Mù Cang Chải: Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2014 | 8:50:25 AM

YBĐT - Sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng tại địa phương.

Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tham gia bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.
Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tham gia bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Mù Cang Chải có tổng diện tích đất tự nhiên trên 119.773ha, trong đó diện tích đất có rừng trên 72.686ha (rừng tự nhiên trên 53 nghìn ha, rừng trồng gần 19.500ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 60,27%. Toàn bộ diện tích rừng nằm trên lưu vực sông Đà cung cấp dịch vụ cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Nậm Chiến 1,2, Huội Quảng và các thủy điện trong tỉnh như: Mường Kim, Hồ Bốn, Khao Mang Thượng, Khao Mang… nên công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho các công trình thủy điện...

Qua thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục tăng lên, các vụ vi phạm liên quan đến rừng được hạn chế. Đây là những kết quả bước đầu rất tích cực, là tiền đề cho người trồng rừng, bảo vệ rừng yên tâm, có thu nhập ổn định từ rừng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập từ rừng cho người dân địa phương.

Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có trên 122.195 lượt ha rừng được chi trả từ nguồn DVMTR với 17.713 lượt hộ gia đình được hưởng lợi từ nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài, tổng kinh phí chi trả 42,5 tỷ đồng. Số tiền này đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.

Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ của huyện cho biết: “Việc giao khoán rừng để chi trả DVMTR trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng đối với chủ trương quản lý rừng bền vững, làm cho rừng thật sự có chủ và người dân được hưởng lợi khi quản lý bảo vệ rừng. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đối tượng được hưởng lợi từ rừng, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cũng được nâng lên”.

Là một trong những xã có diện tích rừng lớn với gần 3.000ha, trong đó rừng tự nhiên gần 1.400ha, rừng trồng phòng hộ trên 1.600ha, diện tích rừng được phân đều ở 6 thôn bản, qua hai năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, xã Dế Xu Phình đã nhận được tổng số tiền 2.365.920.000 đồng.

Anh Hảng A Chua - Trưởng bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình cho biết: “Bản mình có 223ha rừng trồng phòng hộ được giao khoán bảo vệ cho 31 hộ với 219 nhân khẩu. Hai năm qua, bản mình nhận được gần 167 triệu đồng tiền bảo vệ. Có tiền này bà con mình phấn khởi lắm. Số tiền đã phần nào giúp bà con mình bớt khó khăn. Có tiền, bà con cũng ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng. Bản mình thường xuyên tuần tra bảo vệ diện tích rừng, nhất là vào mùa khô hanh để rừng phát triển, bà con sẽ có cuộc sống ấm no”.

Có thể nói, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, là tiền đề cho người dân có rừng tiếp tục phát triển các nguồn lợi từ rừng, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào đời sống, các cấp, các ngành cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và chế tài xử lý đối với những đơn vị sử dụng dịch vụ không thực hiện chi trả tiền DVMTR để bảo đảm quyền lợi cho người dân làm nghề rừng; cần sớm xác định ranh giới, diện tích rừng cho từng chủ rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chính sách chi trả DVMTR giữa các nhóm hộ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng lâu dài với các bên liên quan để bảo đảm công khai, công bằng và minh bạch trong việc thực hiện chi trả; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng DVMTR có hiệu quả…

Hồng Duyên

Các tin khác
Chế biến gỗ rừng trồng là một trong những thế mạnh của Động Quan.

YBĐT - Động Quan (Lục Yên) là xã nằm ven quốc lộ 70, có nhiều thuận lợi trong giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, với địa hình chủ yếu là đồi núi cao nên đường vào các thôn, bản vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã biết phát huy nội lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước nguồn vốn ngân sách Trung ương số tiền 400 tỷ đồng cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014.

Theo kế hoạch phát hành các loại trái phiếu Chính phủ năm 2014 của Kho bạc Nhà nước vừa được điều chỉnh, tổng khối lượng phát hành năm nay là 262.000 tỷ đồng.

Ngày 25-11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã ký với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiệp định vay vốn trị giá 50 triệu USD nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam, thúc đẩy chi tiêu cho du lịch, tạo thêm việc làm trong ngành du lịch cho người nghèo và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục