Chuẩn bị chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành DN cổ phần
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2014 | 2:20:21 PM
Sáng 11/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty Nhà nước
|
Theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định thì, việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP) thực chất là xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công để đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL, nâng cao trình độ quản trị, cung cấp sản phẩm có chất lượng cao, ngày càng phù hợp với nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chưa có quy định cụ thể, nên việc ban hành Quyết định của Thủ tướng để tạo hành lang pháp lý, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa ĐVSNCL.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp đều khẳng định việc chuyển các ĐVSNCL thành CTCP là cần thiết, tuy nhiên không phải quy định làm thí điểm mà nên cho chuyển đổi đồng bộ các ĐVSNCL; không chỉ chuyển đổi ĐVSNCL ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cổ phần hóa hoặc thuộc diện Nhà nước không nắm 100% vốn điều lệ mà cả ĐVSNCL trực thuộc Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguyên nhân là nước ta đã có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, nhiều ĐVSNCL (nhất là trong giáo dục-đào tạo, y tế) đã được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, bộ máy và tài chính và đang mang lại hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công.
Qua khảo sát tại 37 ĐVSNCL của 7 tập đoàn, Bộ Tài chính cho biết, có 29/37 ĐVSNCL tự bù đắp chi phí với nhiều đơn vị số thu lớn hơn chi, còn lại là 8 đơn vị không tự bù đắp được chi phí; 13/37 đơn vị có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng, 7 đơn vị có tài sản từ 50-100 tỷ đồng, có 3 đơn vị có tổng tài sản ít nhất dưới 10 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc chuyển đổi gồm một trong những hình thức sau: Giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại các ĐVSNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn Nhà nước hiện có, hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Sau khi chuyển thành CTCP, ĐVSNCL hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các luật chuyên ngành, tiếp tục thực hiện ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ công, tự quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở giá tính đủ các chi phí hợp lý.
Về xử lý tài chính của ĐVSNCL, dự thảo Quyết định đưa ra một số nguyên tắc xử lý riêng phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị và quyền lợi của người lao động; đơn vị không tính giá trị lợi thế kinh doanh vào giá trị ĐVSNCL; có chính sách ưu đãi với người lao động là các chuyên gia giỏi trong mua cổ phần khi chuyển đổi...
Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL nhấn mạnh, không nên quy định cơ chế làm thí điểm, mà có thể thực hiện rộng rãi, có ưu tiên cổ phần hóa ĐVSNCL trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, hoặc Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cho ý kiến về cơ chế tài chính của các ĐVSNCL như các bệnh viện, trường học, cơ sở nghiên cứu khoa học... khi chuyển sang CTCP, Phó Thủ tướng cho rằng, cần giao cho đơn vị tự xác định giá trị đào tạo nhân lực theo đúng kinh phí đã bỏ ra và Nhà nước sẽ cấp bù kinh phí này cho ĐVSNCL.
Đối với ưu đãi cho nhân lực chất lượng cao của ĐVSNCL khi chuyển đổi, Phó Thủ tướng chia sẻ, đây không chỉ là vấn đề vốn của đơn vị, mà còn là giá trị chất xám, nên phải có ưu đãi thỏa đáng. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị xin ý kiến Chính phủ để đạt được đồng thuận cao nhất.
Về mức độ cổ phần hóa ĐVSNCL, Phó Thủ tướng cho rằng, tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của đơn vị thì Nhà nước có thể chi phối hoặc không chi phối, vì có những đơn vị như nông, lâm trường thì liên quan tới vấn đề an ninh, quốc phòng.
Bộ Tài chính xây dựng danh mục ĐVSNCL mà Nhà nước cần chi phối cổ phần hay không cần chi phối để thực hiện.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Từ ngày 28/7/2014 đến nay, giá xăng, dầu trong tỉnh đã giảm liên tiếp theo giá xăng dầu trong nước. Trong đó, giá xăng giảm 10 đợt, giá dầu Diezen giảm 14 đợt, tổng cộng giảm đến 5.390 đồng/lít. Lần giảm giá vào ngày 22/11/2014, mức giảm đến 1.140 đồng/lít xăng. Điều nghịch lý là trong tỉnh chỉ đến đợt giảm mạnh gần đây nhất thì mới có một số ít đơn vị kinh doanh vận tải rục rịch giảm giá cước cho hành khách.
Trong khuôn khổ chuyến Tham dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 25 quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và thăm làm việc tại Hàn Quốc, trưa nay, 10/12, tại Thành phố Busan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với hơn 40 lãnh đạo các tập đoàn, công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí, đóng tàu, thương mại, công nghiệp…
Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2015.
YBĐT - Những ngày này, tại các cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh, nhà sách lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố Yên Bái, trung tâm các huyện, xã đã tràn ngập sắc đỏ, vàng của lịch 2015. So với mọi năm, các loại lịch Ất Mùi đều được các nhà xuất bản chăm chút cả về màu sắc, kiểu dáng, kết cấu và mang đậm chất “thuần Việt”.