Vững chắc nơi đồng đất miền Tây
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/12/2014 | 2:59:58 PM
YBĐT - Đến Văn Chấn (Yên Bái), câu chuyện về cây ngô đông không còn thời sự, nhưng sự hiện diện của nó trên các cánh đồng vẫn luôn tạo dấu ấn mạnh mẽ, có tác động không nhỏ đến đời sống và tư duy sản xuất của những người nông dân.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra việc sản xuất ngô đông của nông dân xã Sơn A.
|
Nắng chiều không còn đỏ rực như những ngày đầu đông, nhưng những ruộng ngô bạt ngàn ở Văn Chấn - Mường Lò vẫn bạc đầu nhả phấn dát vàng cho những bắp non tròn trịa. Những thân ngô xanh mướt như người mẹ địu con, cần mẫn chắt lọc tinh túy của trời, của đất thành dòng sữa thơm ngọt ngào nuôi dưỡng đứa con. Trồng ngô đã khó, trồng ngô đông còn khó hơn những người nông dân cần mẫn đã đúc rút kinh nghiệm, chuyển hóa thành những mùa vàng thắng lợi. Chẳng thế mà vụ này qua vụ khác, những ruộng ngô đông cứ thế mở rộng cả về diện tích, năng suất, chất lượng và sản lượng.
Trước đây chục năm, gia đình bà Sa Thị Lò, thôn Cò Cọi 1, xã Sơn A chỉ dè dặt trồng cấy vài trăm mét vuông. Nay thì khác, cả 4000 m2 đất 2 vụ lúa chẳng vụ đông nào gia đình bà để trống. Năm nay năm nhuận, những tưởng thời gian sản xuất kéo dài hơn, nhưng rồi mưa dầm đã cản trở sự phát triển của cây ngô đông. Hết chết dột đến bệnh chân chì, bạc lá… trăm thứ bệnh. Nhưng sự cần cù, chịu khó cùng những kinh nghiệm sau nhiều năm sản xuất gia đình bà vẫn làm những ruộng ngô hồi sinh.
Đưa tay thoăn thoắt tỉa những lá già dưới những thân ngô lúc lỉu bắp, bà Lò hỉ hả: “Từ trước tới giờ trồng ngô đông chưa bao giờ thất bại cả. Năm nay tưởng kém, nhưng giờ thì khả quan thắng lợi đến 90%. Bà con bây giờ không chỉ trồng ngô tẻ, mà trồng thêm ngô nếp, có thu nhập đồng ra đồng vào”.
Là địa phương đi đầu trong phong trào phát triển cây vụ đông ở Văn Chấn, năm nay Sơn A gieo trồng trên 175ha ngô đông, chiếm 85% diện tích đất 2 lúa. Diện tích lớn, nhưng ngô phát triển rất đều. Những ruộng ngô ngút ngàn, mập mạp, xanh mướt, thẳng hàng bên những con đường liên thôn vừa đắp, đổ bê tông đã tạo nên hình ảnh vùng quê trù phú. Đâu đây tiếng sột soạt, tiếng cười vui của những người dân đi tỉa lá, thu hoạch ngô nếp, ngô bao tử.
Phấn khởi nhất có lẽ là Chủ tịch UBND xã Sơn A Đinh Văn Thuyên, vì năm nay nhiều chỉ tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã và xấp xỉ hoàn thành - trong đó có phần đóng góp không nhỏ của sản xuất ngô đông. Chia sẻ với chúng tôi, ông bảo: “Cái chính là thay đổi được nhận thức của nhân dân, làm cho nhân dân nhận thấy lợi ích lâu dài thì chẳng cần tuyên truyền vận động nhiều họ cũng tích cực. Với Sơn A, ngoài kinh nghiệm trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thì yếu tố quan trọng nhất để có sự phát triển đồng đều của các diện tích ngô đông là việc chỉ đạo làm đất tối thiểu và huy động nhân lực”.
Câu chuyện về sản xuất ngô đông ở Sơn A là điển hình cho sự phát triển vụ đông ở Văn Chấn - Mường Lò. Vốn có điều kiện đất đai màu mỡ, với cánh đồng Mường Lò “bờ xôi, ruộng mật”, nên năm 1994, Tỉnh ủy Yên Bái có chủ trương đẩy mạnh thâm canh tăng vụ đưa cây ngô đông vào trồng thử nghiệm trên cánh đồng Mường Lò. Khả năng thích nghi cao dưới bàn tay cần cù, chịu khó của nông dân mà những ruộng ngô mô hình đã lan thành đại trà.
Từ mục tiêu ban đầu là xóa đói, giảm nghèo, chống rét cho gia súc, giờ cây ngô đã đưa sản xuất vụ 3 thành vụ chính và tiến dần theo hướng hàng hóa, với giá trị ngang bằng, thậm chí cao hơn so với mỗi vụ gieo trồng lúa nước.
Để được kết quả đó, có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là sự thống nhất, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ những nghị quyết về sản xuất vụ đông đến các nghị quyết chuyên đề về: cho mượn đất, thành lập tổ đổi công, hay quy hoạch vùng sản xuất ngô đông… đã định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả nông dân sản xuất vụ đông. Sản xuất ngô đông đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, làm thay đổi cơ bản tư duy, nhận thức của nông dân. Những đồng ngô không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị to lớn về cảnh quan môi trường, tạo ra thị trường nông sản khá sôi động.
Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định: “Cây ngô đông có tác động to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Văn Chấn - Mường Lò. Về mặt kinh tế, hàng năm với trên 1.700 ha ngô đông, trong đó, trên 1.200 ha ngô trên đất 2 vụ lúa cho sản lượng trên 5.500 tấn, giá trị thu nhập trên 20 triệu đồng/ha, ngô đông đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Về mặt xã hội, cây ngô đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy và nhận thức của người nông dân. Từ sản xuất thụ động, nông dân đã biết chủ động cơ cấu cây trồng, mùa vụ, thời vụ, chủ động trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ cấu giống để phân phối mùa vụ hợp lý. Từ chỗ chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, lo lắng thời tiết, thời vụ mà ngại khó ngại khổ. Giờ bà con đã tích cực sản xuất theo hướng có lợi, phù hợp với nhu cầu, quy luật phát triển của thị trường”.
20 năm phát triển, ngô đông thực sự không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên đồng đất miền Tây mà còn có vị thế đối với mỗi người nông dân Văn Chấn. Có lẽ hành trình của ngô đông vẫn sẽ còn tiếp diễn, luân hồi theo mùa vụ, nhưng hôm nay, cây ngô đang có sự chuyển mình về chất, tiếp sức và làm đổi thay những vùng quê vốn xưa nay nghèo khó.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Những ngày cuối năm chúng tôi về lại Châu Quế Thượng - một xã vùng cao thuộc thượng huyện Văn Yên (Yên Bái). Vốn là xã đặc biệt khó khăn nhưng vài năm trở lại đây được Nhà nước đầu tư hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình 135 nên người dân đã được tiếp cận với khoa học kĩ thuật và các nguồn vốn ưu đãi, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp. Vì vậy, đời sống của bà con đã có sự thay đổi nhanh chóng.
Sáng nay (12/12), giá vàng trong nước đã có diễn biến trái chiều giữa hai miền Bắc – Nam, khi miền Bắc đi ngang và có dấu hiệu giảm còn miền Nam lại tăng nhẹ. Trong khi đó tỷ giá USD tiếp tục tăng.
Sáng 12.12, tại Ninh Thuận, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình hệ thống cung cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến dự.
YBĐT - Toàn bộ diện tích sẽ được cấy xong trước tết Nguyên đán, cùng với sự góp mặt của các giống lúa mới, năng suất cao là nét mới trong sản xuất vụ đông xuân năm nay ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.