Dự án thâm canh chuối tiêu hồng: Hứa hẹn tạo vùng hàng hóa chuyên canh

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/12/2014 | 9:15:02 AM

YBĐT - Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và thâm canh chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Yên Bái” được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì triển khai từ giữa năm 2013 bước đầu đã mang lại kết quả. Dự án thực hiện sẽ góp phần chuyển đổi phương thức canh tác, cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Yên Bái.

Cán bộ Dự án kiểm tra mô hình thâm canh chuối tiêu hồng tại thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái).
Cán bộ Dự án kiểm tra mô hình thâm canh chuối tiêu hồng tại thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái).

Việc trồng chuối tại tỉnh Yên Bái hiện chủ yếu mang tính tự phát và sản xuất theo lối quảng canh. Quá trình chọn lọc cây giống bảo đảm chất lượng kết hợp với các biện pháp canh tác chưa hợp lý nên chưa mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp, chưa xác định đây là một cây trồng quan trọng trong khi nhu cầu thị trường chuối tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu khá lớn. Chuối tiêu hồng dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng đất phù sa, đất cát, thích nghi với điều kiện thời tiết ở Yên Bái.

Các địa phương lại có lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật của nông dân ngày càng được nâng cao, có thể làm chủ được kỹ thuật. Từ thực tế sản xuất, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ xác định, việc xây dựng mô hình thâm canh chuối tiêu hồng áp dụng công nghệ cao là cơ hội giúp nông dân Yên Bái tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới tạo ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ trong nước cũng như tham gia thị trường xuất khẩu.

Xây dựng mô hình nhân giống và thâm canh chuối tiêu hồng, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật đi học tập, tiếp nhận các quy trình công nghệ do Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương chuyển giao. Trên cơ sở các quy trình công nghệ sản xuất giống bằng nuôi cấy mô tế bào, quy trình công nghệ thâm canh chuối tiêu hồng, quy trình công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, đơn vị đã chuẩn bị tốt cho việc nhân giống bằng nuôi cấy mô đồng thời chọn 3 địa điểm xây dựng mô hình. Cụ thể là Công ty Cổ phần Thành Mỹ tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái với diện tích 2ha; Công ty TNHH Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái trồng 5ha; hộ ông Lò Văn Số ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ thực hiện 1ha.

Dự án đã tiến hành nhân đủ cây giống, triển khai trồng và chăm sóc cây chuối tiêu hồng theo đúng kỹ thuật từ đào hố, bón lót phân, đảo phân, lấp hố trồng đến thời điểm ngắt hoa đực (bắp chuối), tỉa bỏ những quả, nải không đạt yêu cầu và tiến hành bao buồng. Cùng với triển khai đào tạo kỹ thuật viên cơ sở, Dự án đã tập huấn và tuyên truyền cho 150 nông dân ở các địa phương triển khai Dự án. Qua nắm bắt kiến thức trên lớp và trực tiếp xem mô hình tại thực địa, người dân nắm được kiến thức cơ bản và thực hiện được các quy trình thâm canh chuối ứng dụng công nghệ tiên tiến và bảo quản sau thu hoạch.

 Theo những người tham gia trồng và chăm sóc chuối tại mô hình ở thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái), cách làm này đã giúp bà con thay đổi phương thức canh tác vì việc chăm sóc, bón phân, giữ quả đều phải tuân thủ quy trình nên nhận thức về sản xuất hàng hóa được nâng lên.

Lợi thế cây giống được tạo ra từ phương pháp nuôi cấy mô sẽ cho giống chuối hoàn toàn sạch bệnh, có khả năng làm tăng năng suất từ 15% - 20%. Thực tế ở 3 mô hình cho thấy, cây chuối tiêu hồng sau trồng có tỷ lệ sống đạt 95% diện tích, thời gian sinh trưởng trung bình 6 tháng, cho 7 - 8 nải/buồng, mỗi nải từ 18 - 25 quả. Mô hình tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, chuối sinh trưởng tốt, có thể chuẩn bị thu hoạch và hiện Tổng công ty Hòa Bình Minh chuẩn bị đất để nhân rộng diện tích.

Ông Trần Ngọc Thư - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Đến tháng 10/2014, Trung tâm đã triển khai xây dựng 3 mô hình với 8ha thâm canh chuối tiêu hồng áp dụng công nghệ cao. Hiện, cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch từ nay đến tết Nguyên đán. Phát triển nghề trồng chuối theo hướng áp dụng kỹ thuật tiến bộ không những tận dụng được lợi thế tự nhiên mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất và góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân trong tỉnh".

Sản phẩm chuối tiêu hồng dưới dạng chuối xanh và chuối chín đang được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu. Trung tâm sẽ tiếp tục sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh đồng thời chú trọng tuyên truyền, vận động các địa phương trong vùng Dự án mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng và hình thành các vùng chuyên canh phát triển từ các mô hình của Dự án theo hướng trang trại, nông trại, hợp tác xã.

Dự án sẽ kéo dài đến tháng 6/2015. Với kết quả bước đầu Dự án mang lại đồng thời làm tốt công tác quy hoạch và thị trường hứa hẹn sẽ tạo ra sự đa dạng trong cơ cấu cây trồng, tạo vùng sản xuất hàng hóa, giúp nông dân Yên Bái có thêm việc làm và thu nhập cao trong thời gian tới.

Kỹ sư Đặng Thị Hồng Hiệp - Chủ nhiệm Dự án cho biết: “Chuối tiêu hồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất trên diện rộng theo hướng hàng hóa tập trung. Loại chuối này có chất lượng quả tốt trong tất cả các vụ thu hoạch, có hương thơm, ngọt, thịt quả chắc và không chua như những giống chuối tiêu khác. Trong điều kiện chăm sóc tốt, khối lượng buồng có thể đạt 45kg, quả đều, khi chín vỏ màu vàng tươi, cuống quả dai nên không bị rụng. Ưu thế lớn nhất mang lại giá trị kinh tế cao là chuối ra hoa đồng nhất, buồng chuối đồng đều, chất lượng đồng hạng và có thể thu hoạch đồng loạt”.

Minh Quang

Các tin khác
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định thực hiện kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể

Cùng với 2 sản phẩm hoa hồng Mù Cang Chải (Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt xã Nậm Khắt) và chè Shan tuyết Púng Luông (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Púng Luông), vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái và Trung tâm Phát triển công nghệ cao phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức Hội nghị trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho "Rượu thóc La Pán Tẩn” (Hợp tác xã Du lịch Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn).

Lãnh đạo xã Mai Sơn kiểm tra lúa xuân

Đến nay, diện tích lúa cấy trên địa bàn huyện Lục Yên đang trong giai đoạn trỗ bông, chắc xanh. Bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bảo vệ để đạt năng suất, sản lượng cao.

Người lao động Hợp tác xã Chè Vạn Hoa sơ chế chè nguyên liệu.

Tính đến hết quý I/2024, toàn tỉnh Yên Bái có 738 hợp tác xã, 5.310 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực với trên 60.000 thành viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục