cán bộ, đảng viên trong thôn đã gương mẫu đi đầu trong việc tận dụng thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân dân tích cực học tập, làm theo. Trong thôn xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế tổng hợp bước đầu cho thu nhập cao. Điển hình là gia đình ông Đặng Ngọc Cương với mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp cho thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng/năm; ông Bùi Văn Đường trồng chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguồn thu 75 triệu đồng/năm”.

Những năm gần đây, Chấn Thịnh có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ chỗ hầu hết các diện tích lúa được gieo cấy bằng các giống lúa địa phương, năng suất đạt trên 75 - 80 tạ/ha/năm đến nay đã có trên 98% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa thuần và lúa lai cao sản, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha/năm.

Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân dân còn tích cực thâm canh tăng vụ, phát triển rừng và chăn nuôi đại gia súc. Trong năm 2014, toàn xã đã gieo trồng trên 170ha cây vụ đông, trồng mới 130ha rừng, góp phần đưa tổng diện tích rừng lên 2.374ha, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 23%.

Chấn Thịnh có 18 thôn bản, trong đó có tới 5 thôn đặc biệt khó khăn và toàn xã có 6 cây cầu với trên 30km hệ thống đường liên thôn, liên xã. Do vậy, việc phát triển giao thông nông thôn trở thành vấn đề then chốt, trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Hà Đình Kiên - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, HĐND và UBND xã đã tập trung xây dựng nghị quyết và đề ra các giải pháp, tập trung phát huy các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, xã họp bàn với nhân dân, vận động nhân dân hằng năm đóng góp kinh phí và ngày công cũng như hiến đất để xây dựng các công trình giao thông, giải quyết từng bước những khó khăn về giao thông đi lại và lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế để từng bước nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, địa phương đã có thêm nhiều tuyến đường và cầu giao thông nông thôn được nâng cấp, sửa chữa, xây mới. Riêng trong năm 2012, bằng các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, Chấn Thịnh đã tu sửa cầu treo thôn Ao Lay trị giá 170 triệu đồng; xây dựng tuyến đường bê tông dài 1,1km với số tiền nhân dân đóng góp lên đến 520 triệu đồng và Nhà nước hỗ trợ 780 triệu đồng.

Năm 2014, xã tiếp tục đăng ký bê tông hóa 1,2km đồng thời vận động nhân dân tu sửa, đổ cấp phối các tuyến đường khác, giải quyết khó khăn đi lại trước mắt và chuẩn bị tốt cho việc bê tông hóa các năm tiếp theo. Bên cạnh các công trình trọng điểm ở các cơ sở thôn bản, nhân dân cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng các tuyến đường nội thôn.

Giờ đây, với tuyến đường Tân Thịnh - Chấn Thịnh - Minh An được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cùng các khu mỏ khai thác khoáng sản đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội thông thương hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho nhân dân nơi đây.

Anh Dũng

Các tin khác
Ảnh minh họa

Từ 15/1/2015, các tổ chức sử dụng vốn nhà nước chỉ được thanh toán bằng tiền mặt với các khoản chi dưới 20 triệu đồng, thay vì 30 triệu đồng như quy định hiện hành.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, FPT, Tổng Công ty Đường sắt ấn nút khai trương hệ thống bán vé điện tử.

Sau 4 tháng triển khai, hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và FPT phối hợp xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động.

Mùa miến Giới Phiên.

YBĐT - Thành phố Yên Bái là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh nhưng có tới 30% dân số sống ở nông thôn, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Để từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, những năm qua, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ dân nông thôn phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Lãi suất cho vay giảm rõ rệt.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 11, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục