Thành tích mới của Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/12/2014 | 2:37:01 PM

YBĐT - Nằm trên quốc lộ 32, vị trí đặt Trạm là cửa ngõ từ Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), Phù Yên (tỉnh Sơn La) về Phú Thọ và các tỉnh đồng bằng, Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú nhận cây giống, chuẩn bị trồng rừng.
Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú nhận cây giống, chuẩn bị trồng rừng.

Suốt một thời gian dài, những cán bộ, chiến sỹ “lâm binh” Cầu Gỗ đã mưu trí, dũng cảm trước mọi cám dỗ vật chất, đe dọa về tính mạng và tinh thần của các đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản hết sức gian ngoan, xảo quyệt và manh động. Những viên đạn “bọc đường”, con dao sắc lẹm và cả chiếc xi lanh đầy máu nhiễm HIV/AIDS của lâm tặc đã không khuất phục được những cán bộ kiểm lâm, để rừng Văn Chấn thêm xanh, môi trường được an lành.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn Vũ Đình Trường cho biết: “Thành tích trong công tác bảo vệ rừng của anh em cán bộ ở Trạm rất đáng ghi nhận! Hôm nay, câu chuyện mới, thành tích mới của anh em Cầu Gỗ đã khác hẳn!”. Rồi anh cho biết thêm “Nhân dân các dân tộc thuộc địa bàn Trạm phụ trách đang dẫn đầu phong trào trồng rừng ở huyện này”. Trung tuần tháng 11, trời không còn nắng nóng, thi thoảng lại có một cơn mưa nhẹ hạt, với những người làm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, thời tiết này rất thuận vì nguy cơ cháy rừng giảm, việc trồng và chăm sóc sẽ tốt lên.

Trạm trưởng Nguyễn Đình Thịnh cho biết: “Đang trong giai đoạn cao điểm của mùa trồng quế nên anh em người đi Cát Thịnh, người đi Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An để đánh giá tiến độ trồng, kiểm tra việc làm đất, đào hố, bỏ phân rồi xuống cây giống xem có đúng kỹ thuật không? Qua đó, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng xâm lấn vào rừng tự nhiên, phòng hộ là quan trọng lắm!”.

Nghe đồng chí Trạm trưởng nói mới thấy người cán bộ kiểm lâm địa bàn giờ vất vả hơn trước rất nhiều. Bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng rồi vận động bà con nhận đất trồng rừng, theo chương trình, kế hoạch, đúng kỹ thuật… tất cả đều do lực lượng kiểm lâm địa bàn làm nòng cốt. Nghề kiểm lâm phải biết leo rừng, leo núi, đấu tranh chống lâm tặc, chiến đấu chống giặc lửa và hơn hết là phải cùng ăn, cùng ở, nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Nhiệm vụ nhiều và khó khăn cũng không ít, càng vất vả hơn khi chỉ có mấy cán bộ nhưng tham gia quản lý hơn 32.000ha rừng, trong đó, 6.500ha rừng phòng hộ, hơn 8.300ha rừng tự nhiên sản xuất, gần 5.000ha rừng trồng sản xuất của nhân dân. Dựa vào chính quyền, dựa vào nhân dân để bảo vệ màu xanh cho quê hương chính là giải pháp để những cán bộ kiểm lâm nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Như một lẽ tự nhiên, ở đâu, khi nào bà con biết trồng rừng, sống được nhờ rừng và giàu lên nhờ trồng rừng, khi đó nạn phá rừng, tình trạng cháy rừng cũng dần giảm xuống! Nghĩa Tâm, Cát Thịnh, Minh An… cũng không nằm ngoài “quy luật” đó. Cán bộ kiểm lâm muốn bớt vất cả, chỉ có cách vận động bà con trồng rừng, giúp họ sản xuất rừng hiệu quả! Thế là, những buổi làm việc giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với Hạt Kiểm lâm huyện đã diễn ra, bàn giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp; nội dung trồng và bảo vệ rừng cũng đã được đưa vào những buổi họp thôn, họp bản; đặc biệt là từng cán bộ kiểm lâm phải xuống dân nghe dân nói, hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ để vận động trồng rừng. Cốt lõi nhất là trồng giống năng suất, chất lượng cao, trồng đúng kỹ thuật và chăm sóc, bảo vệ tốt. Những hàng quế cắm xuống; những cây keo, mỡ, bồ đề xanh tốt trên nhưng nương đồi trọc lốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao như những “liều thuốc” kích thích phong trào trồng rừng. Nhiều hộ dân trong vùng đã trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào trồng rừng như bà Việt, ông Dũng, ông Tới ở xã Cát Thịnh hay ông Triệu Đức Minh ở xã Minh An…

Nói như Phó chủ tịch UBND xã Minh An Nguyễn Đăng Hiển: “Bà con người Dao ở đây mê cây quế rồi, 3 năm đã cho thu lá, 10 đến 15 năm là bán vỏ, bán thân; vừa có cái thu trước mắt, vừa có cái lợi lâu dài. Không lâu nữa, rừng quế Minh An sẽ sánh ngang với rừng quế của anh em người Dao bên Viễn Sơn, Đại Sơn, huyện Văn Yên”.

Được biết, năm 2014, 5 xã, thị trấn thuộc địa bàn quản lý của Trạm được giao nhiệm vụ trồng 1.485ha rừng, trong đó, 166,7ha rừng trồng tập trung (được Nhà nước cấp giống), số diện tích còn lại là cây phân tán, cây lâm nghiệp xã hội do nhân dân tự trồng. Đến thời điểm này, nhân dân các xã, thị trấn đã trồng vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao như Minh An 140ha, Nghĩa Tâm 174ha, Trần Phú 40ha… bà con vẫn tiếp tục trồng và diện tích đăng ký với các cấp chính quyền là rất lớn. Khi người dân các xã đã “mê” trồng rừng nên việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trên giao không có gì đáng ngại, diện tích rừng trồng, chất lượng tốt tăng với tốc độ rất nhanh.

Một vấn đề khác đang phát sinh trong công tác phát triển rừng ở Văn Chấn cần được xem xét giải quyết đó là một số doanh nghiệp được tỉnh cho giao đất trồng rừng với diện tích lớn nhưng không triển khai trồng hoặc trồng rất kém hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả cũng như phong trào trồng rừng nói chung. Vấn đề này cần được xem xét lại, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực, cần tiến hành thu hồi đất, giao cho dân hoặc tổ chức khác trồng và phát triển kinh tế!

Chè, cam, quế, mỡ, keo, bồ đề... đang đua chen để tô thắm một vùng quê rộng lớn. Người Tày, người Dao, người Kinh trồng nhiều rừng và có cuộc sống khá từ rừng trồng, đó là niềm vui, là thành tích mới của cán bộ Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ.

Tấn Đạt

Các tin khác
Chị Trang Thị Da ở thôn Mông Si cho trâu ăn cỏ voi được trồng quanh nhà.

YBĐT - Mùa đông đến là thời điểm gia súc dễ bị suy kiệt, giảm sức đề kháng, dẫn đến chết do đói và rét. Vì thế, những năm qua, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc luôn được huyện Trạm Tấu quan tâm, chú trọng. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện tích cực triển khai các biện pháp chống đói, rét cho đàn gia súc, bảo đảm cho gia súc khỏe mạnh, phát triển tốt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về cơ chế giá xăng E5.

Ảnh minh họa

Công ty Than Núi Béo, thuộc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa xác lập kỷ lục mới về độ sâu trong đào hầm lò than giếng đứng đạt mức -371,6m (so với mực nước biển) đối với giếng phụ và -351,6m đối với giếng chính.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cải thiện từ mức 5,4% vào năm 2013 lên 5,6% cho cả năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục