Nỗ lực về "đích" sớm
- Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2014 | 8:53:16 AM
YBĐT - Ngày 9/3/2012, UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 217/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu của Đề án là kiên cố bê tông xi măng 400km và mở mới đường thôn, bản 500km. Vượt mọi khó khăn, Đề án đã về đích trước một năm. Kết quả này nằm ngoài mong đợi của Đảng bộ, các cấp chính quyền.
Người dân xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên) tham gia làm đường giao thông nông thôn.
|
Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm xây dựng, phát triển nông thôn, cải thiện, nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trong đó, tập trung nguồn vốn đầu tư để bê tông hoá, cứng hoá mặt đường GTNT.
Tuy nhiên, do đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, tổng chiều dài các tuyến đường GTNT khá lớn, hầu hết các tuyến đường đều chưa được đưa vào cấp hoặc chỉ đầu tư với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hệ thống công trình thoát nước chưa hoàn chỉnh, mức đóng góp của nhân dân còn hạn chế nên các công trình thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" chỉ cải thiện một phần điều kiện đi lại, hiệu quả đầu tư và chất lượng khai thác còn hạn chế.
Mạng lưới GTNT trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 5.024km, trong đó, đường xã 2.877km và đường thôn, bản 2.147km. Tính đến trước năm 2012, các tuyến đường đến trung tâm các xã cơ bản đã khai thông nền đường và kiên cố 290,7km còn lại là mặt đường đá dăm 43km, mặt đường cấp phối 112,7km và mặt đường đất. Đường thôn, bản tỷ lệ kiên cố hóa không cao, do đó, một số tuyến đường chỉ đi lại được trong mùa khô và ách tắc vào mùa mưa lũ. Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015 đã cơ bản giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông đến các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình thực hiện, Đề án đã tạo ra phong trào xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, sự đóng góp của doanh nghiệp.
Trong 3 năm (2012 - 2014), Đề án đã kiên cố hóa đường bê tông xi măng 452km, mở mới, mở rộng đường thôn, bản 867km với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí huy động từ nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội 338 tỷ đồng. Như vậy, đến hết năm 2014, Đề án đã về "đích" sớm một năm. Có những địa phương, trước khi triển khai Đề án chưa có một ki-lô-mét đường bê tông nào nhưng đến nay, 100% đường liên thôn đã được kiên cố. Nhiều xã đã hoàn thành tiêu chí về GTNT trong bộ tiêu chí nông thôn mới như: Báo Đáp (Trấn Yên), Đại Phác (Văn Yên), Nậm Lành (Văn Chấn), Liễu Đô (Lục Yên).
Trong quá trình triển khai Đề án, ban đầu, người dân còn băn khoăn về tính công khai, minh bạch trong đóng góp và thi công. Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", người dân được bàn, được đóng góp ý kiến và tự giám sát. Khi tính công khai, minh bạch thể hiện rõ, người dân phấn khởi đồng tình, tự nguyện góp công, góp sức, hiến đất làm đường tạo thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cũng từ đây, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hạn chế các khoản đóng góp, giảm gánh nặng cho nhân dân. Có địa phương đã tận dụng lợi thế nguồn vật liệu cát, sỏi sẵn có, tiết kiệm tối đa chi phí nên người dân không phải đóng góp bằng tiền mặt mà chỉ đóng góp ngày công lao động.
Những tháng cuối năm 2014, người dân khắp nơi trong tỉnh lại sôi nổi làm đường bê tông xi măng. Sau cả năm chuẩn bị đầy đủ mặt bằng, nguyên vật liệu, ngày khởi công khắp các bản làng như một ngày hội, tiếng máy trộn bê tông hòa cùng tiếng cười rộn rã như những bản nhạc ấm no, hạnh phúc. Những con đường bê tông mới đang góp phần thay đổi diện mạo các làng quê, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Anh Dũng
Các tin khác
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết về thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam giai đoạn 2015-2018 như đề nghị của Bộ Tài chính.
Ngày 23/12, Bộ Tài chính đã tiếp tục có công văn 18757/BTC-QLG gửi Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô.
Được tổ chức 2 năm một lần, đây là chương trình duy nhất của Chính phủ gắn với 3 giá trị: chất lượng, đổi mới, sáng tạo, năng lực tiên phong.
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).